Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHÔNG THỂ TRƯNG CẦU DÂN Ý ĐỂ “LẬT” ÔNG ORBÁN

(NCTG) Đó là nội dung quyết định của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hungary (NVB) vào trung tuần tháng 7 vừa qua, bác bỏ hai câu hỏi mà Phong trào Thời điểm (Momentum Mozgalom - MM) muốn đặt ra với dụng ý hiển nhiên là không để Thủ tướng Orbán Viktor có cơ hội làm người đứng đầu nội các lần thứ ba.
Thủ tướng Orbán Viktor trong một cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ - Ảnh: Julien Warnand (MTI)
Cả hai câu hỏi của tổ chức đối lập “mới nổi này đều nhằm vào việc, bằng công cụ của pháp luật, không để bất cứ chính khách nào được trở thành thủ tướng tới lần thứ ba. Nếu được NVB chứng thực để thành nội dung của một cuộc trưng cầu dân ý, thì có thể nó có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn.

Bởi lẽ, các đảng phái chính trị tại Hungary từ nhiều năm nay không tạo được sự cân bằng chính trị thực sự đối với liên minh cầm quyền cánh hữu, đứng đầu là Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, và không có mấy hy vọng có thể chiến thắng được ông Orbán Viktor trong kỳ bầu cử vào năm tới.

Dó đó, một cuộc trưng cầu dân ý với nội dung như trên có thể tạo nên một biến chuyển ngoạn mục, và có thể được một bộ phận đáng kể trong giới cử trư ủng hộ, theo nhận định của mạng tin index.hu. Thành côn của nó cũng có thể tạo nên một cục diện mới trong nội bộ đảng cầm quyền FIDESZ.

Tuy nhiên, khi được đệ lên Ủy ban Bầu cử Quốc gia, cơ quan này đã bác bỏ cả hai câu hỏi, cho rằng nó nhằm vào việc thay đổi Hiến pháp và đây là điều không được phép. Quyết định của NVB về sau đã được Tòa án Tối cao Hungary phê chuẩn, và không còn khả năng kiện cáo lên cấp cao hơn nữa.

Phán quyết của Tòa nhận định rằng, việc không cho phép một cá nhân được làm thủ tướng nếu trước đó đã hai lần giữ cương vị này là xa lạ với hệ thống nghị viện của Hungary, vì nó hạn chế khả năng đứng đầu nội các của một chính khách ngay cả khi chính đảng đề cử cá nhân này chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Một sự hạn chế như vậy làm thay đổi thực tế hoạt động của cơ quan hành pháp, làm biến đổi mối quan hệ giữa lập pháp, tổng thống và nội các, nghĩa là ảnh hưởng tới nguyên tắc hoạt động của hình thái chính phủ hợp hiến, dẫn tới sự thay đổi Hiến pháp, và đó là  điều một cuộc trưng cầu dân ý không được phép.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu