Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯỜI TỴ NẠN, LÁ BÀI CHÍNH TRỊ CHO PHE HỮU

Gần 1,5 triệu người tỵ nạn tràn vào Châu Âu trong năm ngoái - trong đó đa số được CHLB Đức tiếp nhận - đã gây nên làn sóng bài ngoại ở nhiều nơi trong Liên Âu, đồng thời, đã được những lực lượng, chính quyền cánh hữu tận dụng triệt để cho những mục tiêu đảng phái và quyền lực của mình.
Liên minh cầm quyền, đứng đầu là Thủ tướng Orbán Viktor, sau một cuộc trưng cầu dân ý vô hiệu lực nhưng vẫn được coi là “chiến thắng vang dội” - Ảnh: Huszti István (index.hu)
Nghe bản audio tại đây.

Trong đó, hành động của chính quyền Hungary trong hơn một năm qua được coi là đi xa nhất, mà đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10 vừa qua, được tổ chức nhằm mục đích bác bỏ kế hoạch người tỵ nạn trên cơ sở hạn ngạch bắt buộc của Liên Âu. RFI trong “Tạp chí xã hội” hôm 5-10 đã có một bản tin phân tích vấn đề này.

- Vì sao Hung lại tổ chức trưng cầu dân ý?
 
Trưng cầu dân ý chống lại chính sách phân bổ người tỵ nạn của Liên Âu chỉ là một bước tiếp theo trong đường lối mang tính đối đầu - hoặc ít nhất cũng dị biệt - giữa chính quyền Hung và EU trong nhiều hồ sơ như ngoại giao (ví dụ vấn đề năng lượng, quan hệ hữu hảo “hướng Đông” với Nga và Trung Quốc), hoặc nội trị (vi phạm nhân quyền, quyền tự do báo chí, v.v...).
 
Đây là sự tiếp nối quan điểm bài xích người tỵ nạn của nội các cánh hữu Orbán từ một năm rưỡi nay, như coi họ đơn thuần là những kẻ nhập cư trái phép, thậm chí đặt họ song song với khủng bố, cho rằng họ cướp công ăn việc làm, nhà cửa của người Hung, làm thay đổi và xâm phạm phong tục tập quán, văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Hung, khiến nước Hung bất ổn.
 
Trên cái nền ấy, Liên Âu được đặt ở thế đối lập với Hungary, với những khẩu hiệu như “Brussels hay là Budapest?”, “cần phải giành được độc lập và quyền tự quyết từ Brussels, như Hungary đã làm với Moscow thuở xưa”, v.v... Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng tỵ nạn, ông Orbán đã chọn chỗ đứng đối nghịch với nỗ lực của Liên Âu, mà thủ lĩnh là thủ tướng Đức Angela Merkel.
 
Dường như muốn trở thành phát ngôn viên của cả khối V-4 (quy tụ bốn nước cựu CS trong vùng Trung Âu) trong vấn đề tỵ nạn, nhưng Thủ tướng Hungary có lẽ không muốn dừng ở đó, mà còn muốn tạo ảnh hưởng lên cả chính trường Liên Âu. Không phải ngẫu nhiên mà thái độ cứng rắn trước dân tỵ nạn đã khiến ông đưọc vài tờ tạp chí bình bầu là “Nhân vật của năm 2015”.
 
Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi được đặt ra là tại sao chính quyền Hung phải để xuất trưng cầu dân ý, điều mà ngay đảng cực hữu JOBBIK ủng hộ bài xích tỵ nạn cũng phải coi là “một trò chơi thiếu trách nhiệm và mạo hiểm”, một hành động “ném tiền qua cửa sổ”? Vì, với đa số áp đảo trong Quốc hội, đảng cầm quyền hoàn toàn có thể sửa mọi luật định để phục vụ cho ý đồ của họ.
 
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Orbán Viktor trong phiên họp Quốc hội đầu tiên sau cuộc trưng cầu, đã nói rằng các chính đảng Hung trong cuộc bầu cử năm 2014 đã không có được sự ủy nhiệm của cử tri trong vấn đề tỵ nạn, nên không thể tự tiện. Hỏi cư dân Hung xem họ muốn “sống chung” với ai là cách tốt nhất để chính quyền đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của người dân.
 
- Vì sao tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp?
 
Thật ra tỷ lệ gần 40% cử tri có lá phiếu hợp lệ trong số gần 44% tổng số cử tri đi bỏ phiếu không phải là một tỷ lệ quá thấp, cho dù nó thấp hơn nhiều so với những dự tính ban đầu của nội các Hungary, khi họ đặt mục tiêu toàn thắng trong một cuộc trưng cầu có hiệu lực (điều đã không xảy ra). Cần nhớ là các cuộc trưng cầu trước đây của nước Hung đều không thu hút quá nhiều cử tri.
 
Tuy nhiên, năm 2011, bản Hiến pháp mới của nội các cánh hữu đã tái lập điều khoản về việc phải có trên 50% số phiếu hợp lệ trên tổng số cử tri, như một hình thức làm khó dễ cho phe đối lập nếu muốn trưng cầu dân ý. Chính điều này đã khiến chính quyền hiện tại thất bại bởi luật chơi do họ đề ra (cho dù đảng cầm quyền luôn nhấn mạnh cuộc trưng cầu đem lại “thắng lợi lịch sử”).
 
Dầu sao đi nữa, cuộc trưng cầu không đạt được hiệu lực pháp lý vẫn phải được coi như một thảm bại của chính quyền, như báo chí Hung nhận định, một thất bại ngay trên sân nhà trong một cuộc chơi mà luật chơi hoàn toàn do chính phủ đề ra. Khởi đầu với chiến dịch tuyên truyền thô bạo chưa từng có trong nửa thế kỷ trở lại đây, cho đến sự “toa rập” của nhiều cơ quan báo chí thân chính phủ.
 
Chừng 15-20 tỷ Forint (50-65 triệu Euro) đã được chi từ tiền công quỹ cho cuộc trưng cầu, trong đó tỷ lệ dùng để phao những thông tin thất thiệt, dối trá hoặc “nửa sự thật” (mà báo chí Hung đã nhiều lần vạch ra), chỉ để phục vụ cho việc trả lời một câu hỏi bị coi là “dở hơi”, vô nghĩa và mang tính đánh lạc hướng cư dân. Người dân có ý thức không khỏi cảm thấy, họ bị định hướng và coi thường tới mức quá đáng.
 
Đây chính là điều mà theo các nhà bình luận, khiến một bộ phận cử tri Hung chán ngán, không đi bỏ phiếu. Một số khác, theo lời kêu gọi của một đảng chính trị theo xu hướng trào lộng, vẫn đi bầu nhưng nộp lá phiếu bất hợp lệ để bày tỏ quan điểm không thể trả lời khác cho một câu hỏi vô nghĩa. Chưa bao giờ tỷ lệ phiếu hợp lệ lên cao đến thế - hơn 6% trong một cuộc trưng cầu tại Hung.
 
Liên minh cầm quyền, ngoài những cử tri bỏ phiếu cho họ, đã không giành thêm được phiếu từ những cử tri khác vốn không ưa và không muốn nhận người tỵ nạn, nhưng bất bình trước chiến dịch bài xích phản cảm và “ngu dân”. Thậm chí, tại thủ đô Budapest và các thành phố lớn, nơi tụ tập giới cư dân có dân trí và hiểu biết cao, và ở nhiều nơi được coi là “sân nhà” của cánh hữu, tỷ lệ đi bầu lại rất thấp.
 
- Bất chấp cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị, nhưng Thủ tướng Hung vẫn đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Trong chiều hướng này, ông Orban sẽ làm như thế nào?

Trong cuộc họp báo chiều 4-10, Thủ tướng Orbán Viktor đã tuyên bố sẽ sửa đổi bốn nội dung trong Hiến pháp Hungary nhằm “đáp ứng ý nguyện của người dân”, theo hướng chỉ có thể phân bổ người tỵ nạn vào Hung trên cơ sở luật định do Quốc hội Hung thông qua. Chính quyền Hung sẽ là bên đứng ra xét đơn từng cá nhân, và việc phân bổ hàng loạt theo nhóm sẽ bị cấm trong Hiến pháp.

Theo lịch trình dự định của liên minh cầm quyền, đề xuất sẽ được đưa ra trong Quốc hội chiều ngày 10-10 để các dân biểu có thể bàn thảo trong ngày 17-10, và ngày 8-11 đã có thể bỏ phiếu thông qua. Trong trường hợp được thông qua (điều có thể coi là chắc) và được Tổng thống Áder János ký phê chuẩn, bản Hiến pháp được bổ sung và tu chính sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 11.

Sửa đổi Hiến pháp là sự bảo vệ quyền tự quyết và bất khả xâm phạm về lãnh thổ của dân tộc Hung, theo Thủ tướng Orbán Viktor. Trả lời báo chí, ông Orbán cho rằng, Luật Liên Âu không thể đứng trên Hiến pháp của các quốc gia thành viên, khi đụng chạm tới vấn đề mà ông gọi là “bản sắc hiến định” và coi là hết sức quan trọng.

Brussels không thể đưa ra những quyết định làm thay đổi hình thái quốc gia, sự thống nhất lãnh thổ hoặc thành phần cư dân, trái với ý nguyện và quyền tự quyết tối thượng của các nước thành viên”, ông Orbán khẳng định. Tất nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là dự án phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch của EU có phải là một quyết định như thế hay không?

Cho dù theo một điều khoản của Hiệp ước về Liên Âu, EU cần tôn trọng những chức năng nhà nước cơ bản của các nước thành viên, trong đó có việc đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự và bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng Liên Âu vẫn có cơ chế để bỏ qua những toan tính “lách luật” của các quốc gia thành viên khi họ cài những gì không muốn thực hiện vào trong Hiến pháp.

Nhận định một cách sơ bộ sau tuyên bố tu chính Hiến pháp chiều 4-10 của chính phủ Hung, giới luật gia Hungary cho rằng, “thủ thuật” mới này của nội các Orbán khó “qua mặt” được Liên Âu, đơn thuần vì một nguyên tắc cơ bản: trong những vụ việc thuộc thẩm quyền của EU thì Luật EU mạnh hơn luật định hoặc Hiến pháp các nước thành viên.

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest