Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY THÔNG QUA TU CHÍNH HIẾN PHÁP LẦN THỨ TƯ, DƯ LUẬN DẬY SÓNG

Bất chấp những phản đối, quan ngại và cả can gián hết sức mạnh mẽ đến từ trong và ngoài nước, vào ngày 11-3 vừa qua, tận dụng lợi thế hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội, các dân biểu phe cầm quyền của Hungary đã phê chuẩn sửa đổi bản Hiến pháp mới với những điều khoản bị coi là làm thui chột, phá vỡ những thành tố cơ bản của nền dân chủ và thể chế Hiến pháp của quốc gia này.

Giới học sinh trung học biểu tình ngồi để cản đường các dân biểu khi Quốc hội Hungary chuẩn bị phê chuẩn tu chính pháp lần thứ tư, với khẩu hiệu “Tổ quốc chỉ có ở nơi có pháp luật” - Ảnh: Stiller Ákos (hvg.hu)


Nhắc lại, bản Hiến pháp mới của Hungary được liên minh cầm quyền cánh hữu thông qua vào mùa Phục sinh năm 2011 và có hiệu lực từ đầu năm 2012. Ngay từ khi chuẩn bị soạn thảo và trong quá trình phê chuẩn, phe đối lập đã tẩy chay vì cho rằng Hiến pháp mới chỉ là chỗ để phe chính phủ thực hiện những toan tính chính trị nhất thời nhằm bê-tông hóa quyền lực của họ. Bởi lẽ, họ có toàn quyền lập hiến - không cần đến sự đồng thuận của các chính đảng đối lập - do chiếm được tỉ lệ áp đảo trong Quốc hội.

Trong vòng chưa đầy một năm rưỡi, Hiến pháp mới đã được tu chính 4 lần trên giấy tờ (và 6 lần trong thực tế). Lần tu chính thứ tư này, theo quan điểm của các quan sát viên, cũng như theo ý kiến của Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu, đã làm vô hiệu hóa Tòa Bảo hiến, cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở mức tối thượng, một định chế dân chủ đã hoạt động hết sức hiệu quả trong vòng hơn hai thập niên qua, kể từ khi Hung thay đổi thể chế chính trị.

Nội dung lần tu chính thứ tư

Điểm nổi cộm nhất của lần sửa đổi Hiến pháp lần này là hàng loạt đạo luật, trước đây bị Tòa Bảo hiến đánh giá là vi hiến và hủy bỏ, thì nay được đưa trực tiếp vào Hiến pháp và do đó “lách” được sự giám sát của Tòa Bảo hiến. Có thể kể đến ở đây những đạo luật thuộc cái gọi là “Những điều khoản chuyển tiếp của Hiến pháp”, hàm chứa rất nhiều điểm bị coi là vi hiến, hoặc đáng tranh cãi, vốn đã bị Tòa Bảo hiến hủy bỏ, nay được đưa trọn vào Hiến pháp.

Một số vấn đề khác vốn không gây được sự đồng thuận trong xã hội và bị coi là mất dân chủ, cũng được trở thành một bộ phận của Hiến pháp. Liên quan tới giới sinh viên đại học, Hiến pháp buộc học sinh vay tín dụng nhà nước sau khi tốt nghiệp phải ở lại trong nước một thời gian dài để phục vụ, thông qua một hợp đồng giữa sinh viên và chính phủ. Quyền tự quyết và độc lập của các trường đại học cũng bị xóa bỏ.

Hiến pháp cũng hàm chứa một định nghĩa về gia đình vốn bị coi là vi hiến, theo đó gia đình là nơi sống chung của cặp vọ chồng, hoặc là nơi có mối quan hệ phụ huynh - con cái, và hôn nhân chỉ được diễn ra giữa một người nam và một người nữ. Như vậy, về nguyên tắc, hôn nhân đồng tính bị loại trừ. Hiến pháp cũng cho phép Quốc hội được quyền công nhân các giáo hội - đây từng là điểm mà Tòa Bảo hiến cho là vi hiến trong Đạo luật về các giáo hội, và đã xóa bỏ.

Ngoài ra, bằng việc đưa vào Hiến pháp điều khoản cấm vận động tranh cử trên các kênh truyền thông thương mại, và cấm những phát biểu gây hằn thù, chính quyền cũng “qua mặt” được Tòa Bảo hiến, khi hai nội dung trên từng bị coi là hạn chế quyền tự do thể hiện ý kiến, quan điểm. Bên cạnh đó, một sửa đổi cho phép phạt tiền và cấm người vô gia cư cư trú ngoài đường phố và nơi công cộng - đây cũng là điều từng bị Tòa Bảo hiến hủy bỏ vì bất hợp hiến, do vi phạm nhân quyền và nhân phẩm con người.

