Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY TRƯỚC KỲ BẦU CỬ QUỐC HỘI

Các đảng phái lớn của Hungary đã ráo riết bắt đầu chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, mà vòng 1 sẽ diễn ra vào ngày 11-4.

Chủ tịch FIDESZ Orbán Viktor rất tự tin vào chiến thắng áp đảo của đảng mình

Theo các thăm dò dư luận mới nhất của Viện Szonda Ipsos, đảng đối lập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) tự tin dẫn đầu, mặc dù đã mất chừng 5% phiếu bầu (đặc biệt là trong giới cử tri đã về hưu hoặc thất học) trong tháng qua.

Trong khi đó, Đảng Xã hội (MSZP) cầm quyền không có thêm lực lượng ủng hộ đáng kể, trong khi, đảng cực đoan JOBBIK tiếp tục thăng tiến.

Cụ thể, đảng FIDESZ chiếm thượng phong hầu như tuyệt đối với 58% phiếu, sau đó là Đảng xã hội 22% và đảng cực đoan JOBBIK 14%. Các đảng nhỏ khác, hiện đang có mặt trong Quốc hội, như Diễn đàn Dân chủ MDF chỉ được 2%, và Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ chỉ được 1%, tức là còn rất xa so với giới hạn 5% để lọt vào nghị trường.

*

Không chỉ Szonda Ipsos, mà các viên thăm dò dư luận khác cũng đưa ra những số liệu tương tự về khả năng chiến thắng của đảng đối lập FIDESZ. Đây có thể coi là sự trừng phạt của cử tri trước những yếu kém và sự mất lòng dân của nội các Xã hội.

Các chuyên gia chính trị học cho rằng, cử tri Hungary cho rằng Đảng Xã hội MSZP phải chịu trách nhiệm về việc đưa nước Hung đến bờ vực thẳm tài chính cách đây 16 tháng, khiến nước này phải nhận khoản cứu trợ kinh tế 20 tỉ Euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Quốc tế và Liên hiệp Châu Âu.

Cư dân Hungary còn bất bình với nội các nước này vì những sự giấu giếm về tình trạng tài chính trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm, dẫn tới việc người dân không được biết về hiện trạng nước mình trước khi rơi vào cảnh thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi phí hết sức hà khắc của chính phủ. Cho dù, theo giới chuyên môn, những biện pháp đó, đến giờ, đã bắt đầu có kết quả khả quan.

Là thành viên của EU từ năm 2004, Hungary từng đặt mục tiêu gia nhập khối dùng đồng Euro vào ngày 1-1 năm nay. Tuy nhiên, đến giờ, thời điểm đó được đẩy tới 2014 – năm ngoái, mức thâm hụt ngân sách của nước này là 3,9% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tức là tương đối gần với yêu cầu 3% đặt ra với các quốc gia muốn gia nhập khối dùng đồng Euro.

Thời gian qua, đồng Forint của Hungary đã khá được bình ổn so với Euro và giới chức nước này cho rằng, đã thấy những dấu hiệu lạc quan trên thị trường tài chính. Tuy vậy, thủ tướng đương nhiệm Bajnai Gordon cho rằng, sự thắt lưng buộc bụng của Hungary vẫn là cần thiết trong những năm tới, không phụ thuộc vào việc đảng nào chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

*

Trước một số phát biểu lạc quan như vậy, tâm trạng của đa số cư dân Hung vẫn không được cải thiện, trước cảnh thất nghiệp lan tràn (có thể lên tới 11%), sưu cao thuế nặng, nhiều khoản trợ cấp xã hội bị cắt giảm và tương lai dành cho người hưu trí rất mờ mịt. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đấu giữa các chính đảng lớn trong việc đưa ra những lời hứa với dân hưu trí đã trở thành một tâm điểm của chiến dịch bầu cử, tính đến nay.

Lãnh tụ đối lập Orbán Viktor, từng giữ cương vị thủ tướng thời kỳ 1998-2002, đã đưa ra những lời hứa lớn, như thiết lập 1 triệu chỗ làm cho người lao động trong vòng 10 năm, giảm thuế má một cách đáng kể, đưa chỉ số tăng trưởng từ -6,2% năm ngoái sang 0,3% trong năm 2010.

Tuy nhiên, trước mắt, chưa thấy ông Orbán đưa ra được lời lý giải rằng nếu đảng ông chiến thắng, thì nội các của ông sẽ làm thế nào để chấn hưng được nền kinh tế Hungary, vốn đang ọp ẹp, về trạng thái khả dĩ như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thông điệp đầu năm 2010, tổng thống Hungary Sólyom László đã phải kêu gọi các đảng phái hãy dè chừng khi đưa ra hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử, và đặc biệt, người dân “có trách nhiệm phải xem xét kỹ lưỡng sự xác tín của những lời hứa và những kẻ đã đưa ra lời hứa hẹn”, xem “những kẻ chưa cầm quyền có đủ khả năng thực hiện các khẩu hiệu của họ hay không”.

*

Bị một số nhà phân tích cho rằng Hungary có những điểm tương đồng với Hy Lạp, quốc gia đang lâm vào khủng hoảng kinh tế vài tài chính lớn, chính giới nước này đã phủ nhận điều đó và tuyên bố: Hungary đã thực hiện thành công những biện pháp chế ngự khủng hoảng cần thiết nhất.

Thị trường đầu tư của Hungary được cho là ổn định và ít mạo hiểm hơn nhiều so với Hy Lạp và theo tuyên bố của thủ tướng Bajnai Gordon trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU trong năm 2010, Hungary hiện tại đã đứng vào hàng những quốc gia có nền kinh tế - tài chính ổn định trong Liên hiệp Châu Âu, để chuẩn bị cho việc gia nhập khối dùng đồng Euro càng sớm càng tốt.

Về trường hợp Hy Lạp, ông Bajnai Gordon cho rằng, các thành viên EU phải hành xử theo nguyên tắc “một người vì mọi người - mọi người vì một người”, vì, cho dù từng nền kinh tế của mỗi nước hoạt động riêng biệt, nhưng trong nền kinh tế thế giới, EU vẫn được nhìn nhận và đánh giá như một khối chung với sức mạnh và hiệu quả chung.

Thủ tướng Hungary cũng nhận định: Hy Lạp phải đưa ra những biện pháp cắt giảm chi phí đau đớn, vì không còn cách nào khác, và những nỗ lực thắt lưng buộc bụng mà cư dân Hungary đã chịu đựng trong vòng một năm rưỡi qua - để bây giờ, đem lại một số thành quả trong sự bình ổn kinh tế - có thể là ví dụ tham khảo.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest