Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY VÀ KHÔNG GIAN EURO

Mới đây thủ tướng Hungary Bajnai Gordon đã có một tuyên bố với báo giới trong nước và nước ngoài, rằng nước này đang có một quyết tâm hơn trước rất nhiều để gia nhập khối dùng đồng Euro trong thời gian sớm nhất, cho dù phải tiếp tục thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng.

Thủ tướng Bajnai Gordon

1. Một thời điểm khả dĩ được đưa ra là năm 2014, tức là trong nhiệm kỳ của một nội các mới sau cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 4 năm nay.

Nhận xét về mục tiêu hội nhập này, nhà tài phiệt gốc Hungary Soros György (Georg Soros) đã khẳng định trên tờ “Thời báo New York” (The New York Times) rằng thời điểm 2014 đối với Hungary là khả dĩ, và những biện pháp thành công để tái thiết nền kinh tế của Hungary có thể là tấm gương với Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào tháng trước ở Davos (Thụy Sĩ), ông Soros đã coi việc một đất nước phải cắt giảm một cách mạnh mẽ những khoản chi trong tình cảnh kinh tế suy sụp, là “điều rất khắc nghiệt”. Soros nhận thấy Hungary đã thực hiện điều đó một cách hiệu quả, khiến nền kinh tế Hungary được bình ổn trong thời gian nhanh khó ngờ, và do đó, ông lạc quan về sự gia nhập không gian Euro của nước này.

“Thời báo New York” cũng dẫn ý kiến của ông Darvas Zsolt, nhà kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Độc lập Bruegel (Bruxelles), theo đó, “Bajnai đã đưa Hungary theo con đường đúng đắn, và nội các của ông đã thực hiện một vài biện pháp cải cách thực thụ”.

Ông Darvas Zsolt cũng nhận xét thêm rằng nội các của Gordon không có nhiều lựa chọn vì những yêu cầu nghiêm ngặt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên hiệp Châu Âu cho gói cứu trợ 20 tỉ Euro mà nước này được nhận. Điểm son là thủ tướng Bajnai Gordon đã tìm cách tránh những lợi ích chính trị để tập trung vào chấn hưng kinh tế.

Ở đây, cũng cần nhắc đến vai trò cá nhân của thủ tướng Bajnai Gordon, vốn là một nhà kinh tế độc lập vô đảng phái, được đưa lên cương vị đứng đầu nội các vào mùa xuân năm ngoái với mục đích thay người tiền nhiệm Gyurcsány Ferenc đã gặp phải quá nhiều bê bối. Ngay từ khi nhậm chức, ông Bajnai đã khẳng định ông sẽ làm việc không lương trong đúng 1 năm để cứu vãn tình trạng tài chính và khủng hoảng chính trị tại Hungary, và sẽ ra đi trước kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới.

2. Cần nói thêm rằng ngay trong năm ngoái, tức là giữa những hoàn cảnh rất khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và Hungary thì đang trong trạng thái suy thoái về kinh tế, nội các của ông Bajnai Gordon vẫn có cái nhìn tương đối khả quan, khi họ cho rằng Hungary đang trên con đường để trở thành thành viên đầu tiên trong khu vực - trước Cộng hòa Czech và Ba Lan - gia nhập khối sử dụng đồng Euro.

Cuối năm ngoái, sau hơn nửa năm tại chức, thủ tướng Bajnai trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Neue Zürcher Zeitung” (Thụy Sĩ), đã cho rằng chính phủ nước này đang rất nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước, giải quyết những vấn đề thuộc về cơ cấu và thực hiện những biện pháp rất nghiêm ngặt trong việc dè sẻn thu chi.

Theo ông Bajnai, những biện pháp chế ngự khủng hoảng và chấn hưng kinh tế theo hướng thặt lưng buộc bụng của Hungary đã đem lại những thành quả ban đầu. “Không một nước nào ở Châu Âu điều chỉnh chi tiêu ngân sách quyết liệt như Hungary”, thủ tướng Hungary nhấn mạnh với tờ “Die Zeit” (Đức) vào trung tuần tháng 12-2009, cho dù, theo ông, các biện pháp liên quan đòi hỏi sự hy sinh đáng kể từ tất cả mọi người dân nước này.

Những nỗ lực của Hungary có thể khiến nước này, cho tới năm 2010, sẽ có mức thâm hụt ngân sách thấp thứ năm trong toàn khối Liên hiệp Châu Âu, sự tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại vào giữa năm nay và mức tăng trưởng thường niên sẽ đạt 3,5-4% trong những năm sau đó, với điều kiện các nền kinh tế Tây Âu trở lại bình thường.

Một vấn đề rất lớn mà chính phủ Hungary đã nỗ lực, nhưng họ vẫn coi là chưa đủ, là tăng tỉ lệ người lao động tại xứ sở này, hiện chỉ đạt mức 57%. Nội các Bajnai cho rằng từ năm 2001, chính trị Hungary đã từ bỏ con đường sáng suốt, để đặt cơ sở trên việc hứa hẹn suông nhằm giành phiếu của cử tri, đặc biệt là giới cử tri đã hồi hưu hoặc không có công ăn việc làm.

Đi kèm với những hứa hẹn đó, hệ thống an sinh xã hội của Hungary quá cồng kềnh, tốn kém và vượt quá khả năng mà lẽ ra nước này có thể cho phép cho mình. Giảm thiểu những khoản chi xã hội bất hợp lý theo hướng “vung tay quá trán”, nội các Bajnai tuy không được lòng dân, nhưng phần nào đã đưa nước Hungary và cử tri xứ này về với thực tại để tìm lối thoát.

3. Trước hiện tượng Hy Lạp, hiện đang lâm vào khủng hoảng kinh tế và tài chính lớn, chính giới Hungary cho rằng trong nỗ lực gia nhập khối sử dụng đồng Euro, Hungary đã vượt qua “trạng thái Hy Lạp” và đã thực hiện thành công những biện pháp chế ngự khủng hoảng cần thiết nhất.

Điều này dường như cũng phù hợp với nhận định của tổng giám đốc IMF trên nhật báo “Der Standard” (Áo), theo đó, ông Strauss-Kahn cho rằng “không phải mọi thứ đều đúng chuẩn ở Hungary, nhưng đất nước này đang đi trên con đường đúng đắn”, và Hungary đã vượt nhiều nước đang gặp những khó khăn gấp bội, như Latvia, Romania, Serbia, Belarus và Ukraine.

Thị trường đầu tư của Hungary được cho là đã được bình ổn và ít mạo hiểm hơn nhiều so với Hy Lạp. Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU trong năm 2010,  ông Bajnai Gordon tuyên bố rằng Hungary hiện tại đã đứng vào hàng những quốc gia có nền kinh tế - tài chính ổn định trong Liên hiệp Châu Âu.

Trong cuộc gặp mặt tuần trước với thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, ông Bajnai Gordon cũng khuyên người đồng nhiệm hãy đưa ra một gói điều chỉnh chi tiêu ngân sách theo hướng thật chặt chẽ, như hình mẫu Hungary. Thủ tướng Hungary cho rằng, ở những quốc gia như Hy Lạp hiện tại, đây là con đường duy nhất để tạo dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế của những đại cường tại Châu Âu, như Đức, Pháp và Hà Lan.

Tuy nhiên, ông Bajnai cũng ý thức được rằng, trước ví dụ Hy Lạp, Hungary phải đủ vững mạnh và độ cạnh tranh cần thiết để sau khi gia nhập không gian Euro, nước này khỏi rơi vào tình trạng khủng hoảng. Để làm được điều đó, những cải cách cơ cấu sẽ tiến hành trong những năm sau là rất quan trọng.

Ngoài ra, ông Bajnai cũng cho rằng trong những năm tới, Hungary phải đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững 4%, tức là cao hơn 2% so với mức trung bình của EU.

4. Mọi thăm dò dư luận đều cho thấy nội các xã hội sẽ phải ra đi sau kỳ bầu cử tháng 4 tới, nhường chỗ cho phe đối lập FIDESZ, được coi là theo hướng bảo thủ.

Có lẽ cũng tính toán đến hiện thực đó nên trong bài viết trên nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), thủ tướng Bajnai Gordon nhấn mạnh rằng, chế ngự khủng hoảng tại Hungary không phải chỉ tập trung cho kỳ bầu cử sắp tới, mà phải hướng tới cả thập kỷ sau. Do đó, khả năng gia nhập không gian Euro của Hungary chỉ có thể thực hiện được nếu nội các tiếp tới có đủ sự kiên trì và thông thái.

Thủ tướng Bajnai đưa ra những lý do xã hội và chính trị khiến các nội các trong vòng 1 thập niên gần đây của Hungary đã thất bại về kinh tế, ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính chưa diễn ra. Đó là, Hungary vẫn duy trì di sản phương Đông trong suy nghĩ, cho dù đã theo phương Tây trong các giá trị vật chất.

Ông Bajnai khẳng định: thoạt tiên là vào năm 2006 và quyết liệt hơn, vào năm 2009, những lực lượng nắm quyền tại Hungary đã đoạn tuyệt với sự dân túy trong thực tiễn chính trị, một chủ nghĩa khiến người dân nghĩ rằng họ đã được nhà nước lo đầy đủ cho mọi thứ, để rồi ngồi “thúc thủ”, co cụm và thiếu tin tưởng với bên ngoài, với những giá trị khác biệt.

Đây là lúc phải trở lại với thực tiễn và tiếp nối con đường đã đi, thì dù nội các nào lên nắm quyền đi nữa, Hungary sẽ vẫn đi đúng hướng, theo nhận định của thủ tướng Hungary Bajnai Gordon.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest