Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KẾT BẠN HUNG Ở VŨNG TÀU

(NCTG) Được biết có đoàn Hungary tham gia Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Thế giới 2010 tổ chức tại Vũng Tàu, tôi nghĩ ngay đến việc làm quen kết bạn. Đã từng sống và học tập ở Hung, tất cả những gì liên quan đến Hung đối với tôi luôn luôn là thân thiết.

Khung gian hàng của Hungary tại Lễ hội Ẩm thực Quốc tế (Vũng Tàu, tháng 7-2010) - Ảnh: “Diễn đàn Doanh nghiệp”

Ba mươi bốn năm kể từ khi về nước, tôi chỉ dăm ba lần gặp người Hung, toàn là những cuộc gặp cơ hội, chớp nhoáng với những người khách du lịch tắm biển sáng đi chiều về, chỉ chào hỏi, chuyện trò qua lại vài phút, chưa thể gọi là làm quen. Còn bây giờ, được biết trước sự hiên diện của họ, lại có thời gian cả tuần lễ, tại sao không thể làm quen?

Vì đau chân, không thể di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào khác ngoài xích lô và taxi, mà taxi thì nghe nói họ không cho vào khu vực Lễ hội, tôi bèn nghĩ đến chuyện viết thư, nhờ Thùy Dung và Thùy Trâm, hai cô con gái là phóng viên Truyền hình đang tác nghiệp ở Lễ hội đem đến và đưa cho bất kỳ một người Hung nào gặp đầu tiên.

Lá thư làm quen chỉ hơn chục dòng, tôi phải viết hết gần một buổi. Từ ngữ rơi rụng, hành văn lúng túng, lủng củng... Không biết đã bao nhiêu lâu rồi tôi không dùng tiếng Hung để làm gì, ngoài hát những bài hát Hung mà tôi yêu thích.

Lá thư gửi đi, ngay buổi chiều đã có hồi âm. Thùy Trâm chụp tấm hình một phụ nữ Hungary trẻ, xinh đẹp, có nụ cười tươi tắn, thân thiện, tên là Tünde. Ngay lập tức, tôi nghĩ đến chữ Tündér, nhưng phải tìm cách xác minh có đúng Tündér là nàng tiên xinh đẹp hay còn nghĩa gì khác nữa, trước khi đưa sự so sánh này vào thư trả lời.

Lá thư của Tünde làm cả nhà tôi vui thích, nhất là bà xã, một người yêu mến nước Hung qua những câu chuyện kể về những kỷ niệm của tôi. Cả nhà quyết định tìm cách đưa tôi đến Lễ hội, và tôi cũng quyết khắc phục khó khăn để đi. Nói tiếng Hung có khó hơn viết bằng tiếng Hung, nhưng Tünde biết tiếng Anh, và Thùy Trâm nói tiếng Anh cũng khá, sẽ là trợ thủ cho tôi khi cần thiết.

Chúng tôi đến Lễ hội. Không như tôi hình dung, các gian hàng chỉ là những kiosk nhỏ, không có bàn ăn, khách đến chỉ nhận thức ăn được chế biến từ một nơi nào khác - gần với người khỏe chân, xa với ông già đau thần kinh tọa - bỏ vào hộp xốp rồi thưởng thức đứng ở nơi nào đó tùy ý.

Đứng mà thưởng thức halászlé (món xúp cá truyền thống của Hungary, tôi được biết là chắc chắn có trong menu của đoàn Hung) thì không còn gì là thú vị. Nhưng phải đến 2 giờ chiều mới có đồ ăn. Thiếu nguyên liệu, thiếu này thiếu nọ tùm lum đủ thứ. Mọi người giờ này đang quay cuồng trong bếp. Chúng tôi ra về với mấy xiên thịt nướng với giá cắt cổ ở gian hàng Đức mà không gặp được Tünde.

Ngày bế mạc Lễ hội, Thùy Dung đề nghị tặng Tünde một món quà lưu niệm: một chiếc đèn ngủ làm bằng mọi thứ vỏ ốc biển, kèm theo tấm hình chụp Tünde và lá thư tạm biệt, hẹn ngày gặp lại trên đất nước Hungary. Thư và quà được đem ra, người nhận là một người đàn ông. Nhìn tấm hình, ông ta kêu lên bằng tiếng Anh: “Ồ, đây là vợ tôi”. Thế là chúng tôi biết thêm trong đoàn Hung dự Lễ hội, có một cặp vợ chồng.

Vậy là tạm biệt. Tôi và Tünde đều đã có địa chỉ e-mail của nhau. Sẽ có những bức thư củng cố thêm sự quen biết. Thế nhưng vẫn chưa hết. Chập tối hôm sau, nhà tôi có khách. Một tốp 4 ông Tây bà đầm đứng ngoài cổng, bà xã tôi ra, họ nói: “Hungary, Hungary”. Bà xã líu lưỡi vì bất ngờ, chỉ “hello, hello”, mở cổng mời họ vào. Tôi nhận ra ngay Tünde. “Jó estét. Tünde?” (Chào buổi tối, Tünde phải không?). “Igen, Tünde vagyok” (Vâng, tôi là Tünde). Và Tünde giới thiệu: “Còn đây là chồng tôi, đây là mẹ tôi, và đây là bố tôi”. Cả một gia đình.


Huỳnh Dũng, Huỳnh Diệu cùng Tünde và gia đình - Ảnh do tác giả cung cấp


Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết bằng cách nào mà họ cùng có mặt trong đoàn ẩm thực của nước Hung. Lúc đó không kịp hỏi, và cũng chưa cần phải hỏi. Họ tặng chúng tôi cuốn “Szivünk Hungarikumai”. Những câu đối thoại thăm hỏi vội vàng. Những câu nói vui: “Rất tiếc, chúng tôi không thể mang theo halászlé”. Người khác: “Cả cseresznyepalinka (rượu anh đào của Hungary) cũng không”. Tôi cười và hỏi thêm cho vui: “Và cả füstszűrős Symphonia (thuốc lá Symphonia đầu lọc) nữa chứ?”. Tất cả đều cười vui vẻ.

Bà xã tôi muốn mời khách bằng cà phê kêu ở quán cạnh nhà. Tôi thì nghĩ đến khui sâm-panh. Nhưng họ nói, họ rất vội, phải đi ngay. Thùy Trâm tranh thủ chụp được mấy tấm hình. Rồi những câu “viszontlátásra” (tạm biệt), “találkozunk Magyarországon” (hẹn gặp lại tại Hungary) bay theo chủ và khách ra tận cổng, nơi chiếc taxi đang đợi sẵn. Ngày hôm sau họ lên đường về nước. “Chỉ ngày kia là chúng tôi lại hiện diện ở nước Hung” - Tünde nói vậy lúc chia tay.

Từ đó đến nay đã mấy lần thư qua, thư lại. Giới thiệu về mình, về gia đình, về quê hương, xứ sở. Kellemes karácsonyt és BÚÉK! (Chúc Giáng sinh vui vẻ và Năm mới hạnh phúc) Chiếc đèn ngủ bằng vỏ ốc được chưng trong phòng ăn ở một panzió do vợ chồng Tünde làm chủ ở một thị trấn vùng núi Mátra. Cuốn “Szivünk Hungarikumai” được bày trong phòng khách của căn hộ nhà họ Huỳnh ở thành phố biển Vũng Tàu.

Tôi không biết Tünde bao nhiêu tuổi – tôi vẫn giữ được nguyên tắc không bao giờ hỏi tuổi phụ nữ - nhưng đoán rằng cô ta chỉ khoảng bằng Thùy Dung hoặc lớn hơn đôi chút. Tình bạn không phân biệt tuổi tác. Tünde là “người Hung bất kỳ” nhận thư làm quen kết bạn của tôi, đương nhiên là bạn, người bạn tạm biệt tôi cuối mỗi lá thư với “baráti öleséssel” (ôm hôn thân ái).

Và trong lịch trình chuyến về thăm Hungary không biết bao giờ mới có của tôi, chắc chắn có thêm điểm đến: Nagykémény Fogadó, Mátraszentlászló, Julianus Barát út (Nhà khách Nagykémény, vùng Mátraszentlászló, đường Julianus Barát).

(*) Tác giả là cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE, Hungary) thời kỳ 1970-1976, từng làm báo, phát thanh, truyền hình... cho đến khi nghỉ hưu.

Những đoạn chú thích để trong ngoặc đơn là của NCTG.

Tác giả bài viết: Huỳnh Dũng, Vũng Tàu, tháng 1-2011