Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LUẬT MỚI BỊ CÁO BUỘC ĐƯA RUỘNG ĐẤT VÀO TAY CÁC NHÓM LỢI ÍCH

Hạ tuần tháng 6, Hungary thông qua Đạo luật Ruộng đất mới (liên quan đến việc cho thuê và và chuyển nhượng đất trồng trọt và diện tích đất rừng), bị phe đối lập và công luận coi là thủ thuật tuồn đất đai từ tay các nhà nông sang giới đại điền chủ, những phe nhóm lợi ích thân chính phủ (trong nước và nước ngoài).

Bê bối trong phiên biểu quyết Đạo luật Ruộng đất mới ngày 21-6-2013 - Ảnh: index.hu


Tận dụng tối đa ưu thế hai phần ba số ghế trong Quốc hội, liên minh cầm quyền tại Hungary bị phe đối lập cáo buộc là đã sử dụng vũ khí pháp luật để “bê-tông hóa” quyền lực và thâu tóm dần dần mọi lợi ích kinh tế vào tay họ.

Song song với những động thái độc đoán, phi dân chủ như phê chuẩn Hiến pháp mới, thông qua các đạo luật đi ngược lại với tinh thần Châu Âu (đặc biệt là Đạo luật Truyền thông bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí), chính phủ Hungary còn hướng tới việc thâu toán về mình những lợi ích kinh tế, nhiều khi ở mức độ trắng trợn, không che đậy.

Theo hướng đó, bị công luận phê phán mạnh mẽ là việc nấp dưới vỏ bọc bảo vệ sức khỏe thanh thiếu niên và hạn chế hút thuốc lá, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn đạo luật về việc độc quyền kinh doanh thuốc lá - một ngạch thương mại béo bở - rồi chia lại thị phần cho những nhóm lợi ích, những tập đoàn kinh tế thân chính phủ.

Gần đây nhất, hạ tuần tháng 6, Hungary thông qua Đạo luật Ruộng đất mới (liên quan đến việc cho thuê và và chuyển nhượng đất trồng trọt và diện tích đất rừng), bị phe đối lập và công luận coi là thủ thuật tuồn đất đai từ tay các nhà nông sang giới đại điền chủ, những phe nhóm lợi ích thân chính phủ (trong nước và nước ngoài).

Phiên họp Quốc hội đầy bê bối

Đời sống nghị trường Hungary những năm gần đây được đặc trưng bởi những mâu thuẫn, giành giật quyết liệt giữa phe chính phủ và các đảng đối lập, nhưng bị đẩy đến mức gay gắt và đầy bê bối như trong phiên biểu quyết Đạo luật Ruộng đất mới hôm 21-6 vừa qua, thì là điều chưa từng thấy!

Để phản đối dự luật, các dân biểu đảng đối lập JOBBIK đã chiếm khu vực mà chủ tọa phiên họp ngồi, giăng một băng-rôn lớn với hàng chữ “Để ruộng đất Hung vào tay kẻ lạ là BÁN NƯỚC!”, “Đất mẹ không phải thứ để bán” và đồng thanh hô vang “Bán nước! Bán nước!”, khiến vị chủ tọa Latorcai János phải xuống bục diễn giả để tiếp tục điều hành phiên họp.

Sau đó, mặc dù bị khai trừ khỏi cuộc biểu quyết, các nghị sĩ JOBBIK vẫn tiếp tục “bám trụ” và hô to “Bán nước! Bán nước!”, “Không! Không! Không bao giờ!” trong một khoảng thời gian dài, kể cả khi đạo luật mới được thông qua. Tiếp đó, họ còn thét vang “Các người cút đi! Cút đi!” với những dân biểu đã bỏ phiếu thuận trong cuộc biểu quyết.

Để trừng phạt hành vi “nổi loạn” này, sau đó, Chủ tịch Quốc hội Hungary đã ra quyết định tước khoản lương tháng 6 của toàn bộ các nghị sĩ đảng JOBBIK. Sau khi đạo luật mới được Tổng thống Áder János ký phê chuẩn mặc dù phe đối lập đã đề nghị ông “nghĩ lại để xem xét”, JOBBIK cũng không ngại ngần khi chỉ trích thẳng thừng tổng thống “đã đứng vào hàng những kẻ phản quốc trắng trợn”!

Cũng trong phiên biểu quyết ngày 21-6, đồng thời với màn trình diễn của nhóm dân biểu JOBBIK, hai nữ nghị sĩ đảng đối lập LMP (tức “Chính trị có thể khác” - một chính đảng theo khuynh hướng Đảng Xanh) cũng giăng một băng-rôn lớn với dòng chữ “Hãy chia đất thay vì cướp đất!” - những nghị sĩ LMP khác thì đẩy một xe cút-kít chứa đầy đất đến trước mặt Thủ tướng Orbán Viktor.

Cùng lúc, một nữ dân biểu khác còn dùng loa phóng thanh kêu gọi các nghị sĩ đảng cầm quyền FIDESZ hãy trả lại đất đai cho nhà nông, vì ruộng đất phải thuộc về dân cày và là cái nuôi họ cùng gia đình. Vị nghị sĩ này còn tuyên bố, bà muốn khuếch đại tiếng nói của những người mà giới chính khách cầm quyền không muốn nghe, và những người bị chính sách ruộng đất của chính phủ Hungary làm cho khánh kiệt.

Vì sao nên nỗi?

Vốn là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều nông sản nổi tiếng trên trường quốc tế, Đạo luật Ruộng đất lẽ ra phải là một công cụ để ruộng đất thực sự về tay nhà nông, những người sống chết với nghề đó. Chính phủ Hungary, khi thảo dự luật, cũng nhấn mạnh là luật sẽ bảo vệ để ruộng đất Hung không bị bán vào tay những kẻ đầu cơ ngoại quốc, nhất là sau ngày 1-5-2014, thời điểm đúng 10 năm sau khi Hungary gia nhập Liên hiệp Châu Âu, khi không thể cấm đoán người ngoại quốc mua đất trồng trọt ở Hung một cách đơn thuần như trước.

Vậy tại sao đạo luật mới lại bị phe đối lập và công luận Hungary lên án đến thế?

Trước hết, là vì nó không ngăn chặn được việc ruộng đất vào tay các nhóm đầu cơ ngoại quốc. Bởi lẽ, khái niệm “người ngoại quốc” trong luật chỉ nhằm vào những công dân các quốc gia thứ ba: công dân EU có thể mua đất mà không gặp phải điều kiện gì đặc biệt. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, những kẽ hở trong luật khiến những kẻ đầu cơ đến từ Áo và một số quốc gia khác vẫn dễ dàng mua đất của Hung.

Đã không ngăn chặn được việc đất Hung bị “thất thoát” vào tay ngoại quốc, luật mới còn tạo điều kiện để ruộng đất dễ vào tay những đại điền chủ, những nhóm lợi ích thân chính phủ ở trong nước. Trước hết, diện tích đất trồng trọt tối đa tính cho một đầu người được nâng thành 1.200 hec-ta, thay vì 300 hec-ta như trước đây. (Để so sánh, cần biết là diện tích đất trồng trọt được coi là lớn ở các nước đều nhỏ hơn con số 300 hec-ta: 54 hec-ta (Thụy Sĩ), 135 hec-ta (Hà Lan), 150 hec-ta (Bỉ), 250 hec-ta (Ba Lan) và 274 hec-ta (Pháp).

Ngoài ra, luật mới bỏ hạn chế về diện tích ruộng đất tính trên một gia đình, do đó có thể để bố mẹ, con cái, ông bà đứng tên, như thế, một đại điền chủ có thể bỏ tiền mua vài ngàn hec-ta mà không gặp trở ngại gì đáng kể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể mua và sử dụng những diện tích đất trồng lớn, tối đa 1.800 hec-ta thay vì 1.200 hec-ta như trước. Đây là điều mà các tiểu chủ hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được.

Vai trò của nhà nước và các tập đoàn tư bản lớn trong việc phân chia đất trồng trọt tiếp tục được gia tăng. Tại Hungary, 25% đất trồng trọt (chừng 2 triệu hec-ta) thuộc sở hữu nhà nước và trước nay, các đại điền chủ và tập đoàn tư bản lớn vẫn thường chiếm được quyền thuê đất trước các tiểu chủ tại địa phương. Luật mới tiếp tục cho phép Quỹ Ruộng đất Quốc gia (NFA) – cơ quan chuyên  trách việc phân bổ, cho thuê đất thuộc sở hữu nhà nước - lách luật để ưu tiên các chủ lớn.

Hơn nữa, luật mới cho phép Nhà nước có thể ra quyết định thu hồi đất cho thuê bất cứ lúc nào để cho người khác thuê mà không cần phải đấu thầu hoặc công bố chính thức, khiến việc đất đai dễ  được trao cho những cá nhân và doanh nghiệp thân chính quyền một cách không minh bạch. Một thống kê cho hay, gần 80% diện tích đất trồng trọt tại Hungary hiện đang nằm trong tay 180 tập đoàn đại tư bản và những nhà nông địa phương ít có khả năng có được đất trồng, trên cơ sở sở hữu hay thông qua hợp đồng thuê đất từ nhà nước.

Trái với mọi hứa hẹn trước đó, như vậy, đạo luật mới không hề đảm bảo sự ưu tiên gì cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ Hungary. Các đại điền chủ và những tập đoàn tư bản có thể ký với nhà nước hợp đồng thuê đất trong 15-20 năm và khi hết hạn hợp đồng, họ vẫn tiếp tục được ưu tiên nếu muốn thuê nữa. Những ủy ban ruộng đất địa phương, được coi là có nhiệm vụ xem xét sự xác đáng của việc chuyển nhượng và cho thuê đất tại địa phương, rốt cục cũng không được quyền đưa ra quyết định cuối cùng.

Thêm nữa, trái với sự mong đợi, đạo luật mới không buộc người thuê đất phải tạo điều kiện lao động cho cư dân địa phương. Cái gọi là “chương trình ruộng đất dân số” mà đảng cầm quyền FIDESZ hứa hẹn khi tranh cử cũng bị lờ đi, theo đó, FIDESZ đảm bảo một số ưu đãi cho những cặp vợ chồng trẻ khi mới vào đời, nếu họ cam kết sẽ làm nghề nông và ít nhất sẽ có hai con.

Giá trị của ruộng đất

Một câu hỏi được đặt ra: trong hoàn cảnh khủng hoảng của Châu Âu, ruộng đất vẫn còn “có thế” đến thế hay sao, khiến vấn đề ruộng đất và dân cày, cho đến giờ, vẫn còn ám ảnh và ảnh hưởng tới nhà nông và công luận Hungary đến thế? Báo chí và các nhà bình luận đã đưa ra nhiều nhận định cho câu hỏi này.

Trước hết, đất trồng trọt của Hung được coi là thuộc loại màu mỡ nhất ở Châu Âu và nếu làm con tính so sánh, giá đất ở Hung vẫn còn rất rẻ: giá mua chỉ bằng 1/5 hay thậm chí 1/50, còn giá thuê bằng 16%-66% so với Tây Âu. Tuy nhiên, điều đáng nói là đi kèm diện tích đất trồng, các chủ nhân hoặc người sử dụng còn được hưởng khoản trợ cấp rất đáng kể đến từ EU: điều đó khiến một khoản đầu tư vào ruộng đất chỉ chừng 5 năm là “hòa vốn”, và hầu như không có chút mạo hiểm nào.

Do đó, kể từ khi Hungary chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường từ hơn hai chục năm nay, đất trồng trọt của nước này đã lọt vào tầm ngắm của những nhóm đầu cơ trong và ngoài nước. Tính cho đến nay, đã có chừng 700 ngàn hec-ta đất nằm trong tay người Áo. Công thức của các nhóm đầu cơ được họ đưa ra rất rõ ràng: mua hoặc thuê với giá rẻ, hưởng trợ cấp EU, sau đó bán lại hoặc cho thuê lại với giá hời. Trong khi, người lao động trực tiếp thì ít có cơ hội sở hữu hoặc thuê đất để làm nguồn sống cho họ.

Diện tích Hungary là 9,3 triệu hec-ta, trong đó hơn một nửa, 5,3 triệu hec-ta là đất trồng trọt. Tuy nhiên, sự phân bổ đất đai rất không thích hợp đối với các tiểu chủ: các tập đoàn lớn, các đại điền chủ chỉ chiếm 7-8% con số những đơn vị và cá nhân làm nông nghiệp, nhưng thâu tóm trong tay 70% diện tích đất, cùng những khoản trợ cấp béo bở đến từ EU. Trong năm 2012, 40% ruộng đất nhà nước và những khoản trợ cấp nhà nước đã được cho những tập đoàn thân chính quyền thuê với những diện tích 800-1.000 hec-ta, còn đa số các tiểu chủ chỉ được thuê dưới 20 hec-ta.

Báo chí Hungary bình luận, không cần lo ngại lắm về khả năng ruộng đất về tay giới đầu cơ nước ngoài, mà nguy cơ các tập đoàn lợi ích thân chính quyền thâu toán vào tay đất trồng trọt cùng những khoản trợ cấp EU đi kèm, mới là thực tiễn. Trái với những hứa hẹn trước đây, đạo luật mới không ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà đa phần có lợi cho các đại điền chủ. Điều này cũng đi ngược lại với chiến lược phát triển nông thôn mà nội các FIDESZ thường tuyên truyền bấy nay.

Đó cũng là lý do khiến một người được coi là “rất trong cuộc” phải phẫn nộ. Khi đạo luật mới được phê chuẩn, ông Ángyán József, cựu Quốc vụ khanh Bộ Phát triển Nông thôn đã lập tức tuyên bố ra khỏi nhóm dân biểu FIDESZ tại Quốc hội Hung để trở thành một nghị sĩ độc lập. Ông cũng cho rằng, liên minh cầm quyền đã phản bội những lời hứa của mình, và quyền năng của mafia đã chi phối toàn bộ nền chính trị Hungary, nên cần thiết phải có một lực lượng thứ ba làm đối trọng.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest