Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NẾU ỨNG VIÊN PHE ĐỐI LẬP CHIẾN THẮNG, PHE CẦM QUYỀN CÓ THỂ MẤT THẾ HAI PHẦN BA

(NCTG) Nhưng đó chỉ là chuyện trên giấy tờ, chứ thật sự Thủ tướng Orbán Viktor không có gì cần phải lo lắng về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới để bầu ra người thay thế cố dân biểu Koncz Ferenc (FIDESZ) qua đời trong một tai nạn xe máy trước đó.
Một buổi họp của Quốc hội Hungary - Ảnh: parlament.hu
Cuộc bầu cử giữa kỳ này sẽ diễn ra vào ngày 11-10-2020, và phe chính phủ quyết định cử ái nữ của vị ĐBQH đã quá cố, bà Koncz Zsófia ra ứng cử tại vùng Tiszaújváros. Nhìn bề ngoài, đây là sự kiện đáng quan tâm đối với liên minh cầm quyền vì nếu thất cử, họ sẽ không còn đa số áp đảo hai phần ba trong Quốc hội Hungary.

Tuy nhiên, thực tế thì khác rất nhiều. Nếu phe cầm quyền thua (và điều này không phải là không thể xảy ra, vì trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018, tại khu vực này, ông Koncz Ferenc chỉ giành được phần thắng với tỷ lệ ủng hộ dưới 50%), thì liên minh cầm quyền FIDESZ-KDNP chỉ còn 132 dân biểu trong nghị viện Hungary.

Con số đó, trong một quốc hội với sự tham gia của tất cả các dân biểu (199 người), thì không đủ tỷ lệ hai phần ba, vì cần tối thiểu 133 phiếu. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền vẫn có thể tính đến sự ủng hộ của ông Ritter Imre, dân biểu đại diện cho dân tộc thiểu số Đức tại Hung (ông vốn là thành viên đảng cầm quyền FIDESZ).

Mặc dù không gia nhập nhóm ĐBQH FIDESZ, ông Ritter Imre có tuyên bố rằng trong những vấn đề không liên quan trực tiếp đến cộng đồng người Hung gốc Đức (không mấy khi có những vấn đề như vậy!), ông sẽ ủng hộ chính phủ. Nghĩa là với lá phiếu chắc chắn của ông, liên minh cầm quyền đã có đa số hai phần ba!

Đó là chưa kể đến nhóm dân biểu đảng “Tổ quốc tôi” (Mi Hazánk, tách ra từ đảng JOBBIK) cũng thường bỏ phiếu cho các chính sách của phe cầm quyền. Cũng cần phải nói rằng con số 133 (đa số hai phần ba tuyệt đối) chỉ cần khi sửa đổi Hiến pháp và bầu chọn một số nhân sự chủ chốt (ví dụ bầu các thẩm phán Tòa Bảo hiến).

Ngoài ra, đại đa số các quyết định của Quốc hội chỉ cần đa số quá bán, và phần lớn các quyết định cần đa số hai phần ba cũng chỉ là hai phần ba của số dân biểu có mặt khi biểu quyết. Điều này có thể dễ dàng đảm bảo, nếu một dân biểu đối lập “thông đồng” với chính quyền, cáo ốm, hoặc báo một lý do bất khả kháng để khỏi phải tham gia biểu quyết, và liên minh cầm quyền thì huy động hết lực lượng là “xong chuyện”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh