Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Hồ sơ truyền thông Hungary: CUỘC CHIẾN VẪN TIẾP DIỄN

Cuộc biểu tình dân sự lớn nhất kể từ khi Hungary thay đổi thể chế đã diễn ra trong tinh thần bảo vệ tự do ngôn luận, tự do báo chí vào ngày 15-3 vừa qua, trong khi chính phủ Hungary vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình, rằng họ không thể để bất cứ áp lực bên ngoài nào áp đặt lên những quyết sách của mình.

50-60 ngàn người biểu tình đòi tự do báo chí tại đường Báo chí Tự do (Budapest)

Được ước tính là có tới 50-60 ngàn người tham dự, dưới sự tổ chức của nhóm dân sự mang tên “Một triệu người vì quyền tự do báo chí” trên mạng xã hội Facebook, đây là cuộc tuần hành thứ ba của nhóm này kể từ khi Hungary thông qua Đạo luật Truyền thông bị coi là bóp nghẹt tự do báo chí vào cuối tháng 12 năm ngoái.

“Điều kiện tiên quyết cho mọi quyền tự do khác”

Đó là nhận định về tự do báo chí của triết gia nổi tiếng Haller Ágnes, một học giả Hungary rất có uy tín ở ngoại quốc. Bà là một trong những nhân sĩ đã tham gia nhắn gửi các thông điệp cổ vũ tự do ngôn luận, tự do cho giới truyền thông qua các bài phỏng vấn ngắn, các videoclip, mà Ban tổ chức biểu tình đã đưa lên trang chủ của họ.

Đã tổ chức thành công 2 cuộc biểu tình vào tháng Giêng năm nay, nhóm “Một triệu người vì quyền tự do báo chí” quyết định chọn thời điểm cho cuộc biểu tình thứ ba đúng vào dịp kỷ niệm cuộc cách mạng dân chủ 1848 - một trong ba Quốc khánh của Hungary - một sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi thi hào Petőfi Sándor và những đòi hỏi về tự do ngôn luận, xóa bỏ kiểm duyệt... của giới trẻ trí thức đương thời.

Biểu tượng của cuộc biểu tình là tấm poster có hình của nhà thơ bị bịt miệng, và tính chất dân sự của phong trào này thể hiện ở chỗ nó vẫn tiếp tục không dành chỗ cho các đảng phái, cho các chính khách, mà đơn thuần chỉ quy tụ giới trí thức, cư dân và tất cả những ai bức xúc với Đạo luật Truyền thông. Cũng trên tinh thần kêu gọi tự do, Ban tổ chức còn làm sẵn những tấm bảng, biển trống, để người biểu tình có thể tự ghi những ý nguyện, yêu cầu mà họ muốn.

Những người biểu tình không bằng lòng với việc chính phủ Hung chỉ chịu nhượng bộ trước sức ép của Châu Âu và sửa vài điểm trong đạo luật, bởi lẽ sự độc lập về mặt chính trị của cơ quan quản lý báo chí vẫn không được đảm bảo.


Thi hào Petőfi Sándor cũng bị bịt miệng một cách hình tượng

Đáng chú ý là sự tham dự của Adam Michnik, một tượng đài của phe đối lập dân chủ Ba Lan thời trước 1990, hiện là TBT tờ nhật báo lớn nhất của Ba Lan “Gazeta Wyborcza”. Trong bài phát biểu được tiếp nhận bằng những tràng vỗ tay không ngớt, ông đã đưa ra một số so sánh về tình hình hiện tại với ba biến cố trọng đạo trong lịch sử Hungary: cách mạng 1848, cách mạng 1956 và sự thay đổi thể chế năm 1989, để rồi rút ra kết luận: “Chính chúng ta đã kiến tạo thế giới tự do cho chúng ta!”.

Adam Michnik bày tỏ niềm tự hào về những thành quả dân chủ mà các quốc gia Đông - Trung Âu đã đạt được trong 22 năm qua, nhưng ông nhấn mạnh rằng vẫn phải lo ngại trước những tư tưởng toàn trị, mỵ dân mà trong đó, sự an nguy của tự do báo chí được ông cho là “vô cùng quan trọng”. Bởi lẽ, Adam Michnik cho rằng sau Romania, Ukraine, Slovakia, Ba Lan, đến lượt Hungary cho thấy tự do báo chí đang gặp phải những đe dọa

Nhắc đến cuộc gặp mặt với Thủ tướng Hungary Orbán Viktor, người mà ông coi như một đồng nghiệp trong cuộc đấu tranh dân chủ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, Adam Michnik gửi một thông điệp đến người đứng đầu nội các Hungary: “Không thể nói đến tự do trong một quốc gia mà quyền tự do sáng tạo đang gặp nguy hiểm. Ai hủy diệt tự do truyền thông, kẻ đó hủy diệt nền dân chủ và đây là con đường dẫn đến độc tài”.

Trên tinh thần “cần bảo vệ quyền tự do mà chúng ta đã có được một cách khó khăn” mà ký giả kỳ cựu Ba Lan kêu gọi, các diễn giả Hungary cũng bày tỏ những bất bình trước Đạo luật Truyền thông mới, mà họ cho là “chuỗi tấn công được phối hợp chưa từng thấy trong hai thập niên qua nhằm vào định chế cộng hòa”.


Adam Michnik tại Budapest

Ông Istvánffy András, đại diện phong trào “Đệ tứ Cộng hòa” chủ trương “tự do, cộng đồng và ái quốc” cho rằng, “dân chủ không phải là đối thoại giả hiệu, mà là phải tranh luận thực sự. Dân chủ phải là sự đa dạng của quan điểm, ý kiến, chứ không phải thông tin được định hướng từ trung ương”. Một diễn giả khác thì thổ lộ quan điểm của cư dân: “Nếu không ai đại diện cho chúng ta, chúng ta phải đại diện cho chính mình!”.

Được tổ chức ngay trên con đường mang tên Tự do báo chí (Szabad sajtó út), cuộc biểu tình đã thu hút được 50-60 ngàn người tham dự vào lúc đông nhất. Đồng thời, tại một số tỉnh, thành của Hungary, cũng như ở Frankfurt, Berlin, New York, Bucharest cũng đã có những cuộc tuần hành để chia sẻ và bày tỏ sự đoàn kết với ý nguyện đòi tự do báo chí.

Chính phủ Hungary: tự hào về nỗ lực độc lập

Tuy nhiên, ngay tại Hungary, công luận cũng vẫn bị chia rẽ trong vấn đề tự do báo chí và trong sự đánh giá về chính phủ mới của Liên đoàn Thanh niên dân chủ FIDESZ, đảng chiếm tới hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội Hungary và trong thực tế, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, kể cả việc đơn phương sửa đổi Hiến pháp.

Từ nhiều năm nay, Quốc khánh 15-3 là thời điểm đụng độ giữa phe đối lập và chính phủ, là lúc các chính khách bị ném trứng, cà chua..., bị la ó khi phát biểu, cảnh sát phải dàn hàng để giữ trật tự ngoài phố, thì trong năm nay, mọi thứ đã diễn ra trong hòa bình. Rất đông người đến dự và vỗ tay các chính khách thượng đỉnh khi họ phát biểu và hưởng ứng Thủ tướng Orbán Viktor, khi ông tuyên bố Budapest sẽ không để Bruxelles ra lệnh, bởi lẽ trước đây Hungary cũng đã từng “bất tuân” trước Moscow và Vienna.


Thủ tướng Orbán Viktor cũng được nhiều người hưởng ứng

Trong bài phát biểu nhân dịp lễ, người đứng đầu chính phủ Hungary đã tỏ ra rất lão luyện trong “quan hệ công chúng” khi ông coi áp lực của Liên hiệp Châu Âu đối với Hungary trong hồ sơ Đạo luật Truyền thông như một thứ sức ép mà Hungary từng phải chịu, khi nước này còn dưới ách thống trị của Áo, cũng như là một thành viên khối XHCN ở Đông Âu. Để rồi, khi liệt kê những thành quả của chính phủ, ông đã “trả miếng” với EU khi cho rằng nội các Hungary đã “bảo vệ đất nước khởi những cuộc tấn công bẩn thỉu tại EU”.

Nước Đức, quốc gia đã lên tiếng phê phán Hungary nặng nền nhất trong hồ sơ tự do báo chí, cũng nhận được lời đả kích từ ông Orbán, khi thủ tướng Hungary khẳng định: không hề có một người Hungary nào trong số những cha đẻ của CNCS và chủ nghĩa phát-xít, hai thể chế độc tài toàn trị thế kỷ XX, vì thế, các dân tộc có liên quan đừng có “mở miệng” bài bác Hungary.

Phát biểu của Thủ tướng Orbán Viktor đã nhận được những tràng vỗ tay vang dội, cho thấy, tâm trạng của người dân một xứ sở từng được coi là “ngọn cờ đầu” ở Đông Âu trong biến chuyển dân chủ 1989 cũng không đơn giản và đồng nhất. Sau những thập niên dưới chế độ cộng sản, nếu một thời, khẩu hiệu “trở về mái nhà chung Châu Âu” - đi kèm với những ước nguyện về tự do, dân chủ, bình đẳng và ấm no - còn làm nức lòng người dân, thì đến giờ, tâm thức ấy đã trở nên mờ nhạt rất nhiều.

Cư dân Hungary phải trực diện với một thực tế là cuộc sống trong EU cũng không phải toàn hoa hồng như họ từng nghĩ, những khó khăn vẫn tiếp nối, và không ít người cho rằng EU đã can thiệp vào đời sống kinh tế, chính trị của các quốc gia thành viên cũng không khác gì điện Kremlin đã làm trước đây. Một số chính đảng cánh hữu, thậm chí cực hữu đã khéo léo sử dụng chiêu bài ái quốc, độc lập dân tộc - thoạt tiên là để làm đối trọng trước các tập đoàn kinh tế Phương Tây, và sau đó đến EU nói chung - để lấy lòng dân trong các cuộc vận động.

Lợi ích kinh tế trong ván bài về tự do truyền thông

Theo nhận định của một nhà ngoại giao, cuộc chiến giữa Hungary và EU trong hồ sơ tự do báo chí thực chất cũng mang khía cạnh kinh tế, khi đôi bên đều muốn đạt được một số lợi ích kinh tế tại Hungary. Điều này được thể hiện ở chỗ song song với câu chuyện về Đạo luật Truyền thông, thoạt đầu, các tập đoàn kinh tế, thương mại lớn của Châu Âu cũng đưa vấn đề chính phủ Hungary phân biệt đối xử và gây khó dễ cho họ lên EU và giới phân tích cho rằng, tất cả đều nằm trong một hồ sơ chung về lợi ích kinh tế.


Ông Martin Schulz, chủ tịch nhóm dân biểu Đảng Xã hội Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu, một trong những đối thủ “không đội trời chung” của Chính phủ Hungary trong hồ sơ Đạo luật Truyền thông, người vừa được trao giải Báo chí Tự do tại Budapest

Cũng có thể thấy khía cạnh này trong cuộc đua giữa Ủy ban Châu Âu và Chính phủ Hungary, khi hai bên đều “làm căng” nhau trước công luận, nhưng rồi cả hai bên đều biết điểm dừng và khả năng của mình, để có được thỏa thuận trong vấn đề Đạo luật Truyền thông. Trong khi, ai cũng thấy rằng, với 4 điểm mà Ủy ban Châu Âu đề xuất sửa đổi và Chính phủ Hungary đã chấp thuận, thì bản chất của đạo luật này vẫn không thay đổi nhiều.

Nhóm “Một triệu người vì quyền tự do báo chí ” đã nhắc tới ở trên cũng nhận ra bản chất ấy của “cuộc chơi” - đó là sự mặc cả với EU, sự thỏa thuận đặt trên cơ sở các yếu tố thị trường - khi họ quyết định tiếp tục “đi đến cùng” với những cuộc biểu tình vì theo họ, “không thể làm một đạo luật quản lý truyền thông hợp thức mà bỏ qua công luận”. Mà theo họ, phải đưa Đạo luật Truyền thông ra thảo luận công khai, với sự tham gia của các tổ chức chuyên môn, các cơ quan bảo vệ nhân quyền và dân quyền, cùng đại diện công luận Hungary.

Đáng chú ý là ngay trong “nội bộ” EU, sự thỏa hiệp của Ủy ban Châu Âu với Chính phủ Hungary trong hồ sơ truyền thông cũng đã bị phê phán. Trong quyết định thể hiện quan điểm của Nghị viện Châu Âu, được thông qua với 316 phiếu thuận, 264 phiếu chống và 33 phiếu trắng vào ngày 10-3 vừa qua, không chỉ Chính phủ Hungary, mà Ủy ban Châu Âu cũng bị khiển trách vì đã không làm tròn bổn phận kiểm tra và giám sát trong vấn đề đa nguyên và quản lý truyền thông của một quốc gia thành viên.

Không chỉ phản ánh mối quan hệ khá thú vị trong các ngạch lập pháp và hành pháp của EU, quyết định này của Nghị viện Châu Âu còn cho thấy, cho dù không có hậu quả về mặt luật pháp, nhưng Hungary cũng sẽ phải chịu hậu quả về chính trị cho những quyết sách mà chính phủ nước này coi là “công việc nội bộ” của họ.

Một thất bại lớn đối với ông Orbán Viktor là một số dân biểu thuộc nhóm nghị viên Đảng Nhân dân Châu Âu - quy tụ các đảng cánh hữu theo hướng Thiên Chúa giáo bảo thủ, mà FIDESZ là thành viên trụ cột - cũng đã bỏ phiếu thuận thông qua quyết định trên, kêu gọi Chính phủ Hungary “tái thiết lập tự do báo chí và rút lại Đạo luật Truyền thông”.

Trên cương vị Chủ tịch Luận phiên EU, đây là một đòn nặng giáng vào Chính phủ Hungary, vì nó đã đi vào thực chất của vấn đề: làm sao để giữ được sự độc lập về chính trị và tài chính của truyền thông (điều mà Đạo luật Truyền thông đã “khai tử” ở Hungary), và để những thuật ngữ luật phải được diễn giải một cách thật chính xác, dễ hiểu, chớ để giới ký giả không biết được khi nào họ phạm luật và như thế, tự kiểm duyệt mọi suy nghĩ “trái chiều” của mình.

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest - Ảnh: Móricz Simon (“Tự do Nhân dân”)