MỘT TÊN CƯỚP NGÂN HÀNG BỊ BẮN CHẾT TẠI BUDAPEST
- Thứ sáu - 04/05/2007 23:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quảng trường Széna, chiều 4-5-2007
Phó tư lệnh Sở Cảnh sát Budapest (BRFK), TS Tóth Gábor, cho biết trong cuộc họp báo tối 4-5-2007: vào hồi 15 giờ 29 phút, cảnh sát nhận được tin từ một người có thân nhân đang bị bắt làm con tin trong ngân hàng, rằng nhà băng đang bị cướp. Thủ phạm không đeo mặt nạ và có vũ khí, y đe dọa người bảo vệ để tước vũ khí.
Ba phút sau khi nhận được tin báo, cảnh sát tuần tra của Quận I đã đến nhà băng và vi vậy, tên cướp không kịp vơ tiền và chạy trốn. Khi ấy, một vài thân chủ của ngân hàng OTP còn kịp chạy khỏi tòa nhà và cảnh sát cũng thuyết phục được tên cướp thả thêm vài người nữa. Sau đó, 5 con tin chạy được vào một phòng kín, khóa cửa và "cố thủ" ở đó; 3 người còn lại (2 phụ nữ và người bảo vệ) bị tên cướp bắt làm con tin.
Giữa chừng, cảnh sát bao vây nhà băng và một nhóm đàm phán (gồm một sĩ quan cảnh sát và một chuyên gia tâm lý) của bộ phận chống khủng bố (trực thuộc Cục Điều tra Quốc gia, NNI) đã hai lần vào ngân hàng để thuyết phục tên cướp, tuy nhiên tên này tỏ ra nóng nảy và mất bình tĩnh, nhiều lần ý bắn chỉ thiên lên trần nhà và chĩa súng vào người đàm phán, rồi đòi phải có 5 triệu Ft trong vòng hai giờ. Khi đó, cảnh sát quyết định đột nhập vào tòa nhà để bảo vệ các con tin.
Lãnh đạo cảnh sát Hung cũng có mặt tại hiện trường
Theo ông Lantos István, người lãnh đạo bộ phận cảnh sát đặc biệt chống khủng bố, ngoại hình tên cướp khiến cảnh sát nghĩ y tỉnh táo, không nghiện ngập, say xỉn hoặc bị ảnh hưởng ma túy. Cảnh sát đã tấn công tên này khi trao tiền. Vừa thấy lực lượng cảnh sát đặc biệt, tên cướp định nổ súng bắn người bảo vệ. Một cảnh sát đặc nhiệm lập tức nổ súng và cả hai phát đạn đều trúng tên cướp, nhưng không đủ để y hạ vũ khí: y vẫn bắn trúng tay người bảo vệ. Lúc đó, cảnh sát tiếp tục nổ súng và tên cướp thiệt mạng ngay tại hiện trường vì trúng tổng cộng 6 phát đạn. Một viên đạn xuyên qua người tên này và trúng một phụ nữ đứng sau y, khiến bà bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Theo thông tin của cảnh sát, tên cướp 40 tuổi, cao chừng 180 cm, tóc nâu, mặc quần áo nhàu nát, thể lực tốt và tỏ ra rất quyết tâm. Y chưa có tiền án, cho dù đã bị truy cứu hình sự, nhưng chưa bị ra tòa. Một số chuyên gia hình sự cho rằng tên cướp không phải chuyên nghiệp, và có lẽ cũng không cố ý bắt con tin trước khi "vào cuộc"; y không chuẩn bị đường rút lui và lại chọn một nơi rất sầm uất (ít có khả năng thành công) để cướp.
Một nhân chứng là thân chủ của OTP, có mặt tại hiện trường khi vụ cướp xảy ra, cho biết: ông đến ngân hàng vào lúc 15 giờ 17 phút (sở dĩ ông biết chính xác thời gian vì trên tờ phiếu vào cửa có ghi số liệu này). Khi đó, tên cướp đã ở trong ngân hàng, nhưng y giấu súng nên ông không thấy. Đột ngột, y rút súng và bảo "tôi sẽ cướp ngân hàng, song quý vị không bị sao đâu". Sau khi bắn chỉ thiên uy hiếp để tước vũ khí của người bảo vệ, y đã có hai súng và đòi tiền.
Số tiền để ngoài két sắt được cho vào gần đầy một túi ni-lông, song tên cướp vẫn chưa bằng lòng và đòi cả tiền trong két. Mặc dù các nhân viên ngân hàng cho biết két sắt đã được đặt đồng hồ hẹn giờ, không có cách gì mở được, tên cướp đe dọa "tôi cho các vị 2 phút thôi đó!", và nói thêm: nếu ai đó báo cảnh sát, y sẽ bắn người bảo vệ đầu tiên, sau đó tới người phụ trách tài vụ, nhưng sẽ không đụng tới khách hàng của nhà băng.
Đúng lúc đó, các cảnh sát tuần tra xuất hiện, các thân chủ và nhân viên ngân hàng nằm rạp xuống đất. Một phụ nữ không chịu nổi căng thẳng, đã vùng lên và bảo "cho tôi ra đi". Tên cướp bất ngờ chấp nhận đề nghị này. Nhân chứng kể trên (vốn là một ký giả của Hãng tin Độc lập) cũng đứng dậy và bảo "cho tôi ra nữa". Thoạt tiên, tên cướp không chịu, nhưng sau đó y chĩa súng vào bụng ông và đưa ông ra đến cửa.
Vụ cướp khiến cảnh sát chặn toàn bộ khu vực quanh ngân hàng OTP trong vòng 3-4 giờ. Tàu điện số 4 và số 6 không chạy (cảnh sát dùng tàu điện bao quanh quảng trường Széna để nếu có đụng độ xảy ra thì những người hiếu kỳ quanh đó khỏi bị thương), giao thông đình trệ và nhiều khách bộ hành đã cáu kỉnh với cảnh sát vì họ không được đi qua khu vực nguy hiểm đó. Trung tâm thương mại Mammut cũng bị "ngoại bất nhập" một thời gian dài...