Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY SỞ HỮU ĐOẠN PHIM ĐẮT ĐỎ NHẤT THẾ GIỚI

(NCTG) Danh hiệu đó có thể thuộc về đoạn video dài chừng 3 phút, được thực hiện với kinh phí 230 triệu Forint (hơn 766 ngàn Euro) để quảng cáo “về hậu” cho Giải Vô địch Thế giới các môn thể thao dưới nước của Liên đoàn Bơi lội Thế giới (FINA), mà Hungary được đăng cai hè năm 2017.
Tối thiểu 170 tỷ Forint (hơn 566 triệu Euro) tiền công quỹ đã được tiêu xài cho cuộc đấu này (chi phí trong thực tế không ai biết được, vì báo chí Hung cho rằng có nhiều khoản quan trọng nhất vẫn còn bị giấu đi) - Ảnh: index.hu
Với 6 môn thi, đây được coi là sự kiện thể thao lớn nhất trong lịch sử thể thao Hungary, mà nước này có dịp tổ chức. Tuy nhiên, giải này còn khét tiếng về việc tiền thuế của dân đã bị tiêu xài một cách hết sức hoang phí, và phần lớn đã lọt vào tay những “nhóm lợi ích” thân chính quyền một cách hết sức trắng trợn và không giấu giếm.

Báo chí Hungary thường xuyên đưa tin, kinh phí cho giải đấu vẫn tiếp tục tăng rất lâu sau khi vận động viên cuối cùng đã rời nước Hung. Điển hình của cung cách “chơi trội” mà không biết xót tiền dân này, là cách “bỏ túi” như trên của một doanh nghiệp nhà nước phụ trách công việc truyền thông của giải, theo tin của mạng G7.hu.

Đó là hai công ty Trinity và Young and Partners của Kuna Tibor, một nhân vật rất thân cận với đảng cầm quyền Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, và do đó đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của nhà nước trên địa hạt truyền thông. G7.hu cho hay, đoạn clip hết sức đắt đỏ đó, dường như cũng không được công chiếu ở đâu.

Trả lời phỏng vấn mạng tin, các chuyên gia cho hay, kinh phí 230 triệu, có thể coi là đắt gấp... 100 lần khoản tiền tối đa cần bỏ ra để làm ra một sản phẩm như vậy. Thông thường, phần đáng kể nhất của kinh phí là quay phim, nhưng clip này cho thấy đa phần là quay bằng drone, và nhiều đoạn đã có sẵn (do kênh M4 thực hiện). 

Câu hỏi được đặt ra là như vậy, 99% kinh phí đã biến đâu, nhất là khi không có bằng cứ gì cho thấy đoạn phim đã được công chiếu ở đâu đó. Một số ý kiến của “cộng đồng mạng” cũng cho thấy theo họ, đây là một đoạn phim tệ về nội dung, quá phí phạm về tiền bạc, và không có chút ý nghĩa gì ngoại trừ việc “tự đánh bóng tên tuổi”.

Lẽ ra phải đặt cho nó cái tên “250 triệu bị đánh cắp” là ý kiến của một người bình luận, và một người khác thì tính ra rằng, nếu quy theo phút, thì đoạn phim này đắt gấp ba lần bộ phim đắt nhất thế giới: loạt phim ba phần “Người Hobbit” (The Hobbit, 2012), được thực hiện với kinh phí “khủng” trong lịch sử điện ảnh Mỹ (625 triệu USD).

Có thể xem clip đó tại đây.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn tổng hợp