Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯỜI XIN TỊ NẠN Ở HUNGARY: PHẢI CHỊU CẢNH ĂN KHÔNG NGỒI RỒI!

NCTG) Hiện tại, ở trại tị nạn Debrecen (tên gọi chính thức là “trạm tiếp nhận”), có 400 người đang chờ nhận được quy chế tị nạn từ chính quyền Hungary. Vụ việc của họ, tối thiểu sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Có rất ít khả năng “tiêu” thời gian một cách hữu ích, nên ẩu đả giữa họ là chuyện dễ xảy ra.

Không được lao động, không có khả năng giải trí, phải chịu nhiều bức xúc vì căng thẳng tinh thần... là những lý do khiến dân xin tị nạn có thể có những hành vi quá khích

Những tháng qua, báo chí Hungary đăng nhiều tin về người tị nạn ở trại Debrecen: nhiều người trèo lên cột điện cao thế để đòi được xét đơn tị nạn nhanh hơn, những người khác thì “lãn công” bằng cách biểu tình ngồi, nhưng cũng đã có những cuộc ẩu đả lớn, khiến cảnh sát phải can thiệp và trấn áp, vì lý do đơn giản là tranh nhau dùng Internet. Một nhân viên của trại Debrecen cho biết: đây không phải chuyện mới, “thường ngày ở huyện” thôi, có điều trước kia công luận không được biết đến mấy về những gì diễn ra trong các trại tị nạn, vốn tương đối khép kín.

Tờ báo điện tử [index] đã cử các phóng viên tới trại để tìm hiểu tình hình. Bước chân vào trại, các nhà báo cho biết họ hoàn toàn không cảm thấy bầu không khí thù địch, tuy “tệ” bè phái thì rất dễ nhận ra: những người tị nạn co cụm theo từng nhóm, ngồi tán chuyện dưới bóng mát. Chừng 400 con người – trong số đó có 80 trẻ em – đang ở đây để chờ được xét đơn. Đa phần, dân tị nạn đến từ Somalia và Iraq, nhưng cũng có cả công dân Afghanistan và Serbia tại đây. Các ký giả được biết rằng trong một số hoạt động giải trí như đá bóng, thì dân tị nạn cũng tương đối “hòa hợp” (hiểu theo nghĩa cùng nhau chơi), nhưng khi nấu nướng thì lại tách riêng.

Mỗi khi xảy ra bất đồng, ngay cả trong khi chơi thể thao, lập tức hình thành các nhóm đối đầu trên cơ sở từng dân tộc hay tôn giáo, điều này cũng xảy ra cách đây ít lâu khi ẩu đả dữ dội diễn ra vì tranh giành máy tính. Cả trại có thể dùng mạng Internet tại 5 máy điện toán và như thế, thông thường là phải xếp hàng chờ đợi. Nhưng đôi khi, công dân của một nước nào đó chơi trò ngồi lỳ “chiếm máy” và chỉ truyền tay nhau cho các đồng hương. Đụng độ lớn xảy ra vào tháng 7-2008 giữa dân Afghanistan và Somalia cũng có nguyên nhân vì vậy.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi “dân trại” bất hòa với nhau vì có quá ít máy tính. Cần biết rằng, người xin tị nạn không được phép làm việc và do đó, trong thực tế, họ “ăn không ngồi rồi” suốt 24 tiếng trong ngày. Khả năng giải trí trong trại của họ là tối thiểu: 2 bàn bóng bàn, 1 sân bóng đá và 1 sân bóng chuyền, cùng 5 máy tính nối mạng không đủ cho nhu cầu “giết thời gian” của dân xin tị nạn. Trại cũng chỉ có tổng cộng 4 nhân viên xã hội và dù có quan tâm đến mấy đi nữa, với khoản tiền “bỏ túi” ít ỏi 2.500 Ft – 7.150 Ft mà “dân trại” được cấp hàng tháng, khó mà tổ chức được bất cứ “chương trình” gì cho họ.

Trèo lên cột điện cao thế để phản đối quá trình xét đơn chậm chạp

Trong số các “cư dân” của trại Debrecen, nhiều người đã trải qua những cơn chấn động lớn về tinh thần và thể xác – chẳng hạn, rất nhiều người Somalia bị tra tấn và hành hạ -, đo đó việc hội nhập của họ vào một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ vnhư Hungary là điều vô cùng khó khăn. Đại đa số dân tị nạn không bao giờ cho biết sự thực, rằng họ đã nhập cảnh Hungary theo con đường nào vì sợ liên lụy đến gia đình và bản thân. Một điều dễ phỏng đoán: “dân trại” Debrecen đã phải trả những khoản tiền khổng lồ cho các băng đảng buôn người để tới được “Miền đất hứa”, nhiều khi không phải là Hungary mà là một quốc gia Tây Âu nào đó. Có người đã cho biết: trong vòng 4 tháng, anh được chở từ Afghanistan sang Hung, anh phải đi bộ rất nhiều và đa phần là không hề biết mình đang ở đâu… nhưng các thông tin anh cung cấp chỉ dừng lại ở đó!

Trại Debrecen là một trong 3 cơ sở tiếp nhận người tị nạn ở Hungary, tại đây, những người đang được xét đơn được bố trí nơi ăn chốn ở. Quyết định cuối cùng sẽ được Nhà nước Hungary đưa ra trên cơ sở Công ước Geneva về người tị nạn, theo đó, sẽ có hai dạng: quy chế bảo hộ (oltalmazott) và quy chế tị nạn (menekült). Người được bảo hộ sẽ được nhận những “chế độ”, “chính sách” như người tị nạn trong vòng 5 năm, và sau đó mọi thứ sẽ bị “xét lại”. Ngoài ra, còn một quy chế tị nạn tạm thời khác (menedékes), mang tính nhân đạo, thường được cấp cho những nhóm người tương đối đông đảo, chẳng hạn dân chạy nạn đến từ những khu vực đang có đụng độ, chiến tranh…

Từ đầu năm 2008, Luật Tị nạn (sửa đổi) được đưa vào thực hiện tại Hungary, theo đó, các trại tiếp nhận người tị nạn được chia làm 3 chức năng. Dân tị nạn, sau khi nhập cảnh Hungary (thường là bất hợp pháp), được được tới trại Békéscsaba: tại đây, họ có thể đệ đơn xin quy chế tị nạn, được khám sức khỏe và tối đa là 15 ngày sau, họ được đưa tới trại Debrecen. Ở đây, “dân trại” chờ kết quả xét đơn, kéo dài 2-3 tháng, nhưng khoảng thời gian này có thể tăng gấp nhiều lần nếu quá trình xét đơn gặp phải bất cứ vấn đề phức tạp nào.

Những người bị bác đơn có thể khiếu nại, nhưng đối với số ít, nếu được thừa nhận quy chế tị nạn, sẽ được chuyển tới trại Bicske; ở đây, họ được học tiếng Hung, học một số nghề nghiệp và nhận một số hỗ trợ về ăn ở, sinh kế trong quá trình hội nhập với xã hội sở tại.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo [index]