Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PGS. TS. Thái Phan Quỳnh Như: KỶ NIỆM BÊN BỜ SÔNG DANUBE

(NCTG) “Tôi vô cùng biết ơn Hungary, một đất nước thanh bình và thơ mộng, với những người dân chân thực và nhiệt tình, có các nhà khoa học uyên bác và tài giỏi, đã chắp cánh cho tôi trong khoa học và cống hiến được nhiều cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam!” – PGS. TS. Dược học Thái Phan Quỳnh Như.

Tại cuộc gặp mặt thường niên nhân Quốc khánh Hungary 20-8 (người ngồi giữa là chị Quỳnh Như) - Ảnh: Bích Ngọc

Lời Tòa soạn: PGS. TS. Thái Phan Quỳnh Như sinh năm 1949 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội (chuyên khoa Kiểm nghiệm). Sau thời gian là cán bộ giảng dạy tại trường Trung học Kỹ thuật Dược Hải Hưng (Bộ Y tế) rồi giữ cương vị Trưởng bộ môn Hóa phân tích của trường, chị đã có 5 năm học tập Sau đại học tại Hungary (1984-1989).

Năm 1989, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Dược học tại Đại học Y Dược Budapest (SOTE) rồi về nước làm việc tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương cho đến năm 2007. Từ năm 1993, chị là Phó, rồi Trưởng phòng kiểm nghiệm Hóa Lý I, đồng thời là giảng viên kiêm nhiệm trường Đại học Dược Hà Nội từ năm 1995.

Là tác giả của nhiều bài báo khoa học và các công trình nghiên cứu cấp Bộ và Cơ sở, TS. Thái Phan Quỳnh Như được công nhận chức danh Phó Giáo sư chuyên ngành Dược học năm 2004. NCTG đã có cuộc trao đổi ngắn sau đây với chị, đúng vào dịp Quốc khánh Hungary, đất nước có nhiều công lao đào tạo chị trở thành một nhà khoa học.

 

Trong ngày bảo vệ luận án Tiến sĩ (chụp trong thư viện cùng thầy hướng dẫn luận án Gaál Ödön) - Ảnh do nhân vật cung cấp

- NCTG: Rất vui có dịp trò chuyện với chị đúng vào dịp Đại lễ của Hungary.

Chị Thái Phan Quỳnh Như (T.P.Q.N.): Hôm nay là 20-8-2013, kỷ niệm ngày Quốc khánh của đất nước Hungary. Hàng năm cứ đến dịp này chúng tôi lại náo nức tham dự buổi gặp mặt của những người từng sống, làm việc và học tập tại Hungary, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đáng ghi nhớ, cùng động viên nhau phát huy những kiến thức khoa học, những nét đẹp văn hóa học được ở đất nước có 8 chiếc cầu hùng vĩ bắc qua dòng sông Duna (Danube) tại thủ đô Budapest vừa cổ kính vừa hiện đại.

- NCTG: Đất nước Hungary từng là bệ phóng cho sự nghiệp khoa học của chị. Chị có thể cho biết vài kỷ niệm về thời gian học hỏi và nghiên cứu ấy?

T.P.Q.N.: Tôi được học tập trên đại học ở Hungary trong thời gian 1985-1989. Biết bao kiến thức, kỷ niệm và tình cảm tôi đã nhận được từ các thầy cô giáo và các bạn: Dr. Szász György, Dr. Brantner Antal, Dr. Papp Otto, Dr. Búdvari Robertné… ở trường Đại học Y Dược Budapest (SOTE); Dr. Paál Tamás, Dr. Blaskovits Aladár, Dr. Varsányi Éva… ở Viện Kiểm nghiệm Thuốc Quốc gia (OGYI); Dr. Bíró György, Dr. Gaál Ödön, Dr. Dworschák Ernö, Czuczy Péter, Dr. Dersi Annamária, Dr. Péczli Ilona, Dr. Huszár Jánosné… ở Viện Dinh dưỡng và Thực phẩm Quốc gia (OÉTI). Còn có thể kể tới rất nhiều người thầy, đồng nghiệp và những người bạn khác.
 

Tại gia đình bố mẹ nuôi Telessy István - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngoài thời gian học tập và làm việc, trong cuộc sống xa nhà tôi cũng không phải buồn về mặt tinh thần vì tôi đã có gia đình hai đồng nghiệp lớn tuổi coi tôi như con của họ, đó là gia đình Telessy István. Nhờ gia đình, tôi tiếp thu được thêm rất nhiều kiến thức về văn hóa, phong tục nước Hung, nhưng quý nhất là từ họ, tôi thực sự cảm nhận được tình cảm ấm cúng, thân thiện của người dân nước bạn, khiến tôi cảm thấy yêu nước Hung như quê hương thứ hai của mình.

Trên đất nước Hungary nổi tiếng về tân dược, tôi đã học tập được các kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong kiểm nghiệm thuốc - đặc biệt là Sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) – và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Dược học. Trở về nước công tác, cũng chính những phương pháp này đã giúp tôi nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học của Bộ Y tế và Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương, góp phần quản lý thực trạng phức tạp và đa dạng của thị trường thuốc, nâng cao chất lượng thuốc. Bên cạnh đó tôi cũng đã tham gia đào tạo được nhiều Dược sĩ, Thạc sĩ và Tiến sĩ Dược học cho trường Đại học Dược Hà Nội. Vì vậy tôi đã được phong học hàm Phó Giáo sư Ngành Dược.
 

Cùng các bạn bè, đồng nghiệp trong ngày nhận bằng Tiến sĩ trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

- NCTG: Trong những năm tháng ấy trên đất bạn, ngoài thời gian trên giảng đường và các viện nghiên cứu, chị có kỷ niệm cá nhân nào đáng nhớ với đất nước và con người Hungary? Nước Hung có vị trí thế nào đối với chị?

T.P.Q.N.: Hungary đã trở thành quê hương thứ hai trong lòng tôi. Tuy rời xa Hungary đã 24 năm nhưng lúc nào hình ảnh đất nước, con người của Hungary vẫn in đậm trong trái tim tôi!

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm đúng vào ngày 20-8-1988, cách đây tròn 25 năm. Chúng tôi náo nức đi dự lễ Quốc khánh được tổ chức trên sông Duna rất hoành tráng, có trình diễn tàu chiến trên sông, có máy bay lượn trên bầu trời, bung ra hàng trăm chiếc dù cho phi công hạ xuống mặt nước. Người xem đông kín hai bên bờ sông, chúng tôi đang cố chen lên để xem bỗng nhiên có một thanh niên Hungary nói tiếng Việt rất sõi: “Các bạn Việt Nam ơi, lại đằng này xem rõ hơn!”.
 

Ngày Quốc khánh đáng nhớ 20-8-1988 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi đó tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động. Sao bạn ấy lại biết chúng tôi là người Việt Nam?! Sao bạn ấy nói tiếng Việt hay thế?! Để nói được một câu như vậy, chắc trong lòng người thanh niên này đã chứa chất bao nhiêu nét văn hóa của Việt Nam. Thường thì chỉ có người Việt nói tiếng nước ngoài để học tập người ta chứ làm sao lại có một người nước ngoài học được để nói tiếng Việt giỏi thế?

Tôi vô cùng biết ơn Hungary, một đất nước thanh bình và thơ mộng, với những người dân chân thực và nhiệt tình, có các nhà khoa học uyên bác và tài giỏi, đã chắp cánh cho tôi trong khoa học và cống hiến được nhiều cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam!
 

Cùng thầy hướng dẫn Brantner Antal và cô giáo dạy tiếng Hungary Eszter trong ngày bảo vệ Tiến sĩ trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

- NCTG: Xin chân thành cám ơn chị!

Tác giả bài viết: Bích Ngọc thực hiện