Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: XỨ SỞ HÀNG MÃ!

(NCTG) Tuần cuối tháng 11 vừa rồi, hầu như các báo giấy và điện tử Hungary đều đưa tin với tựa đề buồn bã: “Chúng ta đã trở thành một xứ sở hàng mã!”, sau khi cơ quan đánh giá khả năng tín nhiệm Moody's liệt Hungary vào hàng những quốc gia không nên đầu tư, sau 15 năm nằm trong danh sách những địa chỉ tin cậy của đầu tư ngoại quốc.

Minh họa: Internet

Cho dù không quá bất ngờ vì khả năng tụt hạng của Hungary đã được chính giới và giới doanh nhân nước này tính đến từ trước, nhưng với động thái mới này, Hungary tiếp tục đi thêm một bước nữa trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, và có khả năng trở thành một “Hy Lạp thứ hai” như phán đoán của nhiều chuyên gia.

Theo lý giải của Moody's, càng ngày càng không có gì chắc chắn là Hungary có khả năng thực hiện những mục tiêu trung hạn trong việc củng cố ngân sách quốc gia và thiết giảm nợ công, đặc biệt là trong tình cảnh viễn ảnh tăng trưởng của đất nước ngày một giảm. Mức độ nhạy cảm của Hungary đối với những rủi ro xuất phát từ khoản nợ công cũng gia tăng, và đa phần phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, trong khi, nhu cầu tài chính là cao.

Moody's cho rằng cho dù chính phủ Hungary can kết từ nay cho đến năm 2018 sẽ giảm 50% khoản nợ công (tỉ lệ với tổng sản phẩm nội địa GDP), nhưng chiến lược phát triển kinh tế tầm trung hạn của nước này là không rõ ràng và những biện pháp mang tính nhất thời không giúp ích được gì trong việc giữ khoản nợ quốc gia ở tầm vừa phải, xét về dài hạn.

Với tình trạng nền kinh tế phát triển chậm chạp như hiện tại, cũng giống như Ủy ban Châu Âu, Moody's tỏ ra hoài nghi, rằng làm sao Hungary có thể thực hiện mục tiêu đặt ra trong năm 2012 và 2013, là để mức thâm hút ngân sách chỉ dừng lại ở mức 2,5% và 2,2% GDP. Cần biết là trong năm nay, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Hungary là 1,5% và sang năm, dự kiến chỉ là 0,5%.

Những vấn đề về cơ cấu nền kinh tế Hungary, như tỉ lệ thất nghiệp cao, càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn, các đối tác thương mại đáng kể nhất của Hungary, điển hình là CHLB Ðức, cũng gặp khó khăn trong kinh tế.

Bên cạnh đó, những biện pháp của chính phủ Hungary liên quan tới những khoản nợ tín dụng - được đưa ra nhằm trấn an cư dân, nhưng lại ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng - cũng bị coi là làm thuyên giảm khả năng tín dụng của các nhà băng.

Việc Hungary bị hạ điểm tín nhiệm, cho dù không quá đột ngột, nhưng vẫn đem lại những hậu quả khó chịu cho nước này. Nhất là, cùng với Moody's, hai cơ sở đánh giá khả năng tín nhiệm khác là Fitch và S&P cũng đặt khả năng sẽ hạ bậc Hungary trong bảng phân loại của họ.

Tuy nhiên, dù chính phủ Hungary luôn tỏ ra có ý chí “độc lập tự cường” trước những tổ chức tài chính quốc tế, có lẽ chính sự quan ngại về việc “tụt hạng” này mà Hungary đã nối lại những cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tiến tới sự hợp tác mới trong tương lai.

Ðây cũng là một sự thừa nhận bất đắc dĩ của chính quyền Hungary: cho dù nội các nước này cho rằng những khó khăn về kinh tế của đất nước xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế ngày một trầm trọng, nhưng trong thực tế, những nguyên nhân chủ yếu là trong nước.

Câu hỏi được đặt ra, trong trạng thái này, ai sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước? Thông thường, đứng sau các quốc gia “hàng mã” là những tổ chức quốc tế có đủ lực: sau Romania và Lettonia là IMF, sau Hy Lạp, Bồ Ðào Nha và Ireland là Ngân hàng Trung ương Châu Âu, v.v...

Trong trường hợp Hungary, nước này vẫn hy vọng vào việc Trung Quốc sẽ mua 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ Hungary, như lời hứa trong chuyến công du Budapest của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào mùa hè năm nay...

Tác giả bài viết: Trần Lê