Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHI ÁN ÐẠO VĂN “ĐỘNG TRỜI” CỦA TỔNG THỐNG HUNGARY

(NCTG) Trong vòng hơn một tuần nay, báo chí và dư luận Hungary “sôi lên sùng sục” vì một tin giật gân gây chấn động dư luận và chính trường Hungary, được ấn bản trực tuyến hvg.hu của tờ “Tuần báo Kinh tế Thế giới” đưa ra vào ngay 11-01-2012.

Tổng thống Schmitt Pál đang gặp hạn lớn...


Theo tính toán của tác giả bài báo này, trong bản luận văn “doctor trường” dài 215 trang bảo vệ năm 1992 của ông Schmitt Pál, tổng thống đương nhiệm của Hungary, có tới 180 trang là bản dịch gần như sát từng từ công trình nghiên cứu khoa học của nhà nghiên cứu thể thao và nhà ngoại giao Bulgaria Nicolai Georgiev, điều đó cho phép họ đưa ra “nghi án đạo văn” (plagiarius, tiếng La Tinh, tạm dịch là đạo văn, hoặc đạo công trình khoa học) đối với bậc “đại quan” đầu bảng của đất nước.

Ông Schmitt Pál, sinh năm 1942, là nhân vật khá “đình đám” trong nền thể thao và chính trường Hungary và quốc tế, từng hai lần vô địch Olympic môn đấu kiếm vào các năm 1968, 1972. Ông có bằng đại học ngành Kinh tế, là một nhà ngoại giao thể thao, chính khách nổi tiếng của Hungary. Từ năm 1983 đến 1989, là Tổng thư ký, từ 1989-2010 là Chủ tịch Ủy ban Olympic Hungary (MOB); từ 1983 là thành viên, từ 1995-1999 là Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC); là Đại sứ Hungary tại Madrid từ 1993-1997 (Tây Ban Nha) và tại Bern (Thụy Sỹ) từ 1998-2002. Từ 2003-2007 ông là một trong các Phó chủ tịch Đảng FIDESZ - Liên minh Công dân Hungary, từ 2004-2010 là nghị sĩ, từ 2009-2010 là Phó chủ tịch Quốc hội Châu Âu. Ngày 29-6-2010, ông được Quốc hội Hungary bầu là Tổng thống Cộng hòa Hungary (nay là Hungary).  

Sau khi nổ ra vụ bê bối, đảng đối lập có chân trong Quốc hội LMP (Chính trị có thể khác), đã yêu cầu ông Schmitt Pál sớm có câu trả lời. Ông Vágó Gábor, Phát ngôn viên của LMP, trong tuyên bố gửi Hãng Thông tấn Hungary MTI hôm thứ Tư đã viết: đảng của ông hy vọng rằng “nghi án đạo văn” là không có cơ sở, nhưng nếu những thông tin của hvg.hu là đúng sự thật thì nước đi duy nhất có thể chấp nhận được của tổng thống là phải từ chức ngay lập tức. Bản thông cáo còn viết thêm: “Nếu đúng là Schmitt Pál đã đạo văn bằng, thì chứng tỏ ông không thích hợp đối với nhiệm vụ, mà còn không xứng đáng đại diện cho quốc gia và mọi người dân”.

Một ngày sau đó đại diện các đảng MSZP (Đảng Xã hội Hungary) và DK (Liên minh Dân chủ) cũng đề nghị tổng thống làm sáng tỏ vụ việc, trong trường hợp ngược lại họ yêu cầu tổng thống phải từ chức ngay. Nhưng ông Schmitt Pál giữ thái độ thúc thủ, lấy “im lặng làm thượng sách”.

Tuy nhiên, hôm thứ Tư tuần trước Văn phòng Phủ tổng thống (VPPTT) Hungary đã ra thông cáo bác bỏ “nghi án” đạo văn bằng của tổng thống. Thông báo này nêu rõ luận văn của ông Schmitt Pál đã được các giáo sư lịch sử (thể thao) đánh giá ở cấp summa cum laude (tiếng La Tinh: đáng khen ngợi, xuất sắc) và “việc đánh giá nội dung và hình thức của bản luận văn có phù hợp hay không là quyền hạn của họ, hơn nữa kết quả đánh giá tự nó đã nói lên điều đó”.

Thông cáo này còn nói thêm ông Schmitt Pál là thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế từ năm 1983, ông có quen biết trực tiếp với nhà nghiên cứu lịch sử thể thao Bulgaria Nicolaj Georgiev. Trong quá trình nghiên cứu, họ đã hợp tác trong nhiều phần và “những nguồn tham khảo quan trọng nhất của hai công trình là biên bản các cuộc họp của IOC, cũng như biên bản các kỳ họp của Ủy ban Thường trực IOC”.

Có thể nói lời giải thích của VPPTT hết sức yếu ớt và thiếu sức thuyết phục, không đủ làm nguôi cơn tức giận của dư luận. Trên các trang mạng Hungary, bùng nổ làn sóng lên án hành động mà nhiều người gọi thẳng là “đạo chích” hay “ăn cắp” của tổng thống và đòi ông từ chức ngay nếu còn chút liêm sỉ.

Theo thông báo của VPPTT Hungary gửi cho Trung tâm Thông tin MTI thì Ủy ban Olympic Quốc tế cũng đã ra thông báo chính thức về “nghi án động trời” này. Bản thông báo bằng tiếng Anh của IOC nêu rõ “chúng tôi ghi nhận việc ông Schmitt Pál đã dứt khoát bác bỏ lời cáo buộc ông đạo văn bằng và cả việc các chuyên gia đại học đánh giá công trình của ông đã khẳng định sự ủng hộ của họ”.

Bản tuyên bố còn nêu bật: “Với tư cách một vận động viên, cả với tư cách là ủy viên IOC, ông Schmitt Pál đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phong trào Olympic. Kể cả trên cương vị thành viên Ban chấp hành IOC trong tám năm - trong đó có 4 năm là Phó Chủ tịch -, ông đã hoàn thành nhiệm vụ với trình độ chuyên môn cao, được các cộng sự tôn trọng và ủng hộ”. Một cách diễn đạt rất khéo léo và cũng rất ngoại giao, nếu không muốn nói là né tránh, đối với một quan chức cao cấp cũ của tổ chức này.

Trong số đông những đảng phái và cá nhân đòi ông Schmitt Pál từ chức đặc biệt phải kể đến trang blog thân chính phủ thường đăng các ghi chép của ông Navracsics Tibor, Phó Thủ tướng chính phủ, một yếu nhân của đảng FIDESZ đang cầm quyền. Ông này cũng cho rằng tổng thống từ chức là bước đi đúng đắn nhất, ông đã dùng những lời lẽ khá cứng rắn: “Để cứu vãn, hay ít ra để giữ được cơ hội tái lập lại uy tín của Phủ tổng thống, ngài Schmitt Pál cần phải từ chức ngay lập tức”.

Nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) thì cho rằng ông Schmitt Pál đã hoàn toàn mất hết uy tín. Báo này viết: “Câu chuyện của vị chính khách được ưa chuộng nhất hiện tại của đất nước trước hết nói về việc một con người không thích hợp với nhiệm vụ của mình đã biến mình trở nên nực cười bằng mọi việc làm của ông với tư cách là người đứng đầu đất nước như thế nào”.

Báo này cũng nhắc lại việc trong một bài diễn văn khi mới nhậm chức ông Schmitt Pál coi việc chăm lo, giữ gìn tiếng Hung là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng ngay chuyến công cán đầu tiên với tư cách tổng thống, khi ghé qua một nhà hàng và để lại lưu bút, chỉ trong một câu ngắn ông đã mắc hai lỗi chính tả.

Cũng mạng hvg.hu hôm thứ Năm tuần trước đã phỏng vấn con gái nhà nghiên cứu thể thao Bulgaria, bà Malina Georgiev về việc này. Bà nói bà cho rằng không có khả năng cha bà đã cùng hợp tác nghiên cứu nhiều vấn đề với ông Schmitt Pál, vì không khi nào bà thấy cha mình nói về việc này. Bà nói thêm: những điều cha bà viết hoàn toàn dựa trên các nghiên cứu căn bản, trước đó chưa từng có ai công bố những vấn đề này với nội dung và hình thức như vậy. Tuy nhiên, bà nói rằng bà không thể kiện ông Schmitt vì các công trình nghiên cứu của cha bà được IOC tài trợ, bản quyền các công trình đó thuộc về IOC.

Ngày 14-1, Ông Martonyi János, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, trong khi trả lời phỏng vấn về vụ này đã nói “tổng thống đã khẳng định không đạo luận văn”, và ông nói thêm ông tin vào những lời nói đó.

Ông Tóth Miklós, Trưởng Khoa Khoa học thể thao thuộc Trường Đại học Thể thao Semelweiss, trong thông báo gửi Hãng Thông tấn Hungary (MTI) đã viết: “Chúng ta không có lý do gì để cho rằng quyết định của Hội đồng đánh giá luận văn đề tài: “Phân tích chương trình thi đấu Olympic thời hiện đại” của ông Schmitt Pál là không đủ cơ sở cần thiết”.

Ông nhắc lại: bằng “doctor đại học” hay còn gọi là “doctor trường” là bằng cấp khoa học đầu tiên sau bằng tốt nghiệp đại học mà đương kim tổng thống đã đạt được năm 1992. Theo ông trưởng khoa thì việc đánh giá luận án này cũng như việc cấp bằng “doctor trường” cho ông Schmitt Pál là theo đúng quy trình chung và hợp lệ, theo các nhà chuyên môn thì nội dung của luận văn này đáp ứng đủ những yêu cầu vào thời điểm đó.

Được biết, ông Schmitt Pál không phải là chính khách đầu tiên dính vào “bê bối đạo văn”. Cách đây không lâu Thủ tướng Ukraine Viktor Yanukovych cũng bị nghi là một số chương trong cuốn sách tiếng Anh “Opporunity Ukraine” (Cơ hội của Ukraine) của ông giống hệt các bài phát biểu trong Quốc hội, những bài báo và một luận văn cao đẳng.

Năm ngoái người ta phát hiện ra trong luận án tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Đức, ông Kart-Theodor zu Guttenberg - mà báo chí gọi là “nhà vô địch cắt dán” (copy-paste) - đã có khoảng 100 trang được sao chép lại từ các công trình của người khác mà không hề viện dẫn nguồn. Ông đã bị trường đại học thu hồi bằng tiến sĩ luật, phải xin lỗi và phải từ chức bộ trưởng trong hổ thẹn.

Trong những năm gần đây, nhiều chính khách tai mắt trên chính trường Châu Âu đã bị phát giác trong những vụ tương tự và đa số đã phải buộc hoặc tự nguyện rời bỏ chức vụ đang nắm giữ.

Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, chỉ trích gay gắt của báo giới và các phe phái đối lập, chiếc ghế Tổng thống đang mỗi ngày thêm nóng bỏng dưới “bàn tọa” của tổng thống Hungary. Liệu ông Schmitt Pál và FIDESZ, đảng đã đưa ông lên tột đỉnh quyền lực sẽ xử lý vụ bê bối này ra sao? NCTG sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung tổng hợp