KHI NGƯỜI DÂN CHIẾN THẮNG QUỐC GIA
- Thứ năm - 15/01/2004 21:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg
"La làng" - đem những oan ức thực sự hay chủ quan của mình ra trước "cửa công" của Cộng đồng Châu Âu - không phải là chuyện hiếm hoi đối với người dân Hung. Theo thông lệ, nếu một cư dân châu Âu cảm thấy mình bị đối xử oan ức tại quê hương và ở đó, mọi khả năng luật pháp đã được tận dụng triệt để mà vẫn không mang lại kết quả khả dĩ, thì còn một lối thoát khá hứa hẹn: cánh cổng Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg. Ở Hung, không ít người đã khởi kiện chính tổ quốc mình tại Tòa án Strasbourg, và điểm đáng lưu ý là trong những trường hợp đó, nếu bị thua kiện, nhà nước Hung vẫn vui vẻ móc hầu bao trả tiền bồi thường, chứ không hề có ý buốc tội các "con dân" của mình là "phản quốc", như chúng ta có thể nghĩ.
Sự việc lần này cũng diễn ra như vâỵ Trường hợp thứ nhất, Hungary bị phạt 4.700 EUR vì đã "vi phạm Điều thứ 3 của Công ước Nhân quyền Châu Âu về cấm tra tấn và cấm đối xử tàn tệ với công dân", khi cơ quan điều tra xứ này đã không làm ăn đến nơi đến chốn trước vụ việc của anh Kmetty Ágoston. Cụ thể, anh Kmetty bị cảnh sát Hung bắt giữ tháng Chạp 1998 khi ai đó dọa đặt bom, và anh này đã không chịu hợp tác với cơ quan an ninh Hung. Theo khẳng định của "đương sự", anh ta đã bị cảnh sát ngược đãi và bị giam giữ nhiều tiếng liền một cách nhục nhã. Kmetty đệ đơn tố giác giới cảnh sát, kèm theo giấy chứng nhận bác sĩ về các vết thương ở cổ tay, thành bụng và khóe mắt. Tuy nhiên, tòa án Hung nhanh chóng chấm dứt cuộc điều tra và coi như không có gì xảy ra.
Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg cho rằng dù kết quả xét nghiệm không chứng tỏ một cách rõ ràng và xác quyết rằng những vết thương của nguyên đơn là do hành vi bạo hành quá trớn của cảnh sát gây ra, nhưng nhà đương cục Hung cũng có lỗi vì họ đã không làm tất cả để điều tra mọi ngõ ngách của sự việc, chẳng hạn họ không hỏi cung các cảnh sát có liên quan trong vụ nàỵ Vì vậy, sau khi lên tiếng phê phán Hungary về tội "tắc trách", Tòa án Strasbourg tuyên phạt nước này 4.700 EUR (khoản tiền bồi hoàn cho anh Kmetty).
Cộng hòa Hungary cũng phải móc hầu bao để trả 4.500 EUR cho một công dân khác tên là Sesztakov Rezso vì vụ ly dị của anh này đã kéo dài 8 năm mà chưa có phán quyết từ phía tư pháp Hung. Theo Tòa án Nhân quyền Strasbourg, mọi công dân đều có "quyền được xét xử trong một thời hạn hợp lý" và trong trường hợp này, quyền đó đã bị nhà nước Hung vi phạm.
Cần biết thêm rằng để đảm bảo tính bình đẳng, nước Hung có quyền khiếu nại các quyết định trên của Tòa án Strasbourg (được đưa ra bởi một tiểu ban gồm 7 quan tòa), một khi Hungary cảm thấy bị "oan ức". Theo thông lệ, hai bên nguyên và bị có 3 tháng để suy ngẫm và bàn bạc, thỏa thuận xem họ có chấp nhận được phán quyết của Tòa án Strasbourg hay không. Nếu một trong hai bên muốn kháng án, một nhóm gồm 5 quan tòa ở Strasbourg sẽ xem xét đơn này.
Tuy nhiên, trong 2 trường hợp nhắc đến ở trên, trong thực tế, có thể cầm chắc là Hung sẽ "ngậm bồ hòn làm ngọt" và lẳng lặng trả tiền phạt. Một quan chức thuộc Vụ Nhân quyền (trực thuộc Bộ Tư pháp Hung) cho biết: Cộng hòa Hungary chỉ đệ đơn lên mức cao nhất để kháng án, nếu bản án đưa ra với nước này quá thiệt thòi, có thể khiến Hung mất uy tín trầm trọng trên trường quốc tế và có thể kèm theo những hậu quả không lường trước. Khi đó, một "đại bồi thẩm đoàn" gồm 17 quan tòa (thuộc Tòa án Strasbourg) sẽ xét lại đơn của nước Hung. Ngoài ra, thông thường, Hung chấp nhận trả cho các "thần dân" của mình những khoản tiền nho nhỏ, cốt sao... cho xong chuyện. Thời hạn để trả tiền là 3 tháng sau phán quyết có hiệu lực và Bộ Tài chính Hung sẽ là cơ quan có phận sự móc túi chi trả.
Ý thức được về quyền hạn của mình trước nhà cầm quyền, thời gian gần đây, công dân Hung khá hay khởi kiện chính tổ quốc mình tại Tòa án Nhân quyền Strasbourg. Trong nhiều trường hợp, họ đã thắng kiện: lắm khi, số tiền bồi hoàn không phải là thật quan trọng, có người bằng lòng với... 1 đồng Forint tiền bồi thường, nhưng tự hào là đã chiến thắng cả một quốc gia. Không ít người coi đây là sự chiến thắng của ý thức công dân và ý thức pháp luật, trong một xã hội pháp quyền mới thực sự phát triển từ một thập niên rưỡi nay.
Có điều hình như ít ai để ý rằng, dù có thua cuộc, nhưng số tiền mà nhà nước Hung bồi hoàn cho công dân của mình, không phải từ đâu xa lạ, mà chính là được trích từ... những đồng tiền sưu cao thuế nặng mà cư dân phải đóng định kỳ. Như vậy, bao giờ chính quyền cũng... nắm đằng chuôi!