Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHE “TIẾNG SÚNG ĐÃ VANG...”

(NCTG) “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới - Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới - Quân xâm lược bành trướng dã man - Đã giày xéo mảnh đất tiền phương - Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương...”.
17-2, người dân sẽ không bao giờ quên! - Ảnh tư liệu

17-2, người dân sẽ không bao giờ quên! - Ảnh tư liệu

Thế hệ chúng tôi còn biết bài hát ấy. Chính mẹ tôi còn dạy tôi, và đoạn đầu của bài hát tôi còn nhớ đến giờ dù không được nghe lại.

Năm 79 là cái mốc lịch sử của gia đình mà tôi rất nhớ, dù năm ấy tôi còn quá bé nên không nhớ được nhiều chuyện. Năm ấy bà nội rời quê ở Lạng Sơn xuống Thái Nguyên sống với gia đình tôi. Chạy giặc Tàu. Tôi có khá nhiều bà con đồng hương Lạng Sơn ở khu vực La Hiên, Võ Nhai và Vân Hán, Đồng Hỷ. Năm 79 họ chạy xuống Thái Nguyên sơ tán rồi ở lại đó luôn.

Về sau khi lớn hơn, tôi còn được đọc một tập thơ mỏng với đề tài chiến tranh biên giới năm 79. Trong những gì tôi đọc được, cụm từ “chiến thuật biển người” được nhắc lại khá nhiều, không rõ là trong tập thơ hay trong cuốn nào khác. Đại ý nói quân bành trướng đã dùng “biển người” (ý nói rất đông) tràn vào xâm lược vùng biên giới phía Bắc nước ta.

Môn lịch sử trong trường phổ thông chỉ đưa ra vài câu chuyện lịch sử, hoặc là những mốc ngày tháng nhằng nhịt nào đó về thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, không trang bị cho tôi cách tư duy nào. Sự kiện năm 79 thời chúng tôi là học sinh chưa được đưa vào sách giáo khoa, có thể vì chưa đủ “độ lùi” để nghiên cứu. Còn thời điểm hiện tại hiển nhiên là do “phức tạp”. Chưa có tự do học thuật ở Việt Nam, đặc biệt là ngành Sử. Giáo dục bị chính trị hóa.

Với các cháu của tôi bây giờ, nói chuyện với chúng về đề tài lịch sử có lẽ vẫn còn là xa xỉ. Gánh nặng cơm áo đè lên bố mẹ chúng quá lớn, và rồi đến thế hệ của chúng gánh nặng ấy chưa hề nhẹ đi. Những “hiểm họa gần” tác động đến chúng nhiều hơn những bài học lịch sử. Nói chính xác hơn thì những bài học lịch sử nước nhà không dành cho chúng, vì những chuyện “cao cả” ấy đã có “Đảng và Nhà nước lo”.

Bài học lịch sử không tác động mạnh đến tôi qua con đường sách vở. Niềm tự hào hay tủi nhục cũng vậy.

Tác giả bài viết: Ái Nữ, từ Sài Gòn - Ngày 17-2-2018