Gây bất bình cũng không kém trong công luận là những điều khoản tiếp tục hạn chế thẩm quyền của Tòa Bảo hiến bởi những lệnh cấm, chẳng hạn cấm Tòa được xem xét tính hợp hiến của những phần trong luật mà người đề xuất không đề nghị. Hiến pháp cấm Tòa Bảo hiến được viện dẫn những phán quyết đã ban hành trong vòng 23 năm qua, khi gặp trường hợp tương tự. Cuối cùng, Tòa Bảo hiến chỉ được phép xem xét Hiến pháp và các tu chính pháp trên góc độ trình tự pháp lý, chứ không phải về mặt nội dung.


Các dân biểu đối lập thuộc Đảng Xã hội Hungary (MSZP) tẩy chay, không tham gia biểu quyết, thay vào đó, một biểu ngữ phản đối sự độc đoán, quyên quyền được chăng ra - Ảnh: Túry Gergely (hvg.hu)


Như vậy, trên thực tế, Hiến pháp đã trở thành “vùng cấm địa” mà Tòa Bảo hiến không thể tác động tới về mặt nội dung, và Tòa cũng không thể có thước đo rõ ràng và sáng sủa vì ngay Hiến pháp cũng hàm chứa những điều khoản mâu thuẫn nhau, thậm chí, vi hiến, do phe chính phủ - tận dụng lợi thế hai phần ba số ghế trong Quốc hội - có toàn quyền soạn thảo và tu chính Hiến pháp.

Phản ứng mạnh mẽ

Ngay sau khi sự tu chính được phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội tiểu bang Bavaria (Tây Đức) đã bãi bỏ cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hungary, dự tính sẽ tiến hành sau đó 1 ngày. Thông qua Phòng Báo chí, bà Barbara Stamm cho hay việc Quốc hội Hungary sửa đổi Hiến pháp lần thứ tư khiến cả EU và nước Đức lo ngại sâu sắc, và gây tranh luận về tính pháp quyền của Nhà nước Hungary.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Áo kiêm Phó Thủ tướng Michael Spindelegger khẳng định, với những biện pháp xử lý của mình, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đã “đi đến giới hạn của sự có thể chấp nhận được”, và rằng người đứng đầu nội các Hung phải làm sáng tỏ những vấn đề xung quanh Luật Hiến pháp trên góc độ những giá trị tinh thần của Châu Âu. “Hungary phải trở lại với mảnh đất của Luật Châu Âu”, ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, Ủy ban Helsinki của Hoa Kỳ, được thành lập với mục đích giám sát tình trạng nhân quyền và dân quyền các nước Châu Âu, đã mở một cuộc thẩm vấn các đại diện của Hungary là hai dân biểu đảng cầm quyền, đồng thời cũng là hai yếu nhân trong việc khởi thảo và tu chính Hiến pháp mới. Trong phiên chất vấn, Chủ tịch Ủy ban, thượng nghị sĩ Benjamin Cardin cho rằng có những mối quan ngại đến từ rất nhiều hướng đối với Hungary, chẳng hạn như việc bản Hiến pháp mới và vô số đạo luật đã được phê chuẩn hết sức nhanh chóng mà không có được sự tham gia rộng rãi và dân chủ.

Về phía Hungary, trước và sau thời điểm 11-3 đã diễn ra rất nhiều cuộc biểu tình phản đối, đặc biệt là với sự tham gia của giới trẻ, trong đó có cả các học sinh trung học. Nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ đã được giới trẻ đưa ra như “Tổ quốc chỉ có ở nơi có pháp luật”, “Đừng phản bội nhà nước pháp quyền!”, “Đừng phản bội chính các vị thời trẻ!”, “Hiến pháp không phải trò chơi”... Trước mắt, các hành động phản đối chưa đem lại kết quả gì đáng kể mà ngược lại, thanh niên biểu tình ngồi chắn các dân biểu vào họp còn bị phạt tiền, v.v...

Tuy nhiên, theo triết gia kiêm nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Tamás Gáspár Miklós, bất kể điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sau này, thì việc một phong trào phản đối lớn mạnh và rộng rãi diễn ra tại nước Hung để phản đối sự chuyên quyền của chính quyền đã chứng tỏ, nhân dân Hungary đã giành được chiến thắng. Bởi lẽ, một bản Hiến pháp thực thụ phải bảo vệ người dân trước chính quyền, chứ không phải ngược lại. Ông Tamás Gáspár Miklós cho rằng, chính phủ Hungary đã đưa đất nước theo con đường đối nghịch với Châu Âu.

Trong một phát biểu với báo chí, vẫn ông Tamás Gáspár Miklós đặt vấn đề, cần tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào mùa xuân năm tới để phản đối hành động độc đoán của liên minh cầm quyền, đứng đầu là đảng cánh hữu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ và Thủ tướng, Chủ tịch đảng Orbán Viktor. Tên của ông Orbán Viktor cũng được ghép với từ “diktator” (độc tài) thành Viktator, và được vang lên một cách chế nhạo trong các cuộc biểu tình.

Lập luận của chính quyền và sự nguy hiểm của nó

Nội các FIDESZ thường đưa ra một lý luận mang tính ngụy biện, nhưng bề ngoài có vẻ hợp lý và hấp dẫn, rằng chính phủ và Quốc hội do người dân lựa chọn phải có quyền ra những đạo luật như họ muốn, nhất là nếu đa số ủng hộ những đạo luật đó. Nhân một chính sách của chính quyền bị Tòa án Tối cao Hungary cho là bất hợp pháp, Thủ tướng Orbán Viktor từng phát biểu rằng chính quyền sẽ sửa luật để thực hiện được ý nguyện của họ, vì ý nguyện ấy phù hợp với ý dân.


Giây phút biểu quyết: một nhóm dân biểu đối lập giăng biểu ngữ “Hãy sợ nhân dân, đừng sợ Orbán Viktor! Hãy bỏ phiếu CHỐNG! ” ngay trước mặt Thủ tướng Hungary - Ảnh: Túry Gergely (hvg.hu)


Cũng như vậy, việc cấm người ăn xin, người vô gia cư vãng lai và hành nghề tại nơi công cộng bị Tòa Bảo hiến hủy vì lý do vi hiến, cũng được đưa vào Hiến pháp với lý do đó là nguyện vọng của đa số, và chính phủ cần thực hiện những biện pháp bảo vệ lợi ích của đa số. Tương tự, rất có thể đa số ủng hộ việc buộc sinh viên mới ra trường phải ở lại trong nước phục vụ một thời gian nếu họ được ăn học bằng tiền thuế của dân - do đó, mặc dầu bị phản đối rất mạnh mẽ nhưng nội các Hung cũng cố đưa điều khoản này vào Hiến pháp để tránh sự ngăn chặn của Tòa Bảo hiến.

Câu hỏi được đặt ra: lập luận ấy, thoạt nhìn thấy có vẻ hợp lý, sai ở chỗ nào? Tại sao Quốc hội Hungary do dân bầu ra, có quyền lập hiến, lại không được phép thông qua những đạo luật, những điều khoản mà họ giả định là được đa số ủng hộ, mà lại phải dựa vào ý kiến của 15 vị thẩm phán của Tòa Bảo hiến? Lời đáp ở đây, theo các chuyên gia luật, rất đơn giản: cần có một cái ngưỡng, một rào cản để chính quyền không quá lạm dụng những quyền mà họ có trong tay.

Trước hết, cái gọi là “nguyện vọng của đa số” là một khái niệm không thể nắm bắt được và vô nghĩa, bởi lẽ nó thay đổi liên tục theo thời gian, và theo việc đảng nào giành được chiến thắng trong các kỳ bầu cử. Mạt khác, viện dẫn “nguyện vọng của đa số” là cách làm của mọi thể chế độc đoán khi n ó muốn bằng con đường đó len lỏi vào một hệ thống dân chủ. Do đó, tất cả những rào cản của nền dân chủ chính là để loại trừ cả về mặt hình thức những khả năng độc đoán như thế.

Các chuyên gia luật Hungary, khi khảo sát trường hợp hiện tại, nhấn mạnh rằng hệ thống dân chủ thường phức tạp để tránh sự hình thành của những quyết định độc đoán. Nguyên tắc tam quyền phân lập cũng vậy: không phải ngẫu nhiên nó trở thành cơ sở của nền dân chủ Phương Tây, để tránh sự lạm quyền đến từ bất cứ nhánh quyền lực nào. Một khi bản thân chính quyền muốn phá đổ những rào cản dân chủ, thì đó đã là một đặc tính của sự độc đoán, độc tài.

Nếu có thể “vượt mặt” Tòa án bằng cách sửa đổi luật, nếu có thể “lách” quyết định của Tòa Bảo hiến bằng cách đưa những đạo luật vi hiến đã bị hủy bỏ vào Hiến pháp, thì trên thực tế, có thể đóng cửa toàn bộ hệ thống tư pháp và cơ chế bảo vệ pháp luật, và mở cửa cho sự xuất hiện của độc tài. Tấn bi kịch của bản Hiến pháp mới Hungary và những tu chính pháp của nó là nằm ở đấy! Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện này đã gây nên một làn sóng quan ngại rộng rãi, từ Châu Âu tới Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, khi đánh giá sự nguy hiểm của kỳ tu chính thứ tư này, một số bình luận viên cho rằng, phong cách lạm dụng quyền lực và sự độc đoán để thâu tóm và giữ ghế là “thời trang” của thế kỷ 20, nhưng tới nay đã tỏ ra quá lạc hậu và trì trệ, không có chỗ trong một cộng đồng dân chủ và văn minh như Liên hiệp Châu Âu. Và trong thực tế, dù có thể không có quan hệ thật trực tiếp tới những vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, người Hungary vẫn cất tiếng nói mạnh mẽ để phản đối chính phủ.

Điều đó cho thấy có những giá trị chung, phổ quát của nhà nước pháp quyền dân chủ cần được tôn trọng, và điều này không sớm thì muộn, giới chính khách thượng đỉnh Hungary cũng phải nhận ra mà tu tỉnh, theo quan điểm của giới quan sát.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest