Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY THÔNG QUA LUẬT “CHÍNH PHỦ LÀM SAI, DÂN TRẢ GIÁ”

Hiến pháp mới của Hungary chưa có hiệu lực, nhưng đã được bổ sung bởi những điều khoản khiến công luận Hungary rất quan ngại, trong đó, đáng để tâm nhất là việc cư dân Hungary sẽ phải trả giá nếu nước này bị những phán quyết bất lợi của Tòa án châu Âu.

Biểu tình lớn phản đối chính phủ tối 23-12 trước Nhà Quốc hội Hungary - Ðảng đối lập LMP cho rằng nền dân chủ đã chấm dứt tại Hungary và do đó, đảng khởi động một hình thức phản kháng mới mang tên cách mạng mùa Giáng sinh - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)


Như đã nhiều lần đưa tin, bộ luật “mẹ” của Hungary - được phê chuẩn tháng 4 năm nay và chịu rất nhiều chỉ trích trong và ngoài nước - sẽ có hiệu lực từ ngày mai, 1-1-2012. Tuy nhiên, hai ngày trước biến cố lớn đó, đảng cầm quyền,  Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, đã tìm cách bổ sung Hiến pháp mới bằng cách đưa ra cái gọi là “Những điều khoản Chuyển tiếp”.

“Những điều khoản Chuyển tiếp” một phần mang tính biểu tượng, một phần liên quan tới những vấn đề rất cụ thể. Trong đó, nổi bật là một vấn đề về căn bản có ảnh hưởng đến tất cả cư dân đóng thuế tại Hungary. Ðó là việc Nhà nước Hungary có thể đưa ra những khoản thuế riêng trong trường hợp Liên hiệp Châu Âu (EU) hoặc Ủy ban châu Âu có những phán quyết bất lợi liên quan tới ngân sách quốc gia.

Ðiều này, trước hết, ứng với những khoản thuế riêng mà nhà nước Hungary đã buộc các doanh nghiệp lớn (ngân hàng, các hãng viễn thông, các hệ thống bán hàng lớn...) phải chi trả như một hình thức đóng góp thêm vào ngân sách quốc gia, hiện đang bị thiếu hụt trầm trọng. Một khi châu Âu quyết định hủy các khoản thuế riêng và buộc Nhà nước Hungary phải bồi thường cho dân, người dân Hungary sẽ “chịu trận”.

Các nhà bình luận cho rằng chắc chắn EU sẽ buộc Hungary phải bãi bỏ khoản thuế riêng mà các hãng viễn thông phải trả, nhưng cũng có thể, cả khoản thuế riêng áp đặt cho hệ thống các chuỗi thương mại cũng sẽ bị xóa. Ngoài ra, việc các ngân hàng Hungary phải tạo điều kiện để cư dân hoàn trả tín dụng với giá ưu đãi do Nhà nước quy định - một biện pháp khá mang tính mỵ dân của chính phủ - cũng bị Châu Âu hết sức không tán thành.

Cái giá phải trả có thể là, Nhà nước Hungary sẽ buộc cư dân phải trả vài trăm tỉ, hoặc cả ngàn tỉ Forint, dưới dạng thuế, cho những sai lầm của mình, khi tòa án EU lên tiếng.

Vấn đề kinh tế thứ hai cũng rất hệ trọng là “Những điều khoản Chuyển tiếp” tạo khả năng trên nguyên tắc để hợp nhất Ngân hàng Quốc gia Hungary và Cơ quan Thanh tra Tài chính Nhà nước, và bổ nhiệm một thống đốc mới, thay thế ông Simor András là người từ lâu nay rất “xung khắc” với chính quyền.

Ðề xuất nói trên rất bị EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu phản đối, vì họ coi đó như hành vi xâm phạm sự độc lập của Ngân hàng Quốc gia. Những cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF về khả năng tiếp tục cho Hungary vay khoản tín dụng mà nước này cần để vượt qua khủng hoảng cũng đứt đoạn, một phần vì Châu Âu đòi hỏi Hungary phải bỏ qua hành động này.

Ngoài ra, “Những điều khoản Chuyển tiếp” có những điểm mang tính biểu tượng như nó tuyên bố sự liên tục về mặt pháp lý giữa Ðảng Cộng sản Hungary (MSZMP) và Ðảng Xã hội MSZP hiện tại, như thế, chính đảng đối lập lớn nhất của Hungary cũng phải chịu trách nhiệm về những tội ác của thể chế cũ. Chưa rõ điều này sẽ có những hậu quả gì trên góc độ pháp luật.

Ðương nhiên, một khi đã có những kẻ bị coi là tội phạm thì tại đó cũng có thể trừng phạt họ, nhất là khi điều này có lợi cho phe cầm quyền, và kẻ chịu thiệt là đảng đối lập lớn nhất. Chẳng hạn, dân biểu đảng cực hữu JOBBIK Gaudi-Nagy Tamás còn đề xướng một sửa đổi nhằm giải tán Ðảng Xã hội, nhưng “sáng kiến” này, hiện tại, còn chưa được liên minh cầm quyền hưởng ứng.

Bên cạnh đó, “Những điều khoản Chuyển tiếp” còn tuyên bố trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo thể chế cũ, tạo điều kiện để có thể tước lương hưu của họ.

Một “thủ thuật” khá đặc thù khác của đảng cầm quyền FIDESZ cũng bị giới bình luận dễ dàng nhận ra, đó là họ đã “lách luật” khi Tòa án Hiến pháp tuyên bố một dự luật nào đó của họ là vi hiến, thì họ tìm cách đưa chính đạo luật đó vào Hiến pháp. Ðây là điều đã xảy ra với Bộ Luật Hình sự sửa đổi, khi FIDESZ muốn để Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao có quyền lựa chọn tòa án tùy thích cho các vụ án.

Gần đây nhất, Tòa án Hiến pháp đã tuyên bố điều này là vi hiến. Tuy nhiên, ngay sau đó, trưởng nhóm dân biểu FIDESZ Lázár János đã tuyên bố, vậy, sẽ đưa quyền lựa chọn tòa án của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao vào Hiến pháp! Bằng cách như vậy, vô hình chung, FIDESZ đã “vô hiệu hóa” Tòa án Hiến pháp vì Tòa án Hiến pháp không có thẩm quyền xem xét bản thân bản Hiến pháp”.

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest