Liên minh FIDESZ - KDNP: LÀM ĐƯỢC GÌ VỚI ĐA SỐ HAI PHẦN BA?
- Chủ nhật - 25/04/2010 23:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tịch FIDESZ Orbán Viktor, thủ tướng trong nhiệm kỳ tới của Cộng hòa Hungary - Ảnh: Nagy Attila (index.hu)
Kể từ khi Hungary thay đổi hệ thống chính trị đến nay, chưa bao giờ có lực lượng chính trị nào giành được lợi thế áp đảo như thế, và hiện tượng này cũng là "độc nhất vô nhị" tại Châu Âu.
Những quyết định trọng đại
Sở dĩ sự thay đổi những đạo luật mang tính quyết định nền tảng của hệ thống chính trị và xã hội cần phải có sự đồng tình của hai phần ba dân biểu Quốc hội là để khi thực hiện điều đó, các đảng phái phải có sự đồng thuận với nhau, hoặc giả phải có một sự ủy nhiệm hết sức mạnh mẽ thông qua bầu cử (điều mà liên minh FIDESZ - KDNP vừa đạt được).
Hiến pháp Hungary quy định tổng cộng 49 trường hợp, khi quyết định cần đa số hai phần ba. Trong đó, 17 trường hợp cần sự đồng thuận của hai phần ba tổng số dân biểu, và 32 trường hợp còn lại cần sự đồng thuận của hai phần ba số dân biểu có mặt khi bỏ phiếu.
Trong số 17 trường hợp đặc biệt kể trên, có những vấn đề trọng đại như việc gia nhập Liên hiệp Châu Âu, việc tuyên bố giới nghiêm và ban hành trạng thái khẩn cấp, thay đổi quốc huy và quốc kỳ đất nước, bầu tổng thống Cộng hòa và xác định thẩm quyền của tổng thống, cũng như quyết định về các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, các đặc phái viên Quốc hội (ombudsman), về người đứng đầu Cơ quan Kiểm toán Quốc gia và Tòa án Tối cao.
Liên minh FIDESZ - KDNP muốn làm gì?
Đây là câu hỏi mà có lẽ bất cứ ai quan tâm đến chính trị tại Hungary cũng quan tâm, sau khi liên minh này giành được chiến thắng lịch sử trong tổng tuyển cử 2010.
Dựa trên những tuyên bố sơ bộ trước đây của FIDESZ, một số khả năng được đặt ra:
- Thay đổi hệ thống bầu cử, giảm số dân biểu hiện tại (386) xuống còn một nửa, hoặc biến Quốc hội Hungary hiện tại thành cơ chế lưỡng viện.
- Cải cách hệ thống chính quyền tự quản địa phương: giảm đáng kể số quận tại Budapest, giảm còn một nửa số các đại diện chính quyền tự quản trên toàn quốc.
- Cho Hung kiều ở nước ngoài được quốc tịch Hungary.
- Thay đổi thẩm quyền của Quốc hội, chính phủ và tổng thống Cộng hòa, giảm "thanh thế" rất mạnh hiện tại của Tòa án Hiến pháp.
- Lựa chọn hai thẩm phán của Tòa án Hiến pháp (sự ủy quyền của 9 thẩm phán còn lại trong Tòa án Hiến pháp chưa chấm dứt trong 4 năm tới).
- Đưa ra quyết định về người giữ cương vị viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao (sự ủy nhiệm của Kovács Tamás - viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao hiện tại - sẽ chấm dứt vào năm 2013).
- Ủy nhiệm ông Kovács Árpád, người đứng đầu Cơ quan Kiểm toán Quốc gia thời kỳ 1998-2009 - tiếp tục giữ chức chủ tịch cơ quan này.
- Cải tổ đạo luật về cơ cấu tài chính của các đảng phái, xây dựng lại hệ thống tư pháp.
- Thay đổi đạo luật về truyền thông, có liên quan tới hoạt động của các cơ quan truyền thông quốc gia (Đài Truyền hình MTV, Đài Phát thanh MR, hãng Thông tấn MTI...)
(*) Kết quả: FIDESZ - KDNP (263 ghế - đa số hai phần ba: 258 ghế); MSZP (59 ghế); JOBBIK (47 ghế); LMP (16 ghế); độc lập (1 ghế).