Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY VÀ ĐÔNG ÂU BÊN THỀM HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20

Trong khi Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London đang diễn ra trong cảnh "tứ bề thọ địch" giữa vòng vây của các đoàn người biểu tình thì có lẽ ở Budapest, tâm trạng bất an của cư dân Hungary còn lớn hơn thế vì tình trạng khủng hoảng chính trị, trong bối cảnh nền kinh tế nước này khó khăn hơn bao giờ hết trong vài thập niên trở lại đây.

G20 khai mạc trong cảnh tượng buồn bã của chính trị và tài chính thế giới

Tờ "Thời báo New York" (The New York Times) số ra ngày 2-4, trong một bài phân tích dài về những mối lo âu của Hungary, ví nước này như một thành trì trong cảnh bị phong tỏa và nhận định rằng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, Hungary không còn đường nào khác, ngoài những giải pháp đau lòng. Khẳng định này cũng trùng hợp với tuyên bố của ông Bajnai Gordon (41 tuổi), ứng viên thủ tướng của Liên minh cầm quyền gồm Đảng Xã hội MSZP và Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ, khi ông này cho rằng cho biết: chương trình chấn hưng dân tộc của ông sẽ ảnh hướng một cách đau đớn đến tất cả các gia đình Hungary vì tính "thắt lưng buộc bụng" ghê gớm của nó, nhưng không còn giải pháp nào khác!

Phải đồng tình với nhận định của ông Bokros Lajos, một chuyên gia kinh tế lớn của Hungary, từng giữ chức bộ trưởng Kinh tế, khi ông cho rằng trong tình trạng bất ổn về kinh tế và chính trị hiện tại, đồng Forint của Hungary sẽ tiếp tục mất giá, nước Hung ngày càng "tụt hậu" so với mặt bằng của Liên hiệp Châu Âu. Thậm chí, nếu nước này không thực hiện được những cam kết và điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì khả năng phá sản của cả một quốc gia vẫn còn lơ lửng!

Mà sự thực là trong năm 2009, đồng Forint của Hungary đã sụt giá khủng khiếp: giảm 19% so với đô-la Mỹ và 13% so với Euro, còn gói cứu trợ 25 tỉ USD của IMF thì bị coi là đã được sử dụng để chi trả những khoản nợ quốc gia, chứ không hề được dùng cho mục đích chế ngự cuộc khủng hoảng tài chính. Đến nỗi, cách đây vài tuần, khi một tin đồn được phao lên rằng chính phủ sẽ cho "đóng băng" các tài khoản trong ngân hàng, thì không ít cư dân đã rơi vào cảnh hoảng loạn.

Thực tế đã diễn ra đúng như lời ứng viên thủ tướng Bajnai Gordon: khi Hungary nhận được gói cứu trợ của IMF, "dân Hung nói rằng Hungary đã phải ngồi xuống chiếc ghế dành cho những kẻ phải cảm thấy hổ thẹn, nhưng đến giờ thì đã có quá nhiều kẻ ngồi trên ghế này, đến nỗi dần dần chúng ta rụng khỏi ghế".

*

Những vấn đề của Hungary mà "Thời báo New York" đề cập, cũng chính là những vấn đề chung trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, của khu vực Đông Âu và các nước vùng vịnh Baltic. Có thể thấy rõ điều này khi xem xét một số vấn đề tài chính của Hungary trong thời gian vừa rồi.

Đó là sự suy yếu của tập đoàn tài chính lớn nhất tại Hungary - ngân hàng OTP - khi cổ phiếu của tập đoàn này giảm 90% bởi những tác động bên ngoài, nhất là của giới tài phiệt đầu cơ - như Quỹ Soros - muốn kiếm lời trong cảnh kinh tế Hungary tan nát. Việc thủ tướng Hungary đột ngột từ chức khiến các nhà đầu tư ngoại quốc nghi ngờ việc chính phủ Hung có thể tiến hành những cải tổ quan trọng sống còn trong nền kinh tế, đã khiến OTP rơi vào cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.

Cho dù theo lời ông Csányi Sándor, chủ tịch HĐQT tập đoàn OTP, "Hungary không phải Island và OTP cũng không phải Citibank hay Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland)", và ngân hàng này đủ lớn để quốc tế phải cứu nó, nhưng rõ ràng là OTP cũng không thể yên tâm với hiện trạng của mình. Và đây cũng là tình cảnh điển hình của giới nhà băng Đông Âu và vùng Baltic: dựa vào nguồn vốn được mua rẻ của nước ngoài để chi trả cho sự phát triển của mình. Xét trên phương diện quốc gia, những nước muốn duy trì đời sống cao cho dân bằng những khoản tín dụng - như trường hợp Hungary - thực ra không có gì đáng bất ngờ khi lâm vào cảnh cận kề sự phá sản.

Cho dù những ngân hàng lớn có thể sẽ được cứu vãn bằng mọi giá, nhưng "thường dân thì có lẽ sẽ không được nhận được sự trì hoãn như thế", đó là nhận xét của "Thời báo New York", khi nhắc tới hàng triệu người không thể trả nổi những khoản nợ ngân hàng hàng tháng, và có thể mất nhà cửa, xe cộ... do mua chịu. Ông  Iványi György, chủ tịch Hiệp hội những nạn nhân của tín dụng ngân hàng Hungary, cho rằng “đây là trách nhiệm của các nhà băng, nhưng cũng đồng thời là của chính phủ, vì lẽ ra không thể chấp nhận cung cách cho vay tín dụng bừa bãi như thế".

Có điều, khi nhắc đến những mong đợi của Đông Âu và của các quốc gia Baltic đối với cộng đồng Châu Âu, có thể nhận ra một thực tế là cho dù kể từ khi CNCS sụp đổ, Châu Âu đã cùng "chung một bầu trời tự do duy nhất", nhưng Liên hiệp Châu Âu vẫn không thể trở thành 1 quốc gia và do đó, khủng hoảng kinh tế càng làm dấy lên chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải sự đồng thuận. Thiếu một sự thống nhất về chính trị, Ban lãnh đạo EU đang bối rối trước những biểu hiện khác nhau của khủng hoảng tài chính tại 27 quốc gia, và do đó, cái nhìn về tương lai của Hungray nói riêng, cũng như Cộng hòa Czech, Litvania... và các nước đang trải qua khủng hoảng chính trị nói chung, hiện tại còn khá bi quan và mờ mịt!

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn