NHỮNG NGÀY VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI BUDAPEST
- Thứ bảy - 12/02/2011 15:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Nhân dịp đầu xuân Tân Mão, trong ba ngày từ 2-2 tới 4-2-2011, Những ngày Văn hóa Việt Nam với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi” đã diễn ra rất thành công tại Trường Tiểu học và Trung học Thực nghiệm Radnóti Miklós (Budapest, Hungary).
Học sinh Hungary cùng vui với các bạn Việt Nam trong Những ngày Văn hóa Việt Nam tại trường Radnóti Miklós
Trực thuộc Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE), mang tên một nhà thơ lớn của Hungary thế kỷ 20, Radnóti Milós là một trong những ngôi trường lớn và danh giá nhất của Budapest, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nhất các học sinh là con em của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.
Radnóti còn được biết đến ở Hungary như một trường có nhiều người ngoại quốc, nhiều thành viên các sắc tộc theo học, nơi học sinh được giáo dục trong một tinh thần hòa đồng, cởi mở, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng và tiếp thu những giá trị văn hóa của nhau.
Nhiều thế hệ các học sinh Việt Nam tại trường đã đạt kết quả xuất sắc trong học tập, cũng như trong các kỳ thi cấp thành phố và toàn quốc trong “sắc áo” của trường, như nhận định của ông hiệu phó trong phát biểu nhân Những ngày Văn hóa Việt Nam.
Các vị khách mời: Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Phu nhân cùng Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, TS. Botz László
Được tổ chức bởi Hội Phụ huynh Việt Nam, với sự tham gia, hỗ trợ của nhà trường cùng một số cá nhân tích cực trong cộng đồng Việt tại Hung, đây là dịp để các học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhiều bạn hữu Hungary biết đến những nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.
Trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa, một cuộc triển lãm khá đa dạng về Việt Nam đã được mở tại trường trong ba ngày liền, hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, với nội dung khá phong phú và luôn thu hút sự chú ý của đông đảo các bạn Hungary.
Có thể thấy ở đây những bức ảnh, tranh thêu, tranh lụa, tranh ghép đá, sơn mài về cảnh sắc và con người ba miền Bắc - Trung – Nam, cùng các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ và nhiều hiện vật, đồ lưu niệm phản ánh cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam.
Bàn giới thiệu các tác phẩm dịch bằng hai thứ tiếng thu hút sự chú ý của các bạn Hungary
Như những sứ giả quan trọng trong mối quan hệ 60 năm giữa hai nước, các tác phẩm văn học dịch Việt Nam và Hungary, cùng nhiều đầu sách về hai đất nước, hai dân tộc bằng các thứ tiếng Việt - Hung - cũng được trưng bày tại triển lãm.
Trong số đó, đáng chú ý là hai bản dịch khác nhau của kiệt tác “Truyện Kiều”, đã được các dịch giả người Hung chuyển ngữ trong thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, cũng bản dịch Việt ngữ tác phẩm nổi tiếng “Không số phận” của văn hào Kertész Imre, giải Nobel Văn chương duy nhất của Hungary.
Trong chương trình giao lưu văn hóa với các bạn Hungary vào chiều 4-2, Ban tổ chức đã dành ra những phòng riêng để giới thiệu về tiếng Việt; về văn hóa, lịch sử, ngày tết cổ truyền và các phong tục tập quán Việt Nam; chiếu phim về Việt Nam và giới thiệu các nhạc cụ dân tộc truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, đàn t'rưng, sáo, nhị, trống, đàn đá (lần đầu tiên ra mắt công chúng Hungary).
Chương trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam rất ấn tượng
Góc ẩm thực – nơi các vị phụ huynh hướng dẫn cách làm nem, dùng đũa và giới thiệu các món ăn truyền thống Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán - cũng là một nội dung được đánh giá là ấn tượng trong ngày hội văn hóa. Ngoạn mục về hình thức, phong phú về chủng loại và dồi dào về số lượng, ẩm thực Việt Nam đã để lại dấu ấn trong lòng các thực khách Hungary.
Một trong những điểm sáng của Những ngày Văn hóa Việt Nam là chương trình ca, múa, nhạc mang tính dân tộc và nghệ thuật cao, đa phần do các em học sinh Việt Nam tại trường Radnóti trình diễn chiều 4-2 trước chừng 400 khán giả ngồi chật kín hội trường lớn của ngôi trường.
Màn trình diễn trang phục áo dài hồn nhiên, vũ điệu công uyển chuyển, múa lân sôi động và khỏe khoắn, cùng tiết mục đọc thơ song ngữ “Bài học đầu cho em” (Đỗ Trung Quân) của các cháu học sinh, cũng như các tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc đã gặt hái được những tràng pháo tay không ngớt từ cử tọa.
Trình diễn trang phục áo dài truyền thống Việt Nam
Bên cạnh những cuộc triển lãm, những ngày văn hóa Việt Nam, chính thế hệ thứ hai - trưởng thành và theo học các trường tiểu học, trung học Hungary - đã quảng bá một cách hữu hiệu cho đất nước và con người Việt Nam thông qua sự chuyên cần, ý chí vươn lên và những kết quả xuất sắc trong học tập của các em.
Chùm ảnh của Trần Minh Tâm & Trần Lê về Những ngày Văn hóa Việt Nam:
Hính ảnh Việt Nam ngay từ cửa ra vào
Chương trình Những ngày Văn hóa Việt Nam với nét viết của các học sinh
Góp sắc xuân với cành đào Việt Nam “thứ thiệt”
Trang phục truyền thống Việt Nam trên các ma-nơ-canh Hungary
Góc ẩm thực Việt Nam luôn thu hút các học sinh Hungary
Thay mặt nhà trường, ông hiệu phó phát biểu trong lễ khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng
Đồng ca “Trống cơm” dưới sự điều khiển của giảng viên âm nhạc Phương Hồng
Nghệ sĩ Thu Nga biểu diễn đàn bầu
Độc tấu dương cầm
Kim Ngân và Bảo Long đọc thơ song ngữ “Bài học đầu cho em”
Vũ điệu công với sự trình diễn của Tường Vi
Rất đông học sinh Hungary trong cử tọa
Trang phục dân tộc áo dài, một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam
Múa lân tưng bừng
Tìm hiểu đàn đá
Tạo dáng trước cặp quang gánh...
... và thử phương tiện vận chuyển thô sơ của phụ nữ Việt Nam
Đối với nhiều học sinh và phụ huynh Hungary, đây là lần tiếp xúc đầu tiên với văn hóa Việt Nam
Triển lãm tranh, ảnh Việt Nam bằng các chất liệu khác nhau, cùng các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm...
TS. Giáp Văn Chung giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và giao lưu văn học Việt Nam - Hungary
Bài học tiếng Việt cho các bạn nước ngoài
Trưởng ban Tổ chức, Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Việt Nam tại trường Radnóti, TS. Phùng Kim San trả lời phỏng vấn báo chí Hungary