Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÀ NƯỚC HUNGARY THUA KIỆN TRƯỚC HAI CÔNG DÂN

Tòa án Thủ đô (Budapest), trong phiên sơ thẩm vào thứ Sáu 25-9 vừa qua, đã xử thắng cho hai anh em Kruchina trong vụ kiện Nhà nước Hungary.

Hai anh em Kruchina

Câu chuyện của anh em nhà Kruchina bắt đầu vào tháng 9-2006, ít ngày sau khi bài phát biểu “dối dân” của Thủ tướng Gyurcsán Ferenc bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông, khởi đầu một làn sóng công phẫn trong dân chúng Hungary. Bài phát biểu đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình bất tận, những hành vi bạo động tiếp nối nhau liên miên trên đường phố Budapest mùa thu 2006.

* Bị hành hung oan uổng

Đêm 21, rạng sáng 22-9-2006, lực lượng cơ động REBISZ - được coi là “con cưng”, “kiêu binh” của ngành cảnh sát Hungary - đã bắt giữ hai anh em Kruchina Károly (26 tuổi) và Kruchina Vince (24 tuổi) trong một cuộc bạo động như vậy, cho dù cá nhân hai người không hề có hành vi gây rối. Theo lời kể của họ, họ đã bị cảnh sát hành hung rất tàn bạo: đấm, đá, dùng dùi cui quật, dùng máy sốc điện làm họ ngã xuống đất.

Rồi anh em Kruchina bị đưa về tạm giữ tại đồn Cảnh sát Quận X (Budapest), tại đó, họ tiếp tục bị đánh đập và lăng mạ. Không được báo tin về cho gia đình, hai anh em còn bị giễu cợt khi họ yêu cầu được gặp luật sư: “Đây không phải là Mỹ, thằng nhóc, không có luật sư gì sất!” Cùng ngày, Viện Kiểm sát Điều tra Budapest đề xuất tạm giam anh em Kruchina với lý do họ đã “dùng bạo lực chống lại người thi hành công vụ”.

May cho họ là đã có những nhân chứng độc lập chứng kiến trường hợp của họ – trong số đó, có hai phóng viên ảnh người Hungary của hãng AP. Nhờ hai ký giả này, anh em Kruchina không bị tạm giam 30 ngày như nhiều kẻ khác, những người bị các “nhân chứng” là cảnh sát “tố” rằng đã gây rối bằng cách ném đá họ.

Tuy nhiên, tòa án Hungary vẫn ra quyết định quản thúc tại gia đối với hai anh em; về sau, quyết định này được chuyển thành lệnh cấm rời nơi cư trú - chỉ đến cuối tháng 12-2006, tòa mới đình chỉ những biện pháp cưỡng chế trên. Rốt cục, tòa án đã không tin vào tội danh “có hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng” mà cơ quan kiểm sát muốn buộc cho hai người và phải ra chỉ thị đình chỉ điều tra.

* Đi tìm công lý

Được “minh oan”, song hai anh em Kruchina cho rằng còn bao nhiêu vụ mà cảnh sát có thể lạm quyền và bạo hành bất hợp pháp như họ phải chịu. Biết bao người dân không được bênh vực bởi những nhân chứng khả tín, có tiếng nói, trong hoàn cảnh giới cảnh sát có thể “thoải mái” toa rập, tự làm chứng theo hướng có lợi cho nhau để hãm hại lương dân.

Bất bình vì bị đối xử bất công một cách vô cớ, hành động đầu tiên của anh em Kruchina là tham gia nhận diện những cảnh sát đã đánh đập họ tại đồn Cảnh sát Quận X, Budapest. Đây là một hành động quả cảm vì nhiều người ở cùng cảnh ngộ với họ, vì sợ bị trù dập, đã không dám tố cáo các cảnh sát mất nhân tính, khiến một vị thẩm phán Hungary, tại phiên tòa xét xử các cảnh sát này, đã phải thốt lên: “Nếu không bao giờ chịu tố cáo cảnh sát, 50 năm sau họ cũng sẽ vẫn hành hung quý vị như bây giờ!

Căn cứ lời khai của anh em Kruchina, tòa án Hungary, trong phiên tòa mở đầu năm 2008, đã xử một đại úy cảnh sát 1 năm tù giam, treo trong 3 năm, và cho người này ra khỏi ngành. Tuy nhiên, đối với anh em Kruchina, như vậy chưa đủ. Danh dự của họ đã bị xúc phạm nặng nề. Họ đã phải chịu đựng về tinh thần và thể xác một cách vô cớ trong hai ngày tạm giữ, gần 2 tuần quản thúc tại gia và gần 3 tháng không được rời nơi cư trú.

Có bằng kỹ sư trồng vườn, Kruchina Károly bị mất công việc mà anh đang làm tại đảo Síp; được nhận vào khoa Luật Đại học Győr, nhưng anh bị nhỡ kỳ nhập học do bị quản thúc và không được rời nơi ở. Kruchina Vince, theo ngành xã hội học, thì mất một học bổng ở Đức cũng bởi lý do trên

Hơn nữa, cả hai đều cho biết, gia đình họ cũng bị tai tiếng vì những gì đã xảy ra vì dân Hungary vẫn hay có suy nghĩ rằng, Hungary là một quốc gia pháp quyền, “phàm là” cái gì nhà nước đã làm, thì phải có cái lý của nó, mấy khi sai?!

Đây là lý do khiến anh em Kruchina đi thêm một bước xa hơn: thông qua một luật sư nổi tiếng, ông Magyar István, họ khởi kiện Nhà nước Hungary, đòi bồi thường danh dự 9 triệu Ft và vài trăm ngàn Ft mỗi người cho những thiệt hại “nắm bắt được” của họ trong thời gian bị quản thúc và cấm rời nơi cư trú, do những sai phạm của Nhà nước.

* Cuộc chiến giằng co

Kiện cáo các cơ quan cảnh sát, các chính khách lớn, thậm chí, kiện cáo Thủ tướng hay Nhà nước không phải là điều hiếm hoi trong lịch sử tư pháp Hungary. Tuy nhiên, trong trường hợp của anh em Kruchina, ít nhiều nó mang tính tượng trưng và tiền lệ ở chỗ, nếu “thua cuộc”, Nhà nước Hung phải tính đến nhiều vụ kiện khác mà trong đó, Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sai phạm, thậm chí tội lỗi, mà “thuộc hạ” của họ - điển hình là các công chức, các cơ quan công quyền – đã phạm phải với người dân.

Mùa thu 2006, cảnh sát Hungary đã nhiều lần lạm quyền và bạo hành lương dân

Trong vụ án, Nhà nước Hungary được đại diện bởi Bộ Tư pháp và Trị an. Đại diện pháp luật của Bộ, ngay trong phát biểu đầu tiên tại phiên sơ thẩm được mở lần đầu vào cuối tháng 2-2008, đã không chấp thuận để các nhà báo quay phim, chụp ảnh, thu âm và đưa ra trước công luận mọi chi tiết có liên quan đến họ - trong đó, có cả những tuyên bố của chính họ, bên bị đơn – cho đến khi tòa chưa đưa ra phán quyết có hiệu lực pháp lý.

Lý do được đưa ra – “để bảo vệ lợi ích Nhà nước Hungary” - không thuyết phục được ai và gây nên sự phản cảm trong công luận Hungary. Trong phiên tòa, đại diện của Bộ đòi các phóng viên truyền hình đưa máy qua ra khỏi phòng xét xử, cho dù họ đã hứa sẽ không quay mặt và không đưa lời của Nhà nước Hungary. Điều này khiến vị thẩm phán cũng phải bất bình, ông nói rằng bản thân ông có thể tin tưởng được vào giới truyền thông và bên bị đơn cũng hãy làm như vậy.

Trong kỳ đầu của phiên sơ thẩm, Nhà nước Hungary tìm cách chối tội khi cho rằng, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về hơn 10 ngày anh em Kruchina bị quản thúc và đồng ý bồi thường cho họ 100.000 Ft mỗi người. Theo bên Nhà nước, việc anh em Kruchina bi bạo hành ngoài phố là “tội” của REBISZ, bị đánh đập trong đồn Cảnh sát Quận X thì trách nhiệm thuộc về Sở Cảnh sát Quốc gia ORFK hoặc Sở Cảnh sát Budapest BRFK, nếu muốn, có thể… đi kiện các cơ quan đó.

Cho rằng mình vô can, Nhà nước Hungary cũng “phủi tay” trước những thiệt hại của anh em Kruchina trong thời gian bị quản thúc tại gia. Đại diện Bộ Tư pháp và Trị an Hungary đặt câu hỏi cho Kruchina Károly: “Trong thời gian bị quản thúc, anh làm gì?”, và được nhận một câu trả lời quyết liệt: “Giữa hai đợt bị cảnh sát tới kiểm tra, tôi suy nghĩ rằng tại sao có thể xảy ra chuyện những cảnh sát bịt mặt lại săn đuổi những thanh niên vô tội trong thành phố vào thời gian đó?

Phiên sơ thẩm bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần trong vòng 1 năm rưỡi vì quan điểm hai bên nguyên và bị quá khác nhau. Không ít người nghĩ rằng mọi thứ có thể sẽ “hóa bùn”, nhất là khi bên bị đơn là Nhà nước Hungary và nguyên đơn “chỉ” là hai thanh niên không có tiếng tăm.

* Phán quyết khả quan

Chiều 25-9. Các báo, đài Hungary đồng loạt đưa bản tin của Hãng thông tấn nước này (MTI), thông báo phán quyết của Tòa sơ thẩm. (Ngay MTI cũng bị bó buộc bởi lệnh cấm đả động tới “hành tung” Nhà nước Hungary trong phiên xử, nên chỉ dựa vào thông tin do Tòa cung cấp để đưa tin).

Theo MTI, Tòa án Thủ đô Budapest (trên cương vị tòa sơ thẩm) đã tuyên án buộc Nhà nước Hungary, trong vòng 15 ngày, phải bồi thường cho Kruchina Károly 437.110 Ft, cho Kruchina Vince 400.000 Ft kèm lãi suất theo luật định của hai khoản tiền này kể từ thời điểm mùng 3-1-2007. Đây được coi là khoản bồi thường cho 13 ngày mà hai anh em Kruchian bị quản thúc tại gia.

Được biết, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp lý, không rõ là do kháng nghị của bên nguyên hay bên bị, hoặc cả đôi bên. Có thể đặt giả thiết rằng anh em Kruchina không chịu bằng lòng với kết quả “khiêm tốn” này, và muốn tìm công lý cho mình trong cả những ngày bị tạm giữ và cấm rời nơi cư trú sau đó.

Ngoài ra, ý muốn về khoản tiền bồi thường danh dự được đặt ra ở mức rất cao – mà anh em Kruchina lý giải rằng: họ hy vọng nếu được Tòa chấp nhận, sẽ khiến Nhà nước Hungary phải “chừa” những sự lạm quyền tương tự - vẫn chưa thành hiện thực.

Tuy nhiên, điều đáng nói là danh dự của họ cũng đã được đền bù chút nào bởi phán quyết được coi là khả quan nói trên. Và rốt cục, chiến thắng sơ bộ của họ trước một Nhà nước cho thấy sức mạnh của một nền tư pháp độc lập và lành mạnh, cho dù chưa phải là thật hoàn thiện…

(*) Bài viết đã đăng trên “Tuổi Trẻ”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Tác giả bài viết: Trần Lê