Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LIÊN TỤC THUA LỖ, HÀNG KHÔNG QUỐC GIA HUNGARY CHẤM DỨT HOẠT ÐỘNG

Vào hồi 6 giờ sáng ngày 3-2-2012, Hãng Hàng không Quốc gia Hungary MALÉV đã đột ngột thông báo phá sản và giải thể, chấm dứt sự tồn tại của một trong những doanh nghiệp nhà nước đáng kể cuối cùng của Cộng hòa Hungary sau 66 năm hoạt động liên tục.

MALÉV, với nhạc hiệu rất thân quen với nhiều thế hệ DHS Việt Nam tại Hungary, nay chỉ còn trong ký ức... - Ảnh: Internet

Như vậy là sau 92 năm, Hungary lại không có hãng hàng không quốc gia với rất nhiều hệ lụy đang được báo chí và công luận nước này quan tâm, đặc biệt là việc Nhà nước Hung có nguy cơ phải bồi thường nhiều tỉ Euro.

Phá sản, nhưng không tránh được hệ lụy tài chính

Ba ngày trước khi tuyên bố phá sản, Chính phủ Hungary đã ra một nghị định liệt MALÉV vào hàng những doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược. Căn cứ Ðạo luật về phá sản được sửa đổi vào năm ngoái, điều này có nghĩa là MALÉV được bảo vệ khi phá sản: các chủ nợ không thể thực hiện thủ tục kiện tụng khi hãng này phá sản, và cơ sở điều hành các thủ tục phá sản hoặc giải thể sẽ là một hãng nhà nước.

Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa vì sau khi MALÉV phá sản, những thông tin sơ bộ cho thấy hầu như hãng này không còn một chút tài sản nào! Tuy nhiên, hậu quả của việc MALÉV phá sản - theo các phân tích - là rất trầm trọng: trước hết, bằng mọi giá, Hungary phải chi trả khoản nợ tối thiểu là 102 triệu Euro cho Ngân hàng VEB (thuộc sở hữu của Nhà nước Nga, có cổ phần 5% trong MALÉV), bằng không, phía Nga sẽ coi việc “quịt nợ” là một “cử chỉ hết sức thiếu thiện chí” và điều này sẽ có ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế khác giữa hai nước.
 
Cạnh đó, trầm trọng hơn nhiều là trong bản hợp đồng tư hữu hóa Phi trường Quốc tế Budapest (mang tên đại nhạc sư Franz Liszt), có một điều khoản mang tính đảm bảo được đưa vào nếu MALÉV phá sản. Ấy là, Nhà nước Hungary sẽ phải bồi thường 1,5-1,8 tỉ Euro cho chủ sở hữu sân bay, nếu lượng khách lưu thông tại phi trường giảm 40% (và đây chính là con số hành khách mà MALÉV mang lại cho phi trường).

Những con số trên mới chỉ là bề nổi của sự việc. Báo chí Hungary còn phanh phui rằng, bản hợp đồng tư hữu hóa Phi trường Budapest - cho phép một tập đoàn của Ðức (Hochtief) giữ cổ phần chính, rồi trở thành chủ sở hữu của sân bay này - còn hàm chứa một điều khoản kết thúc bí mật, cho phép chủ sân bay, khi thất thu vì lượng khách giảm sút, có thể buộc phía Hungary phải thực hiện sự cam kết kể trên.

Và, trong trường hợp đó, sự bồi hoàn mà Nhà nước Hungary phải chi trả có thể lên tới con số hơn 4 tỉ Euro!

Con đường dẫn đến thảm bại

Thực ra, sự cáo chung của MALÉV là điều có thể được biết trước từ lâu, chỉ còn là vấn đề thời gian. Từ 10 năm nay, vận hành MALÉV không đem lại kết quả tài chính gì đáng kể. Nhiều năm nay, do giá nhiên liệu tăng, thị trường biến đổi bất lợi và các chi phí vận hành cũng ngày một leo thang, cho dù thường xuyên được Nhà nước bơm tiền, và có sự hiện diện của nhà đầu tư Nga (cũng không hẳn vì lý do lợi nhuận), MALÉV vẫn thường xuyên thua lỗ.

Một trong những nỗ lực cuối cùng của Hungary là vào tháng 2-2010, MALÉV lại được đặt dưới sự quản lý và sở hữu của Nhà nước Hung, hãng này được xóa mọi khoản nợ nhà nước và được nhận thêm hơn 25 tỉ Ft. Ðó là chưa kể việc trong hai năm qua, MALÉV còn được hỗ trợ thêm hơn 100 tỉ Ft, nhưng doanh nghiệp này vẫn thua lỗ (theo phán quyết gần đây của Ủy ban Châu Âu, sự ủng hộ của nhà nước là sai luật, cần hoàn trả lại khoản tiền đó).

Kể từ năm 2009, MALÉV thay đổi chiến lược kinh doanh khi đưa ra giá cả cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ. Ðiều này khiến lượng khách của MALÉV có tăng, nhưng doanh thu không đủ chi trả những chi phí quá lớn, nên hãng càng thêm thua lỗ. Cho đến cuối năm ngoái, hoàn toàn bất lực, chính phủ Hungary không còn dự định gì khả dĩ cho tương lai MALÉV ngoài việc buông xuôi, sau khi đã cấp thêm cho hãng 5 tỉ Ft không biết vào mục đích gì...

Tính đến nay, MALÉV nợ gần 74 tỉ Ft và mặc dù trong vài tháng cuối, hãng bán được rất nhiều vé, vượt mức trung bình của Châu Âu trong nhiều hạng mục quan trọng, và nhiều đối thủ cạnh tranh của hãng cũng rời vũ đài, điều có thể mang lại thêm nhiều hành khách cho MALÉV, nhưng rốt cục, sự sụp đổ của doanh nghiệp này vẫn là tất yếu.

Nhất là khi từ vài năm nay, Hungary đã lâm vào cảnh khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chính, tới giờ vẫn chưa thấy lối ra. Cho dù, khi phân tích những dữ liệu tài chính của hãng, các chuyên gia cho rằng, lẽ ra, một hãng hàng không nhỏ như MALÉV có thể được vận hành có lãi, nếu nó được điều hành một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Bài học, kinh nghiệm

Nguyên nhân cụ thể gây ra sự cáo chung của MALÉV, phải tính đến việc những chi phí vận hành - trong đó chi phí mua nhiên liệu, thuê máy bay chiếm tới 80% - là quá cao, vượt quá doanh thu của hãng. Thuê máy bay quá đắt, nhưng MALÉV lại không tận dụng được bao nhiêu: lượng khách hàng ít ỏi, nhất là từ 5 năm nay, khi các hãng hàng không giá rẻ xuất hiện và lớn mạnh trên thị trường Hungary và MALÉV không thể cạnh tranh được với họ

Lượng hành khách thuyên giảm, máy bay phải đi thuê với giá đắt và không được tận dụng ở mức như ý, lượng tiền vay mượn quá nhiều khiến lãi suất phải trả cũng tăng vọt (con số này riêng trong năm 2010 đã là 3 tỉ Ft). Cạnh đó, trong một thời gian rất dài, giá cả của MALÉV lại không đủ sức cạnh tranh - ngay loại vé rẻ nhất cũng bị coi là đắt trên thị trường - nên không hấp dẫn được du khách.

Yếu tố con người trong sự thất bại của MALÉV cũng rất đáng kể: trong thực tế, 20 năm qua, Ban lãnh đạo MALÉV thay đổi liên tục, và như thế, đường lối, chiến lược của hãng cũng không nhất quán. Kể từ năm 1990, 16 Tổng giám đốc đã ngồi ghế điều hành MALÉV - trong số những quyết định họ đưa ra, có rất nhiều quyết định cần phải đặt dấu hỏi và có tác động lớn trong sự lụn bại của hãng sau này!

Báo chí Hungary cho rằng, cho dù công luận và giới chức Hung vẫn nghĩ một đất nước cần phải có một hãng hàng không quốc gia như thể diện của mình, thì việc điều hành nó vẫn phải phù hợp với những đòi hỏi, yêu cầu và quy luật của thị trường. Một khi thường xuyên phải bù lỗ, hoạt động không hiệu quả, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân mà không đem lại lợi ích gì đáng kể, sự cáo chung của doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Ðiều đau đớn đối với MALÉV và với người dân Hungary là ở chỗ, sự sụp đổ của hãng này cũng diễn ra một cách hết sức hỗn loạn, thiếu bài bản và chuyên nghiệp: nhiều ngàn hành khách bị ứ lại tại các sân bay trong và ngoài nước, ngay bản thân các nhân viên MALÉV cũng không có đủ thông tin để thông báo cho khách, và sự bồi thường, trả lại tiền vé cho khách theo đúng những chuẩn mực của ngành dịch vụ, cho đến nay, dường như vẫn là điều bất khả kháng...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest