Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“LIÊN ÂU CẦN CHÚ Ý ĐỂ LỜI LẼ CỦA MÌNH CÓ TRỌNG LƯỢNG!”

(NCTG) Đó là trả lời của Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter khi được hỏi, tại sao nước này lại không ký vào tuyên bố chung của 26 quốc gia thành viên còn lại của Liên Âu, nhằm lên tiếng phản đối hành động bạo lực của cảnh sát Nga nhằm vào những cuộc biểu tình nổ ra tại gần 100 thành phố, sau khi lãnh tụ đối lập Alexei Navalny bị bắt.
Ngoại trưởng Hungary: “Quyền tự do hội họp và ngôn luận là những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm” - Ảnh: Sóki Tamás (index.hu)
Như đã biết, ông Alexei Navalny trở về Nga sau 5 tháng điều trị tại Đức do bị đầu độc, và lập tức bị bắt giam ngày 17/1 tại sân bay Sheremetyevo (Moscow): một tòa án đã ra lệnh bắt giữ ông trong 30 ngày. Chỉ riêng ở thủ đô, đã có tới 40 ngàn người biểu tình phản đối hành động này của chính quyền Nga. Cảnh sát Nga đàn áp rất thô bạo, hơn 3.100 người bị bắt, trong đó có vợ và một luật sư của nhà đối lập.

Liên Âu muốn nhất trí lên án hành động bạo lực này của chính quyền Nga trong một tuyên bố chung bày tỏ quan điểm. Nếu có sự đồng thuận toàn diện, lẽ ra EU đã có thể đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự tại cuộc họp ngày 28/1/2021 của Hội đồng Thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Hungary đã không ký tuyên bố đó.
 
Thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, địch thủ chính trị lớn nhất của Tổng thống Vladimir Putin, bị bắt trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Pushkin (Moscow), ngày 5-5-2018 - Ảnh: AP
Thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, địch thủ chính trị lớn nhất của Tổng thống Vladimir Putin, bị bắt trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Pushkin (Moscow), ngày 5-5-2018 - Ảnh: AP
 
Alexei Navalny từ Đức trở về Nga để đối đầu với thể chế của Putin, ngày 17/1/2021 - Ảnh: Kirill Kudryavtsev (AFP)
Alexei Navalny từ Đức trở về Nga để đối đầu với thể chế của Putin, ngày 17-1-2021 - Ảnh: Kirill Kudryavtsev (AFP)

Trả lời câu hỏi mạng index.hu trong một bài phỏng vấn độc quyền ngay tại Sân bay Quốc tế Liszt Ferenc (Budapest), theo đó, phải chăng lý do là vì Hungary đang đàm phán với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hung cho hay, “thực tế, không phải giữa mọi sự kiện cứ phải có mối liên hệ nào, cuộc sống đơn giản hơn thế rất nhiều”, “đây là một vấn đề kỹ thuật”.

Tuyên bố đã được đưa ra mà không có chúng tôi, do đó Hungary không tham gia cũng không thành vấn đề”, ông nói. “Đối với quyền tự do hội họp và ngôn luận, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: đây là những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Đồng thời, tôi không nghĩ rằng sức nặng lời lẽ của Liên Âu nhất thiết sẽ tăng lên nếu - cường điệu một chút - ngày nào EU cũng thông qua một tuyên bố về cái gì đó”.
 
Cảnh sát trấn áp người biểu tình xuống đường theo kêu gọi của Alexei Navalny tại Moscow - Ảnh: Maxim Shemetov (Reuters)
Cảnh sát trấn áp người biểu tình xuống đường theo kêu gọi của Alexei Navalny tại Moscow - Ảnh: Maxim Shemetov (Reuters)

Bất kể về Navalny hay một vụ khác, tôi luôn có quan điểm rằng Liên Âu phải chú ý để lời nói của mình có trọng lượng. Nếu ngày nào chúng ta cũng ra tuyên bố lên án 6-8 sự kiện trên thế giới thì sau một thời gian, sẽ không ai quan tâm đến chúng ta”, ông Szijjártó Péter nhấn mạnh. “Đây là một vấn đề về phương pháp luận chứ không phải về nội dung. (...) Chúng tôi không phủ quyết bất cứ điều gì, tuyên bố đã vang lên”.

Với tuyên bố đó, “lập trường rõ ràng của Châu Âu đã trở nên sáng tỏ”, vị ngoại trưởng khẳng định.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh