Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO CHỦ NGHĨA HỢP HIẾN HUNGARY QUA ĐỜI

(NCTG) Cựu Tổng thống Cộng hòa Hungary, GS. Sólyom László, người sẽ bước sang tuổi 82 vào tháng 1/2024, đã từ trần vào Chủ nhật "sau một thời gian dài lâm bệnh mà ông đã chịu đựng với sức mạnh ghê gớm, hoạt động tích cực và sự thanh thản", theo một thông báo.
Tổng thống Sólyom László
Ông là tổng thống thứ ba của nền Đệ tam Cộng hòa Hungary, sau khi là chánh án đầu tiên của Tòa Bảo hiến Hungary. Là viện sĩ hàn lâm, giáo sư đại học, không chỉ là một trí thức và học giả theo đúng nghĩa của từ này, mà Sólyom László còn là một nhân sĩ tên tuổi và uy tín của Hungary, gắn liền với biến cố thay đổi thể chế và thập niên đầu tiên sau đó, với việc đặt nền móng hiến pháp cho quốc gia này.

Giáo sư Sólyom László sinh ngày 3/1/1942 tại TP. Pécs và cũng tốt nghiệp Luật khoa và lấy bằng năm 1964 tại đây. Lĩnh vực nghiên cứu của ông và lịch sử dân luật, luật dân sự so sánh và luật hiến pháp. Ông tham gia Phong trào Danube ngay từ ban đầu, là thành viên sáng lập của CLB Danube (Duna Kör) và từ đầu những năm 80, là cố vấn pháp lý cho các phong trào bảo vệ môi trường không chính thức.

Năm 1987, Sólyom László là thành viên sáng lập Diễn đàn Dân chủ Hungary (MDF), năm 1989 ông tham gia tích cực vào hoạt động của Bàn tròn Đối lập (Ellenzéki Kerekasztal), một hình thức "Hội nghị Diên Hồng của Hungary" (cách gọi của TS. Nguyễn Quang A). Ngày 24/11/1989, ông được Quốc hội bầu làm thẩm phán Tòa án Hiến pháp nên ông đã ra khỏi đảng và từ bỏ tư cách thành viên mọi tổ chức xã hội.
 
00

Trong thời gian 1990-1998, cho đến khi hết nhiệm kỳ, ông đã ba lần được bầu làm Chánh án Tòa Bảo hiến, dưới sự lãnh đạo của ông, Tòa án Hiến pháp Hungary đã đưa ra nhiều quyết định hết sức quan trọng. Ngày 7/6/2005, ông được bầu làm tổng thống Hungary và giữ chức vụ cho đến ngày 5/8/2010. Sau đó, được các trí thức kêu gọi tái tranh cử, nhưng rồi Schmitt Pál được Orbán Viktor đề cử cho vị trí này.

Cựu Tổng thống Sólyom László nhiều lần chủ trích bản Hiến pháp của "thể chế Orbán". Tròn 10 năm trước, trong bài viết “Những cơ hội của chủ nghĩa hợp hiến” đăng trên tờ HVG, ông đã chỉ ra những lỗi cơ bản của hệ thống. Ông nhắc nhở rằng trong nền văn hóa hiến pháp, thẩm quyền không phải là quyền tự do của sức mạnh thô, việc thực thi chủ nghĩa hợp hiến đòi hỏi một nền văn hóa trí tuệ và cảm xúc.

Trong đời sống học thuật, GS. Sólyom László được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary năm 2013. Là một gương mặt sáng giá, ông là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá như Giải Humboldt (1998), Huân chương Công trạng Hungary (1999), Huân chương Công trạng Nagy Imre (2003), Huân chương Công trạng với Dây chuyền lớn của Hungary (2005) và Giải Tự do Hungary (2013).
 
03

Với tư cách là thẩm phán Tòa Bảo hiến, cơ quan tối cao với chức năng bảo vệ Hiến pháp, Sólyom László được xem là đại diện cho xu hướng cực đoan khi ông khẳng định ông và Tòa Bảo hiến không liên quan gì đến chính trị. Để bảo vệ hiến pháp, lý do Tòa được thành lập và tồn tại, Tòa phải như thế, và với tư cách là chánh án, Sólyom László chủ trương phải cắt đứt mọi sợi dây và mọi mối liên hệ với chính trị.

Không thương lượng, không nghe, không thấy, thậm chí không để ý, Sólyom László thường rơi vào tình huống khó chịu, chẳng hạn như khi ông gặp một chính khách tại một buổi tiệc chiêu đãi, hoặc khi một đại sứ hỏi ông có ý kiến gì về chuyện này chuyện nọ. Trong đa số các trường hợp, ông thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra trong Quốc hội hoặc trên các phương tiện truyền thông vì không để tâm.

Theo ông, đại diện cho nguyên tắc cực đoan này và cố gắng hết sức để tách mình ra khỏi những gì nói trên đài phát thanh, truyền hình hoặc thậm chí trong Quốc hội là đúng đắn. Điều này cũng bao gồm thực tế là Tòa án Hiến pháp giải quyết, xử lý tất cả các vấn đề chỉ trên nền tảng luật pháp. Sólyom László ra đi, để lại một khoảng trống và sự thách thức cho tất cả các thẩm phán Tòa Bảo hiến sau ông...
 
Cựu Tổng thống Sólyom László trên tàu điện ngầm.
Cựu Tổng thống Sólyom László trên tàu điện ngầm.

Cá nhân người viết những dòng này có may mắn để ý tới sự nghiệp của Sólyom László khi đã có chút ý thức và hiểu biết về những gì xảy ra xung quanh, thấy gần gũi nhất là việc Hungary tuyên bố xóa bỏ án tử, một chiến thắng vang dội, một thành tựu đáng kể của Tòa án Hiến pháp và của cá nhân GS. Sólyom László, vị chánh án Tòa, giữ vai trò cầm cân nảy mực Tòa trong những bước đi đầu tiên của 10 năm đầu (1990-1998).

Với ảnh hưởng đáng kể của ông, phán quyết bỏ án tử của Tòa mang dáng dấp một "hiến văn" mẫu mực. Cũng có thể tìm thấy điều đó trong "chiến tích" thứ hai của ông và Tòa Bảo hiến, với quyết định bồi hoàn cho các nạn nhân bị tịch thu, cướp bóc tài sản dưới thể chế cộng sản trước đây, từng được một số nhân sĩ Hungary coi là dấu ấn đáng ghi nhớ của nước Hung trước khi bước sang thiên kỷ mới.

RIP Tổng thống Sólyom László, một con người chân chính!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh