Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MẶC THƯỜNG PHỤC, CẢNH SÁT KHÔNG ĐƯỢC “RA TAY” TRONG CÁC CUỘC BIỂU TÌNH

(NCTG) Đó là quan điểm của thanh tra phụ trách các quyền cơ bản trực thuộc Quốc hội Hungary, ông Székely László, sau khi vị quan chức này nhận được khiếu nại từ đảng đối lập “Đối thoại” (Párbeszéd).
Giới luật gia Hung cho rằng cảnh sát mặc thường phục không có quyền ngăn chặn công dân thực hiện quyền cơ bản của mình: quyền biểu tình và thể hiện quan điểm - Ảnh chụp màn hình
Tháng 4 năm ngoái, trong cuộc biểu tình chống đạo luật được đưa ra nhằm bài trừ hoạt động của Đại học Trung Âu (CEU), trước hàng rào cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc hội, có sự hiện diện của một tốp đàn ông vạm vỡ để ngăn đoàn người.

Các nhân chứng và giới truyền thông cho hay, nhóm người này tỏ ra rất dữ tợn và có lúc phải ngăn họ lại, nếu không họ đã có thể hành hung đoàn biểu tình. Không thấy họ mặc quân phục hay có số hiệu gì và khi được hỏi, họ cũng không chịu nói, họ là ai và làm gì ở đó.

Hôm sau, trả lời câu hỏi của mạng tin index.hu, cơ quan chức năng Hung cho hay đó là tốp cảnh sát mặc thường phục, và sự xử lý của họ là hoàn toàn phù hợp pháp luật và chuyên môn, cũng như không vượt quá giới hạn của sự cần thiết và tương ứng với phản ứng của đoàn biểu tình.

Tuy nhiên, đảng đối lập “Đối thoại” cho rằng sự có mặt và hành động của nhóm cảnh sát mặc thường phục nói trên trong cuộc biểu tình là rất “có vấn đề”, do đó họ đưa sự việc lên thanh tra phụ trách các quyền cơ bản, ông Székely László, để đề nghị xem xét và cho ý kiến.

Một năm rưỡi sau, kết quả của cuộc điều tra đã được ông Székely László công bố trong một thông cáo mà Hãng Thông tấn Hungary MTI vừa đăng lại, theo đó, cách xử lý của cơ quan cảnh sát đã vi phạm quyền tự do tụ tập của người dân.

Theo ông Székely László, lẽ ra khi thi hành nhiệm vụ cơ quan cảnh sát Hung phải tuân thủ các điều khoản của Đạo luật Tụ tập và do đó, nhóm cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc hội phải ăn vận một cách thích hợp để có thể xác định nhân thân họ.

Thực tế luật của Hungary và Châu Âu cho thấy, chỉ có vậy mới đảm bảo được rằng nếu cảnh sát có bất cứ hành vi vi phạm gì, thì về sau còn có thể xác nhận được họ để có những biện pháp “quy trách nhiệm” cần thiết.

Ông Székely László cho rằng, một cảnh sát đang làm nhiệm vụ chỉ nên mặc thường phục nếu nhiệm vụ được giao bắt buộc đương sự phải giấu kín “thân phận”. Chẳng hạn, như khi cảnh sát cần theo dõi những cá nhân hoặc hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quan điểm của vị thanh tra phụ trách các quyền cơ bản, trong một cuộc biểu tình tuần hành, cảnh sát mặc thường phục có thể làm nhiệm vụ theo dõi tội phạm, nhưng không được quyền tiến hành xử lý vì điều đó thuộc phận sự của những đồng sự mặc sắc phục.

Tuy nhiên, nếu giới cảnh sát mặc thường phục xung đột với đoàn tuần hành - như trong cuộc biểu tình ủng hộ CEU nhắc nói trên -, điều tối thiểu là khi đương sự ngăn chặn và xử lý người khác, họ phải tỏ rõ tư cách của họ là cảnh sát, hay là kẻ “phản biểu tình” hoặc khiêu khích.

Ông Székely László nhận ra rằng luật Hungary chưa xác định cụ thể khi nào có thể cử cảnh sát mặc thường phục tới xử lý trong các sự kiện, mà điều này chỉ được quy định bởi một chỉ thị nội bộ của Sở Cảnh sát Quốc gia Hung (ORFK), và đây là điều vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Do đó, ông đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor Cảnh sát trưởng ORFK hãy lưu ý để tránh tình trạng áp dụng luật tùy tiện trong tương lai, và để cảnh sát mặc thường phục chỉ thực hiện những nhiệm vụ nhất thiết cần giấu “thân phận” của họ, tại các sự kiện thuộc sự điều tiết của Đạo luật Tụ tập.

Tác giả bài viết: Trần Lê