Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT TÊN TỘI PHẠM CHIẾN TRANH ÐƯỢC THA BỔNG Ở PHIÊN SƠ THẨM

Cuối tháng 7 vừa qua, Tòa sơ thẩm Hungary đã tuyên bố tha bổng Képíró Sándor, 97 tuổi, kẻ bị coi là đã phạm tội ác chiến tranh trong một cuộc thanh trừng diễn ra thời kỳ Ðệ nhị Thế chiến.

Képíró Sándor trước vành móng ngựa - Ảnh: EPA

Cho dù bản án chưa có hiệu lực pháp luật vì công tố viên đã đệ đơn kháng nghị, nhưng phán quyết của Tòa án TP Budapest cũng đã gây ra nhiều ý kiến dị biệt gay gắt trong công luận Hungary và quốc tế.

Vụ thảm sát 1942 ở Novi Sad

Nhắc lại, Képíró Sándor, từng là một đại úy hiến binh, bị cáo buộc là đã phạm tội ác chiến tranh thời kỳ Ðệ nhị Thế chiến - khi Hungary là đồng minh của nước Ðức phát-xít - trong một vụ thảm sát Novi Sad mang tên “những ngày lạnh”, được thực hiện để trả thù cho việc một vài hiến binh và quân nhân Hungary bị một nhóm du kích Serbia giết hại.

Cụ thể, cuối tháng 1-1942, trong 3 ngày liền, với sự hợp tác hữu hiệu của lực lượng hiến binh, ở vùng Novi Sad (khi đó thuộc Hungary, hiện tại ở Serbia), có tới 3.300-3.800 người thuộc sắc tộc Do Thái hoặc Serbia đã bị sát hại. Trên nguyên tắc, tất cả những ai không phải là người trong vùng, không được một ủy ban địa phương xác nhận là có sự quen biết, đều bị tử hình.

Các nhóm hiến binh có nhiệm vụ dẫn độ những người có tên trong “danh sách đen” đến cho các lực lượng quân đội hành quyết bằng cách xả súng bắn luôn xuống dòng Dunube, khi đó đóng băng vì tiết trời lạnh giá. Trên cương vị người đứng đầu một nhóm tuần tra đã áp tải 30 người, Képíró bị coi là đã tiếp tay cho ban lãnh đạo quân sự trong việc thanh trừng các nạn nhân trên cơ sở sắc tộc.

Sự truy cứu trách nhiệm

Ngay sau khi xảy ra, cuộc thảm sát Novi Sad đã gây làn sóng bất bình lớn trong công luận quốc tế. Chính quyền Hungary lập tức phải mở một cuộc điều tra để truy tìm những kẻ phải gánh chịu trách nhiệm. Ðến cuối năm 1943, 15 nghi can là các hiến binh và quân nhân bị coi là đã phạm tội sát hại cư dân vùng bị chiếm đóng đã phải ra trước vành móng ngựa, những thủ phạm chính bị tuyên án tử hình và tù giam.


Ðại úy hiến binh Képíró Sándor (năm 1944) - Ảnh tư liệu

Képíró bị án tù 10 năm nhưng cùng các bị cáo khác, sau một thời gian ngắn ngồi tù, ông ta được tha bổng và trở lại quân ngũ. Sau Thế chiến, Képíró trốn chạy sang Argentina và do đó, tránh được bản án tù giam 14 năm mà Tòa án Nhân dân Hungary tuyên vào năm 1948. Képíró hồi hương năm 1996 và 10 năm sau, ông ta mới bị phát hiện bởi Trung tâm Simon Wiesenthal chuyên săn bắt những tội phạm chiến tranh thời Thế chiến Thứ hai.

Năm 2007, đích thân người đứng đầu trung tâm, sử gia Efraim Zuroff đã sang Budapest và đến tận nhà Képíró chụp ảnh, để thúc đẩy Hungary có những biện pháp “mạnh tay” hơn với can phạm. Nhưng cũng phải tới mùa hè năm nay, vượt qua nhiều nhùng nhằng về chính trị và tư pháp, Hungary mới “hạ quyết tâm” đưa Képíró ra xử, sau một quá trình chuẩn bị khá công phu về hồ sơ và các bằng cứ.

Không đủ bằng cứ xác quyết

Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã ra phán quyết tha bổng Képíró với lý do là không đủ những bằng cứ mang tính xác quyết chứng tỏ Képíró ý thức rằng hành vi của ông ta sẽ khiến những người bị trao cho bên quân đội sẽ phải lĩnh bản án tử hình. Nói cách khác, trên góc độ luật pháp, Képíró không nhất thiết phải biết về hậu quả những gì ông ta đã làm.

Trong những vụ án như của Képíró, điểm khó là không còn nhân chứng nào còn sống, do đó, tất cả chỉ có thể dựa trên những hồ sơ, văn bản. Hội đồng Xét xử cho rằng, hồ sơ các vụ án xử Képíró năm 1944 và năm 1948 không đủ độ khả tín ở mức cao nhất để có thể buộc tội Képíró theo những tội danh như trong bản cáo trạng.

Ðang được điều trị tại bệnh viện vì tuổi cao, sức yếu, Képíró chỉ xuất hiện ở tòa trong vòng 15 phút và ngay ở tòa, ông ta cũng vẫn phải truyền nước. Khi nói lời cuối cùng, Képíró khẳng định, ông ta vô tội, không bao giờ cướp bóc hay giết người, mà chỉ phục vụ tổ quốc. Ông cũng nói thêm rằng, sở dĩ ông hồi hương vì chỉ có theẻ sống ở quê hương Hungary.

Phản ứng của quốc tế

Những người tham dự phiên tòa đã vỗ tay và hô hoán để hưởng ứng phán quyết tha bổng của tòa sơ thẩm. Nhiều người còn buông những lời giễu cợt đối với ông Efraim Zuroff, người đứng đầu Trung tâm Wiesenthal, khi ông rời phòng xử trong tâm trạng bức xúc. Chính là người phát hiện ra Képíró, ông Zuroff cho rằng việc Képíró được tha bổng là điều “hoàn toàn đáng phẫn nộ”.


Ông Efraim Zuroff trước cửa khu nhà mà Képíró Sándor sinh sống tại Budapest - Ảnh: Somorjai László


Ông nói thêm rằng, phán quyết của tòa đi ngược lại mọi bằng cứ và mọi điều mà ai nấy đều biết về cuộc thảm sát. “Hôm nay là một ngày buồn đối với các nạn nhân và thành viên gia đình họ, và nó đề ra những vấn đề liên quan tới sự độc lập của hệ thống tư pháp Hungary” - ông Zuroff nhận xét.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cái tên Képíró vẫn tiếp tục đứng hàng đầu trong danh sách những tên tội phạm chiến tranh mà tổ chức của ông muốn làm tất cả để họ phải chịu hình phạt thích đáng. Còn đại diện của Trung tâm tại Serbia, bà Ana Frenkel, thì cho rằng bản án được tuyên “không có gì là bất ngờ từ phía một xã hội chưa chín muồi để trực diện với quá khứ”.

Quan điểm của giới nghiên cứu Hungary

Về phần mình, giới tư pháp Hungary cho rằng họ đã làm đúng và khách quan khi đưa ra phán quyết hoàn toàn chỉ dựa trên những hồ sơ do Viện Kiểm sát đệ lên, chứ không “chiều” theo dư luận quốc tế, hoặc theo mong muốn của một số người muốn “trả thù”.

Ngay giới sử học Hungary cũng có ý kiến tán thành với phán quyết của tòa sơ thẩm. Nhiều người cho rằng, vấn đề thực sự ở đây là cách trực diện với những trang sử đen tối nhất của lịch sử Hungary như thế nào, có thể nhìn nhận chúng một cách độc lập với những thập niên đã trôi qua từ dạo ấy, hay những cách diễn giải về Ðệ nhị Thế chiến và sự diệt chủng hay không?

Theo TS. Ungváry Krisztián, một sử gia nổi tiếng của Hungary, cần phân biệt sự đánh giá về mặt pháp luật và đạo đức hành vi của Képíró. Không ai bảo Képíró hoàn toàn không có liên quan gì đến những tội ác chiến tranh diễn ra tại vùng Novi Sad, không phải ngẫu nhiên mà ông ta đã phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án năm 1944.

Vấn đề ở đây chỉ là mức độ của hành vi: làm sao chứng tỏ được về mặt pháp luật rằng Képíró ý thức được rằng số phận các tù nhân sẽ ra sao khi bị ông chuyển giao cho bên quân đội. Bản thân luật sư của Képíró cũng không lý luận rằng thân chủ của ông ta không đoán biết được điều đó, có điều, những bằng cứ văn bản không đủ để chứng minh điều đó theo góc độ pháp luật.

Sử gia Ungváry Krisztián cho rằng, đương nhiên, có thể lên án Képíró xét trên góc độ đạo đức, nhưng đó là nhiệm vụ của xã hội chứ không phải của tòa án. Vả chăng, không có gì chắc chắn là xã hội Hungary muốn lên án một ông lão ở độ tuổi rất gần đất xa trời như Képíró, và đó dường như cũng là trường hợp của nhiều tên tội phạm chiến tranh sau năm 1956, hiện vẫn sống yên ổn không bị ai quấy rầy.


Tòa sơ thẩm tha bổng Képíró Sándor không có nghĩa là những tội ác trong quá khứ sẽ không bị trừng phạt...


Một sử gia khác là ông Karsai László thì phê phán ý đồ của Trung tâm Wiesenthal khi tổ chức này muốn kết án một ông già bệnh tật và yếu đuối 70 năm sau khi sự việc xảy ra, mà không có nhân chứng sống nào, cũng như chỉ căn cứ trên những bằng cứ hoặc là rất thiết sót, hoặc là không tồn tại.

Theo nhà nghiên cứu này, Trung tâm Wiesenthal muốn bằng mọi giá phải làm được một điều gì đó ngoạn mục để chứng tỏ trước những nhà tài trợ rằng sự tồn tại của họ còn là có ích, trong khi, ngay tại Israel, mặc dù trong nhiều năm vấn đề truy tìm và quy trách nhiệm những tên tội phạm chiến tranh từng là một vấn đề hàng đầu, thì ở đó cũng đã từ lâu người ta không còn quan tâm lắm đến chủ đề này nữa.

Nhận định về trường hợp của Képíró, sử gia Karsai László cho rằng không chứng tỏ được sự tham dự của Képíró trong cuộc thảm sát, mặc dù ông ta có mặt ở đó. Cho dù trong thực tế, không đến nỗi là Képíró không biết những gì đã xảy ra, nhưng sự thật lịch sử và sự thật trong các khái niệm luật pháp có sự khác biệt, theo vị sử gia này.

Như vậy, có thể thấy rằng công luận Hungary không phản đối những nỗ lực để trong sạch và sòng phẳng quá khứ, và trừng phạt một cách thích đáng những kẻ gây tội ác. Vấn đề ở đây chỉ là - theo các sử gia Hungary - phương pháp đầy tính cảm tính mà Trung tâm Wiesenthal áp dụng trong chương trình mang tên “Cơ hội cuối cùng” triển khai từ năm 2002 để quy trách nhiệm những tên tội phạm phát-xít, là chưa thỏa đáng, vì ít dựa trên cơ sở những hồ sơ, bằng cứ thuyết phục.

Những quan điểm trên cũng cho thấy, giới sử học và tư pháp thời nay đã rất quan tâm tới việc làm sao để một phiên xử tránh khỏi những yếu tố dàn dựng, ngụy tạo như đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Và họ triệt để tuân thủ nguyên tắc “thà bỏ sót, hơn quy lầm” cho người vô tội, xét trên góc độ pháp luật.

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc sau hơn nửa thế kỷ, khi các văn bản, hồ sơ không thể đầy đủ ở mức cần thiết, thì vẫn còn nhiều tên tội phạm sẽ không bao giờ bị nhận bản án phạt thích đáng...

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest