Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÀM SAO ĐỂ TRÁNH RẮC RỐI KHI NHẬP CẢNH?

(NCTG) Một độc giả của mạng index.hu muốn bay từ Budapest qua Bỉ vào ngày 3-1-2021, nhưng đã không được phép lên máy bay vì từ 31-12-2020, Bỉ đã xếp Hungary vào “vùng đỏ”. Các trường hợp bị từ chối bay như vậy diễn ra khá nhiều trong những ngày qua, gây không biết bao nhiêu phiền hà cho hành khách.
Giao thông hàng không thời dịch bệnh hàm chứa nhiều rủi do bất ngờ - Ảnh: index.hu
Hãng Hàng không Ryanair đã không thông báo cho độc giả nọ về bất cứ thay đổi nào trong quy định nhập cảnh của Bỉ. Độc giả nọ bị từ chối bay ngay từ thủ tục nhập cảnh vì anh ta không có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ trước đó (*). Đối với chuyến đi ngày 3-1, gần như không thể làm xét nghiệm được trong mấy ngày cuối tuần trước đó.

Việc cách ly 7 ngày sẽ là bắt buộc ngay cả khi độc giả của index.hu có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng có test PCR âm tính là điều kiện tiên quyết để nhập cảnh Bỉ theo quy định của nước này. Cũng có thể làm xét nghiệm tại các sân bay Zavantem (Brussels) và Charleroi, nhưng điều này lại chỉ dành cho người có đăng ký hộ khẩu (địa chỉ) ở Bỉ.

Do đó, độc giả của index.hu buộc phải hoãn chuyến đi sau vài ngày để tuân thủ các quy định dịch tễ học nghiêm ngặt mà Bỉ đưa ra vào ngày cuối của năm 2020. Có thể làm gì khi đó? Mạng index.hu khuyên rằng trước khi lên đường, hàng ngày chúng ta nên kiểm tra các thông tin lãnh sự trên trang web của Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary (**).

Bằng cách này, có thể theo dõi tương đối chính xác và cập nhật rằng ở những nơi chúng ta muốn đến, có những lệnh cấm và hạn chế nào mà du khách có thể phải đối mặt. Vào ngày 31-12-2020, Brussels đưa Hungary vào danh sách các “nước đỏ” (trước đó, Hung thuộc vào vùng màu “da cam”), vì vậy độc giả nọ đã gặp bất ngờ khi đã tới sân bay.
 
Test âm tính PCR là điều kiện nhập cảnh và miễn cách ly của nhiều nước - Ảnh: mainstreetfamilycare.com
Test âm tính PCR là điều kiện nhập cảnh và miễn cách ly của nhiều nước - Ảnh: mainstreetfamilycare.com

Các quốc gia Châu Âu sau đây hiện có chính sách nhập cảnh rất nghiêm ngặt:

- Vương quốc Anh: Không có chuyến bay trực tiếp nào giữa Hungary và Anh cho đến ngày 8-2. Đêm qua, 4-1, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Vương quốc Anh đã hoàn toàn đóng biên giới, hiện tại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Cho đến ngày 5-1, chỉ có thể nhập cảnh vào đảo quốc này thông qua đường Pháp. Nhà chức trách Pháp đã buộc hành khách phải có test âm tính kháng thể trong vòng 72 giờ, nên tìm hiểu thông tin trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Hungary trước khi lên đường, vì các quy định nhập cảnh có thể thay đổi từng giờ.

- Đan Mạch: Kết nối hàng không trực tiếp giữa Hungary và Đan Mạch đã ngừng trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đan Mạch xếp Hungary vào danh sách các nước màu “da cam”, nghĩa là chỉ có thể nhập cảnh Vương quốc Đan Mạch với kết quả xét nghiệm âm tính không quá 72 giờ và chỉ vì những lý do quan trọng, chẳng hạn công việc, học tập hoặc mục đích kinh doanh. Lý do này phải được đăng ký trên trang web của cảnh sát nước sở tại.

- Đức: Chính phủ Liên bang Đức đã xếp Hungary vào khu vực rủi ro từ tháng 11-2020. Trước chuyến đi, hành khách phải điền một đăng ký và sau khi nhập cảnh Đức phải cách ly tại nhà 10 ngày (có thể giảm xuống còn 5 ngày với kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19).

- Ý: Nhập cảnh Ý cũng cần xuất trình xét nghiệm PCR âm tính không quá 48 giờ. Ngoài ra, mặc dù đã có kết quả âm tính, hành khách tới Ý trước 6-1 vẫn bắt buộc phải cách ly.

- Slovakia: Chỉ có thể nhập cảnh với kết quả xét nghiệm âm tính không quá 72 giờ. Cơ quan chức năng Slovakia chỉ chấp nhận test RT-PCR được cấp bằng tiếng Anh, Đức, Czech hoặc Slovakia, tức là không chấp nhận kết quả kiểm tra bằng tiếng Hung.

Ghi chú:

(*) Tại Hungary, chính quyền quy định giá xét nghiệm PCR, không vượt quá 19.500 Forint.

(**) Trong đa số các trường hợp, các thông tin lãnh sự này chỉ ứng với người có quốc tịch Hungary. Công dân quốc gia thứ ba (ngoài Liên Âu), ví dụ Việt Nam, muốn biết chính xác các quy định nhập cảnh của từng nước EU, cần tham khảo thêm các nguồn khác.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh