Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÂN VIÊN ĐÁNH KHÁCH HÀNG, DOANH NGHIỆP HÀNH XỬ ĐÁNG KHEN

(NCTG) Một nhà báo bị bảo vệ hành hung tại nhà hàng KFC, nhưng đáng nói là Ban lạnh đạo chuỗi nhà hàng này đã có cách hành xử hợp lý trong “xử lý khủng hoảng”.
Ký giả Szabó Zoltán, người từng cho biết ông nghiện “KFC” - Ảnh: Internet
Sự việc xảy ra vào tối 15-10. Ông Szabó Zoltán, nhà báo, người phụ trách phát triển nội dung của mạng tin lớn index.hu đã bị người bảo vệ nhà hàng ăn nhanh KFC ở phố Király (trung tâm Budapest) đánh đập chỉ vì ông đề nghị nhà hàng đưa sổ góp ý khách hàng do không đồng tình với cung cách của nhân viên ở đây.

Trước đó, ông đã phải xếp hàng chờ đợi lâu, nhưng khi đến lượt thì được cho biết là nhà hàng khi đó chỉ bán cho khách mang đi. Ông đặt câu hỏi tại sao không thể báo trước điều này vì nếu biết, ông đã không xếp hàng. Tuy nhiên, ông đã bị người bán hàng cự tuyệt, đề nghị “xê ra”, và cho hay là không có sổ khách hàng.

Nhà báo này sau đó đề nghị được gặp cửa hàng trưởng. Người cửa hàng trưởng mang một tờ giấy trắng và bảo ông viết ý kiến vào đó, nưng theo chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, vị ký giả biết trước là kiểu viết “gió bay” như thế sẽ không đi đến đâu, và cửa hàng có bổn phận phải có sổ khách hàng để thực khách chính thức góp ý.

Vào lúc đó, người bảo vệ xuất hiện và hỏi “để tôi quẳng nó ra ngoài nhé”, và sau khi được cửa hàng trưởng gật đầu, đương sự này đã lôi xềnh xệch vị khách ra ngoài cửa, và còn đánh đập ông. Tất cả những điều xảy ra khi đó đã được nhà báo Szabó Zoltán ghi lại bằng điện thoại di động, rồi ông gọi báo cảnh sát.

Được biết, việc một ký giả, một cây bút phê bình nổi tiếng bị hành hung tại nhà hàng KFC đã làm dấy lên một làn sóng công phẫn trên toàn nước Hung, nhiều "công dân mạng" phàn nàn về thái độ ứng xử của các nhân viên bảo vệ, chê trách cách xử lý của KFC, và đồng loạt cho điểm 1 trên trang nhà của KFC thuộc mạng Facebook.

Ngay lập tức, đã có hai cuộc biểu tình trước nhà hàng ở phố Király được vận động qua mạng Facebook. Cuộc thứ nhất được triệu tập vào ngày 10-11, cuộc thứ hai sớm hơn, vào 20-10, và cổ động tất cả mọi người (không cần phải là thực khách) hãy góp ý kiến vào sổ khách hàng vì đó là cách buộc hãng KFC phải chính thức trả lời từng người.
 
Nhà hàng KFC nơi xảy ra bê bối đáng tiếc - Ảnh: Internet
Nhà hàng KFC nơi xảy ra bê bối đáng tiếc - Ảnh: Internet

Chỉ chưa đầy một ngày sau sự việc, Giám đốc khu vực của hãng KFC, ông Fukcius Tamás đã gửi tới truyền thông một thông cáo báo chí, cho hay người bảo vệ vũ phu đã bị sa thải, và hãng KFC đang xem lại hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp giữ vai trò bảo vệ an ninh cho nhà hàng, công ty RC Security.

Chúng tôi rất tiếc về những gì đã xảy ra, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng”, ông Fukcius Tamás viết, và theo ông, việc hành hung khách hàng “hoàn toàn đi ngược lại” hệ giá trị của hãng, thậm chí, còn đi ngược lại “những giá trị căn bản của con người, những nguyên tắc nền tảng của phép lịch sự và phục vụ khách hàng”.

Ông cũng cho biết thêm, người chịu trách nhiệm của cửa hàng ngày hôm đó đã bị tạm thôi việc chừng nào cuộc kiểm tra nội bộ chưa chấm dứt, và các  nhân viên cửa hàng cũng “được dạy lại những nguyên tắc cơ bản của cách hành xử với khách hàng”. Một khóa huấn luyện để các nhân viên biết cách xử lý ý kiến của khách hàng cũng được khởi động.

Trên trang cá nhân thuộc mạng Facebook, nhà báo Szabó Zoltán đề nghị hãng KFC bồi thường ông 500 ngàn Forint, và khoản tiền sẽ được chuyển tới một tổ chức dân sự phục vụ những người có hoành cảnh khó khăn. Để trả lời, Giám đốc khu vực của hãng KFC nói rằng, hãng “vui mừng hỗ trợ một cơ sở từ thiện, như lời đề nghị công khai của vị khách”.

Ở phần kết, thông báo báo chí của hãng KFC khẳng định rằng “đây chỉ là một trường hợp cá biệt”, và không thể đánh đồng nó với cách thức phục vụ khách hàng nói chung của hãng.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn tổng hợp