Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY XÂY LẠI TƯỢNG ĐÀI TƯỞNG NHỚ NẠN NHÂN CNCS

(NCTG) Thay cho tượng đài cố thủ tướng Nagy Imre của cuộc cách mạng 1956 (đã bị dỡ và chuyển tới chân cầu Margit, ở góc quảng trường Jászai Mari), từ đầu tháng 11-2019 trở đi, khách vãng lai tới góc giao nhau của quảng trường Kossuth và quảng trường Liệt sĩ, sẽ thấy một tượng đài “lạ”.
Chủ tịch Quốc hội Kövér László trong buổi lễ cắt băng khánh thành tượng đài - Ảnh: MTI
Được gọi bằng cái tên Đài kỷ niệm Liệt sĩ Quốc gia (Nemzeti Vértanúk Emlékműve), tượng đài này vốn được khai trương vào ngày 18-3-1934 bởi Nhiếp chính vương Horthy Miklós của Vương quốc Hungary thời đó để tưởng niệm những nạn nhân của làn sóng “khủng bố đỏ” thời 1918-19.

Tượng đài là tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc Füredi Richárd và kiến trúc sư Kismarty-Lechner Jenő. Ngay từ khi được hoàn tất, nó đã gây ra nhiều tranh luận, bất đồng trong công luận Hungary về cách tưởng nhớ 300-600 nạn nhân của “khủng bố đỏ” do chính quyền CS Hung gây ra.
 
Tượng đài ban đầu - Ảnh: Kurucz Márton (Fortepa)
Tượng đài ban đầu - Ảnh: Kurucz Márton (Fortepa)

Nhìn ra Nhà Quốc hội, Đài kỷ niệm Liệt sĩ Quốc gia khá nặng nề với hình ảnh một quan tài đá nằm trên đỉnh một cây cột đá khổng lồ, dưới đó là một người đàn ông vạm vỡ (tượng trưng cho dân tộc Hung) chiến thắng một con rồng (hay chằn tinh, biểu tượng của chủ nghĩa Bôn-sê-vích).

Mặt kia của tượng đài, là một người phụ nữ, đầu đội chiếc “Vương miện Thiêng liêng” (Szent Korona) của các vị vua Hungary, biểu tượng cho nước Hung (Hungária). Có thể coi tượng đài là sự tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa CS - Bôn-sê-vích thời kỳ sơ khai 1918-19 tại Hungary.
 
Hiện tại
Hiện tại

Tháng 9-1945, tượng đài bị phá hủy trong làn sóng “giật tượng” sau Đệ nhị Thế chiến. Giờ đây, nó được dựng lại sau gần 75 năm, theo quyết định của Ủy ban phụ trách các Đài tưởng niệm Quốc gia có tầm quan trọng nổi bật ở Hung, mà người đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Kövér László.

Truyền thông Hung nhận xét, liên minh cầm quyền đã chiến thắng hoàn toàn trong việc tái dựng thời kỳ của Nhiếp chính vương Horthy Miklós - một chính khách theo xu hướng dân tộc mà sự nghiệp của ông còn để lại rất nhiều tranh cãi, không nhất quán - tại khu vực quanh Nhà Quốc hội.
 
Tượng đài mới
Tượng đài mới

Nhiều pho tượng, đài tưởng niệm cũ thời trước 1945 được dựng lại tại khu này, thay cho những tác phẩm kiến trúc thời CS, và được diễn giải, gán ghép những ý nghĩa mới phù hợp với quan điểm và sự tuyên truyền của nội các cánh hữu. Đài kỷ niệm Liệt sĩ Quốc gia là một trong số đó.

Trái với tượng của cố thủ tướng Nagy Imre được dựng năm 2006 và từng là nơi du khách hay tới chụp ảnh “tự sướng” cùng ông trên cây cầu hằn vết chiến xa mang tính tượng trưng, báo chí Hungary nhận xét rằng, sẽ không mấy ai làm thế với tượng đài mới được khai trương ngày 31-10.
 
Pho tượng cố thủ tướng Nagy Imre từng là nơi du khách đến thăm viếng và chụp ảnh cùng
Pho tượng cố thủ tướng Nagy Imre từng là nơi du khách đến thăm viếng và chụp ảnh cùng

Không chỉ tưởng nhớ các “tử đạo” (*) thời 1918-19, một cách tổng quát hơn theo cách nhìn của Quốc hội Hung, tượng đài còn “nhớ tới cả những nạn nhân bị sát hại, bị làm cho khốn đốn, tan nát, bị đày ải bởi những kẻ cộng sản lên nắm quyền nhờ vũ khí Liên Xô”, như lời đề trên bệ tượng.

(*) Trong tiếng Hungary, từ “vértanú” thường được dùng để chỉ những người chịu sự bách hại, tử đạo hay tuẫn giáo cho đức tin của mình.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh