Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Một sĩ phu Hungary đương đại: VIỆN SĨ BEREND T. IVÁN

(NCTG) “Đúng vào cái buổi sáng sinh nhật 60, một ông lão lục tuần như tôi, đã phải thuê một chiếc xe ôtô tải để chở nốt mấy thứ đồ gỗ - vài cái giá sách, bàn viết - sắp xếp căn hộ mới thuê, bắt đầu cuộc sống mới cho cả gia đình ở California” - Giáo sư Berend T. Iván.
Giáo sư Berend T. Iván
Năm 1953, Berend T. Iván trở thành trợ giáo tại Khoa Lịch sử Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Karl Marx (năm 1990, trường này đổi tên là Đại học Kinh tế Budapest - BKE). Từ đó, suốt gần bốn thập kỷ, Giáo sư đã kề vai sát cánh cùng các cộng sự - trong số đó, phải kể đến thầy giáo cũ của ông, GS. Pach Zsigmond Pál, một sử gia hàng đầu, vừa mất năm 2001, người sáng lập Khoa này - để tạo dựng chuyên ngành Lịch sử Kinh tế học ở Hung.
 
Là hiệu trưởng thứ 10 của Trường Đại học Kinh tế, GS. Berend T. Iván đã tập hợp được nhiều nhà giáo, nhà kinh tế danh tiếng, tích cực cải tiến, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo... và đã đưa BKE trở thành một trong bốn trường đại học hấp dẫn hàng đầu, không chỉ đối với sinh viên Hung. Trong gần 40 năm, chỉ riêng trong hệ thống BKE, Giáo sư đã tham gia đào tạo hơn 10 nghìn cử nhân, thạc sĩ kinh tế, có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Chuyên gia truyền thông, Giám đốc Hãng Thông tấn Hung (MTI), nhà báo Vince Mátyás, nhà nghiên cứu kinh tế Vertes András, thủ tướng cuối cùng của nhà nước xã hội chủ nghĩa Hung, ông Németh Miklós, một trong những Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trẻ nhất thế giới, ông Surányi György, hay vị đương kim thủ tướng Hung, ông Medgyessy Péter... - đó là một vài khuôn mặt trong cả một đội ngũ đông đảo đó.

Kể từ tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1955 (cùng viết với Ránky György), tính đến nay, hơn 20 đầu sách và hàng trăm công trình khoa học của GS. Berend T. Iván đã trở thành sách giáo khoa, sách gối đầu giường không chỉ đối với sinh viên, nghiên cứu sinh các khoa Kinh tế & Xã hội ở các trường đại học, mà còn là tài liệu tham khảo bổ ích đối với nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế, lãnh đạo cao cấp khắp thế giới, từ Anh, Mỹ, đến Nhật, Trung Quốc...

Sau đây là vài ý lượm lặt từ các cuộc trao đổi của GS. Berend T. Iván với những cộng sự và học trò cũ của ông ở những giảng đường quen thuộc, trong một hội thảo khoa học theo lời mời chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Hung, lần đầu tiên, sau hơn 10 năm xa vắng.
 
001

- Đã qua tuổi “thất thập”, nếu ở lại Hung, chắc giáo sư đã phải về hưu, vậy xin giáo sư cho biết những dự kiến sắp tới.

Tôi chưa nghĩ đến chuyện nghỉ hưu. Ở Mỹ thì không có quy định tuổi hưu bắt buộc. Nếu như tôi vẫn còn thấy phấn chấn và đủ sức, tôi vẫn tiếp tục giảng dạy, viết lách, nghiên cứu.

Dự kiến tôi đã ôm ấp từ lâu là một tổng luận về lịch sử phát triển của các trường phái tư tưởng kinh tế Châu Âu. Sau Thế chiến 2, Châu Âu đã thử nghiệm - và trong một mức độ nào đó đã có những thành công đáng kể - về một hình thái kinh tế xã hội phức hợp, vừa có thể thích ứng và phát huy với năng suất cao các thành tựu của cách mạng kỹ thuật, đồng thời cũng giải đáp được những đòi hỏi của tiến bộ nhân văn, kiến lập một xã hội sung túc, trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền.

- Là một trong số rất ít trí thức Hung đã có điều kiện xuất ngoại thường xuyên, ngay từ đầu những năm 1960, đã được đến những giảng đường danh tiếng khắp thế giới, chắc chắn đã gặp nhiều cám dỗ, vì sao giáo sư đã không ở lại lưu vong như nhiều người khác?

Từ năm học 1966-67 trở đi, tôi đã thường xuyên giảng dạy - khi thì một học kỳ, lúc thì suốt cả năm học - ba đợt ở Oxford, một hai kỳ ở Berkeley và Washington. Tôi không nghĩ đến việc bỏ nước Hung, nơi tôi và các đồng nghiệp đang ấp ủ những dự định đổi mới, hơn nữa, tôi cũng không có nhiều tham vọng lắm về các điều kiện vật chất.

- Ở Hung, giáo sư đã rất thành đạt, học vị, chức tước đều hơn người. Thêm nữa giáo sư đã thực sự tham gia và có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi thể chế. Giáo sư có uy tín cao, được nể vì, không chỉ trong giới khoa học mà cả trong hàng ngũ lãnh đạo ở các cấp cao nhất, vậy vì lẽ gì mà giáo sư đã từ chối sự đề cử giữ tiếp chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hung?

Lý do không đơn giản, và cũng không phải hoàn toàn do tôi quyết định. Trong tình hình chính trị lúc đó, sau khi đã đắn đo, cân nhắc về mọi phương diện, tôi đã nhận ra rằng “vai diễn chính trị không phải là sở trường của mình”, và đã quyết định “hãy đứng ra ngoài cuộc”.

- Giáo sư bắt đầu làm trợ giáo là năm BKE mang tên Karl Marx. Năm 1990, giáo sư rời Hung là lúc hai chữ Karl Marx không còn, ngay đến bức tượng bán thân Karl Marx trong đại sảnh của trường cũng suýt bị bỏ đi. Trong suốt thời gian công tác, giáo sư đã tiếp xúc với các luận điểm của chủ nghĩa Marx, hiện nay những quan niệm đó vẫn còn ý nghĩa?

Mốt thời thượng là coi những luận điểm đó đã lỗi thời...Tôi vẫn luôn cho rằng tôi đã may mắn được trở nên một người nghiên cứu lịch sử với các luận điểm duy vật biện chứng của Marx... Vững vàng trên các luận điểm, phương pháp này, những công trình của tôi và các cộng sự đã được trân trọng, những bài giảng luôn thu hút được sự quan tâm của sinh viên từ nhiều quốc gia.

- Thật là dũng cảm (và nếu có thể nói là hơi liều), ở tuổi lục tuần mà giáo sư đã dám làm lại từ đầu cuộc sống và sự nghiệp ở Mỹ!

Quả là không đơn giản, ở tuổi lục tuần như tôi, phải bắt đầu một cuộc đời mới. Ngày 27-9-1990, ngồi trên chiếc máy bay khổng lồ của hãng Pan-America, rời quê hương, tôi (cùng vợ và cháu Dora 14 tuổi) lòng đầy những cảm giác bùi ngùi, khó tả.

Đúng là đã phải bắt đầu lại từ đầu, phải quên đi những thói quen hàng ngày, đùng một cái phải dùng toàn tiếng Anh để giảng dạy, để mua đồ ăn, giao tiếp hàng ngày... trong một môi trường hoàn toàn khác lạ với nơi đã sống.

Đúng vào cái buổi sáng sinh nhật 60, một ông lão lục tuần như tôi, đã phải thuê một chiếc xe ôtô tải để chở nốt mấy thứ đồ gỗ - vài cái giá sách, bàn viết - sắp xếp căn hộ mới thuê, bắt đầu cuộc sống mới cho cả gia đình ở California.

Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được lái xe tải. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên.

Tuy nhiên, qua các hoạt động khoa học GS đã vẫn luôn luôn hiện diện và góp sức với quê hương. Giáo sư đã trở thành một nhà khoa học gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lịch sử kinh tế Châu Âu, một thầy giáo khả kính, cựu Trung ương Ủy viên duy nhất, đầy hấp dẫn của hàng ngàn sinh viên, trong số họ, ngày có càng nhiều người gốc Á, trên đất Mỹ.

(*) Giáo sư Viện sĩ Berend T. Iván sinh ngày 11-12-1930 tại Budapest. 
- 1953-1991: Trường Đại học BKE - từ 1964: Giáo sư, Trưởng khoa Lịch sử Kinh tế. 
- 1974-1979: Hiệu trưởng BKE. 
- 1985-1990: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (MTA). 
- Từ 1990 đến nay: Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học California - Los Angeles (UCLA). Từ 1993, là Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Âu - Nga. 
- 1995-2000: Chủ tịch Ủy ban Khoa học Lịch sử Quốc tế.

Tác giả bài viết: Phạm Khuê, từ Budapest