Ngoại trưởng Hungary: “PUTIN ĐÃ PHẠM PHẢI SAI LẦM LỊCH SỬ”
- Thứ sáu - 18/04/2014 12:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo “Le Monde” (Pháp) về chiến lược “mở về hướng Đông” của nội các Orbán, Bộ trưởng Ngoại giao Martonyi János - người sẽ từ nhiệm trong những ngày tới - đã bày tỏ một số ý kiến về mối quan hệ Hungary - Nga, cũng như về xung đột hiện tại giữa Liên bang Nga và Ukraine.
Ngoại trưởng Hungary Martonyi János - Ảnh: Stephanie Lecocq
“Đối với chính phủ Hungary, “mở về hướng Đông” xuất phát từ nhu cầu mở ra thế giới” - ông Martonyi khẳng định và cho hay, từ 25 năm nay nước Hung đã có tham vọng tại Châu Âu và khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương và trong bốn năm trở lại đây, quốc gia này còn muốn mở thêm ra nữa.
Một phần, vì những lý do lịch sử và tình cảm, Hungary muốn mở ra trong khu vực, vươn tới các láng giềng Đông Âu, mặt khác, nước này muốn mở ra hướng Đông với những khả năng hợp tác kinh tế, trước hết là với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Về quan hệ với Nga, Ngoại trưởng Hung cho rằng, đó chủ yếu là mối quan hệ kinh tế và để làm được điều đó, Thủ tướng Orbán Viktor đã có chuyến công du Moscow để đàm phán về những vấn đề khó khăn như khí đốt và năng lượng hạt nhân.
Trả lời về việc Hungary cho mở rộng nhà máy điện nguyên tử ở TP Paks (việc chính phủ Hungary “vượt mặt Quốc hội”, ký “tắt” hợp đồng vay tín dụng Nga để phía Nga thực hiện “dự án thế kỷ” này từng bị phe đối lập và một bộ phận cư dân chỉ trích gay gắt), ông Martonyi cho rằng đó là sự cần thiết để giảm sự phụ thuộc khí đốt Nga.
Lý giải về việc chọn đối tác Nga, Ngoại trưởng Hungary cho hay, nhà máy điện Paks do vốn Liên Xô xây dựng từ hơn ba chục năm trước, “hiện nó vẫn tồn tại, chạy tốt, và vẫn tiếp tục dùng công nghệ đó”. Theo ông Martonyi, cho dù có để phía Nga xây phần mở rộng đi nữa, nhưng nhà máy điện đó vẫn là của Hungary và trong trường hợp này không ngại có sự lệ thuộc như lệ thuộc về khí đốt.
“Câu hỏi lớn là nước Nga sẽ có vị trí ở đâu trong thế kỷ 21? Ở Châu Âu. Tôi tin rằng người Nga cần đến Châu Âu và chúng ta cũng cần tới nước Nga”, Ngoại trưởng Hungary khẳng định và nhận xét rằng Tổng thống Vladimir Putin đã “phạm phải sai lầm lịch sử, đáng tiếc đối với dân tộc của ông”.
Sai lầm đó, phải được trả lời “bằng sự đoàn kết của khối Xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic) và Châu Âu”, cũng như, bằng những biện pháp trừng phạt - ông Martonyi khẳng định. Theo ông, có lẽ Putin đạt được điều gì đó trong vòng vài tuần, “Crimea, hoặc cái gì đó lớn hơn một chút”, nhưng cái giá phải trả “về mặt dài hạn, là rất nghiêm trọng”.
“Lợi ích của nước Nga là hợp tác với Châu Âu”, Ngoại trưởng Martonyi nhận định. Liên quan tới những biện pháp trừng phạt có thể tiếp tục được đưa ra, ông nói rằng đối với Hungary, khí đốt của Nga vẫn rất cần thiết, do đó, bằng mọi giá cần tìm ra cách để Hungary vẫn tiếp tục có dạng năng lượng này từ Nga.
Tờ “Le Monde” đặt câu hỏi, liệu Putin với hành vi của ông ta có đặt ra tiền lệ cho việc bảo vệ các cộng đồng gốc Hung ở nước ngoài hay không. Ngoại trưởng Martonyi cho hay, nước Hung đơn thuần “có những phương cách khác”. Hungary coi trọng các vấn đề nhân quyền và quyền lợi của các cộng đồng thiểu số ở nước ngoài, nhưng không có bất cứ một đòi hỏi nào về lãnh thổ, và chấp nhận sự mất mát về lãnh thổ trong quá khứ.
Vị ngoại trưởng nhắc lại chuyến công du Ukraine vào cuối tháng 2 qua, trong dịp đó ông đã gặp gỡ cộng đồng Hung kiều 150-200 ngàn người và “trấn an” họ. Hiện tại, như ông Martonyi cho biết, chính phủ Hungary “có quan hệ ở mức tốt nhất” với Ukraine và liên quan tới Đạo luật Ngôn ngữ, Budapest khuyên Kiev nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung.
Theo Ngoại trưởng Hungary, Khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO nên củng cố sự hiện diện tại Ba Lan và ba nước Baltic trên các góc độ tâm lý, chính trị và quân sự, nhưng nên “cẩn trọng” và “trong những giới hạn nhất định” vì không nên làm căng thẳng thêm tình thế.
Trong trường hợp các quốc gia Baltic (đã từng bị Nga - Xô thôn tính), ông Martonyi cho rằng “dễ hiểu những tình cảm tại đó”, vì “người Hung chúng tôi cũng có thể nói chuyện lịch sử với người Nga, nhưng bây giờ chưa phải là lúc thích hợp”.