Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LUẬT CƯỠNG CHẾ NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở HUNGARY GÂY NHIỀU TRANH CÃI

Đầu tháng 10 vừa qua, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn một đạo luật về người vô gia cư, theo đó, có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù giam đối với những ai bị coi là sinh sống ở tại một số địa điểm công cộng nhất định. Đạo luật này đã được thai nghén và ra đời trong sự phản đối gay gắt của các tổ chức dân sự và một bộ phận không nhỏ cư dân Hungary.

Những người vô gia cư sẽ bị "cấm cửa" tại nhiều khu vực ở thủ đô Budapest - Ảnh: Internet

Cụ thể, luật mới cấm người vô gia cư sinh sống tại các khu vực được gọi là “khu vực di sản thế giới” của thủ đô Budapest, đồng thời giao cho chính quyền địa phương các cấp tiếp tục ấn định các khu vực cấm khác.

Theo dự thảo kế hoạch, chính quyền Budapest dự kiến sẽ cấm bặt người vô gia cư sinh sống tại tất cả các khu phố chính, các vườn hoa, công viên, gầm cầu, hầm bộ hành, các bến xe, bến tàu điện, ga xe lửa và những địa điểm được đưa vào danh mục Di sản Thế giới của UNESCO như Thành cổ Buda, khu vực ven sông Danube và đại lộ chính Andrássy.

Nỗ lực tuyệt đối của nội các cánh hữu

Có thể nói, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, liên minh cầm quyền FIDESZ đã coi việc dùng các phương tiện hành chính và luật pháp để xử lý người vô gia cư ở thủ đô là một trong những mục tiêu cấp thiết cần theo đuổi.

Mặc dù chỉ có 1.600 người vô gia cư có đăng ký và được ghi nhận (theo ghi nhận của các chuyên gia, con số trong thực tế cũng có thể gấp khoảng mười lần), thế nhưng trong các bài phát biểu, thậm chí trong các cuộc hội đàm với đối tác nước ngoài, lãnh đạo Budapest vẫn luôn coi đây là vấn đề nan giải của một thủ đô có gần 2 triệu cư dân.

Trên thực tế, kể từ khi Hungary lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ nhiều năm nay, con số người vô gia cư có gia tăng. Những nơi họ thường tập trung - các hầm bộ hành, một số công viên, vườn hoa, các khu rừng thưa trong thành phố... - bị coi là mất vệ sinh dịch tễ và không an toàn.

Tháng 4-2011, Hội đồng Thành phố Budapest đã ra một quyết định cho phép phạt tiền người vô gia cư, coi đó là hành vi vi phạm hành chính. Tháng 11 cùng năm, theo đề xuất của một số quận trưởng, Quốc hội Hungary đã sửa đổi đạo luật với nội dung gần giống hiện tại: vô gia cư ngoài đường phố có thể bị phạt tù giam.

Tuy nhiên, tháng 5-2012, ông Szabó Máté, nhân viên kiểm tra việc thực hiện những quyền cơ bản của công dân đề nghị Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) nước này xem xét lại tính hợp hiến của đạo luật. Đến tháng 11, Tòa Bảo hiến đã tuyên bố đạo luật vi hiến, phải xóa bỏ.

Không chịu bỏ cuộc, tu chính lần thứ tư của Hiến pháp Hungay đã đưa vấn đề người vô gia cư vào “bộ luật mẹ”, khiến việc trừng phạt người vô gia cư không còn bị cản trở bởi Hiến pháp. Đạo luật mới, bị coi là bài xích người vô gia cư, đã được ra đời như thế vào ngày 30-9, với sự nhất trí của các dân biểu phe cầm quyền, mặc dù nó bị phe đối lập hoàn toàn phản đối.

Những quan ngại của các tổ chức dân sự

Chính quyền thành phố Budapest cho rằng bất cứ người vô gia cư nào, nếu muốn, đều có thể tìm được chỗ trú thân, ít nhất là trong đêm tại những khu nhà dành cho họ. Theo chính quyền, cần cấm ngặt hoặc có những biện pháp mạnh với những người vô gia cư này để giữ “thể diện” của thủ đô Hungary, đồng thời để đảm bảo các vấn đề an toàn công cộng và vệ sinh dịch tễ khác.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các tổ chức dân sự, nhân quyền và dân quyền đã chỉ ra rằng vô gia cư là một vấn đề xã hội hết sức phức tạp, không thể giải quyết một cách đơn thuần bằng những biện pháp hành chính, mệnh lệnh mang tính cấm đoán, trừng phạt.

Một số tổ chức đã đứng lên bảo vệ người vô gia cư, dùng những biện pháp thị uy rất mạnh, như chiếm trụ sở chính quyền, tự xích tay chân vào đó để phản đối chính sách mà họ cho là “phản xã hội” của chính quyền, ví dụ như chính sách cấm đoán người vô gia cư kiếm kế sinh nhai trên đường phố, hoặc hành vi theo dõi để sách nhiễu và phạt tiền họ, đưa họ về đồn cảnh sát, v.v...

Đối với đạo luật vừa mới được phê chuẩn, hai tổ chức dân sự và thiện nguyện tham vấn và hỗ trợ mật thiết cho chính quyền đều cho biết họ cảm thấy đạo luật mới không những mang tính bài xích người vô gia cư, mà trong thực tế còn không có tính khả thi.

Luật mới cho phép chính quyền có thể buộc người vô gia cư lao động công ích, phạt tiền, hoặc thậm chí bỏ tù nếu tái phạm đến lần thứ ba trong vòng nửa năm. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế thực thi luật pháp và thực tế xã hội, những giải pháp này không thể chấm dứt hay làm giảm được hiện trạng của người vô gia cư.

Nhà xã hội học Győri Péter, lãnh đạo Quỹ Cứu trợ, cho rằng luật mới chỉ nhằm phục vụ mục tiêu vận động tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử mùa xuân năm sau cho cả phe cầm quyền và phe đối lập. Có khả năng phe cầm quyền muốn cho cư dân thấy, họ đã quyết liệt trong một vấn đề khiến nhiều người cảm thấy chướng tai gai mắt. Còn phe đối lập thì muốn chứng tỏ họ quan tâm đến tầng lớp tận cùng ở đáy xã hội.

Có điều, cũng theo nhà xã hội học Győri Péter, luật mới khiến tất cả các bên có liên quan - cả người vô gia cư, cư dân và giới chính khác - đều ở trong trạng thái nguy hiểm. Người vô gia cư, do bị đẩy tới đường cùng, sẽ tránh những nơi đô hội để về những địa điểm khác. Thay vì một hầm bộ hành sầm uất, họ sẽ tìm đến những khu nhà cũ và tá túc ngoài cửa chẳng hạn.

Như thế, vấn đề không hề được xử lý, mà chỉ là việc chuyển từ chỗ này qua nơi khác về mặt vật lý. Chưa nói tới chuyện, những khu nhà dành cho người vô gia cư có thể tạm tá túc hoàn toàn không đủ chỗ cho họ, đặc biệt khi mùa đông tới. Luật mới, theo ông Győri Péter, chỉ thích hợp để dọa dẫm, đe nẹt!

Giải pháp xã hội mang tính toàn diện

Nếu một đạo luật bất khả thi trong thực tế và không đáp ứng được nhu cầu mà nó cần giải quyết, chứng tỏ cơ quan lập hiến đã không suy nghĩ đầy đủ và thấu đạo mọi khía cạnh thực tế. Đối với vấn đề người vô gia cư, cần một giải pháp xã hội mang tính tổng hợp - đó là ý kiến của ông Romhányi Tamás, phụ trách truyền thông Tổ chức Từ thiện Malta.

Theo vị chuyên gia này, định ra những vùng cấm đối với người vô gia cư đồng nghĩa với việc biến tất cả những khu vực còn lại thành vùng “tạm dung”, và đây chính là điều tồi tệ nhất: vấn đề chỉ được dịch chuyển mà thôi. Tổ chức Từ thiện Malta muốn rằng đối với mỗi một cá nhân, cần có giải pháp thích hợp cho họ.

Bởi lẽ, trong cộng đồng vô gia cư, không hiếm những người có bằng cấp, bị sa sẩy bởi hoàn cảnh (thất nghiệp, ly dị, v.v...). Cạnh đó, một bộ phận không nhỏ mắc chứng bệnh thần kinh cần điều trị, hoặc đã từng kinh qua các trại mồ côi, tù tội... Bên cạnh những nhân viên công lực, rất cần sự hỗ trợ của giới bác sĩ, cứu thương và nhân viên xã hội.

Dầu sao đi nữa, việc đạo luật về người vô gia cư được Quốc hội phê chuẩn trước khi mùa đông tới cũng đặt tầng lớp bần hàn này vào tình trạng khốn cùng. Trước mắt, một tổ chức mang tên “Thành phố là của mọi người” (Város Mindenkié) - gồm những người vô gia cư tích cực và một số cảm tình viên của họ - vẫn tiếp tục cuộc chiến trước đây của họ với chính quyền.

Sau khi đã gửi Thỉnh nguyện thư với chữ ký của 1.700 người tới Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor và tổ chức biểu tình phản đối đạo luật mới, tổ chức này vừa gửi thư lên Tổng thống Áder János và Tòa Bảo hiến đề nghị xem xét lại. Họ cũng cho biết sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest