Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY SẼ LẠI CHÌM ÐẮM TRONG BIỂU TÌNH?

(NCTG) Khủng hoảng kinh tế, cắt giảm an sinh, thắt lưng buộc bụng, lương lậu kém cỏi… là lý do của những cuộc biểu tình đã và sẽ diễn ra đồng loạt tại nhiều nước Châu Âu vào mùa thu năm nay, trong đó có Cộng hòa Hungary.

Nghiệp đoàn lính cứu hỏa xả nước...

Các nghiệp đoàn tại Hungary bắt đầu tổ chức biểu tình từ ngày 12-9, đúng vào lúc Quốc hội họp phiên đầu tiên sau hè, nhưng đỉnh điểm của các hoạt động phản đối Chính phủ được ấn định là vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới.

Ðặc biệt, phải kể đến cuộc biểu tình nghiệp đoàn vào ngày 29-9 mà theo BTC, không đơn thuần chỉ là một cuộc biểu tình, mà còn là phần đầu của một chuỗi các cuộc đình công và biểu tình - được gọi là D-Day - để tranh đấu cho nền dân chủ, an toàn xã hội, cho các quyền con người và quyền của người lao động.

BTC cũng nhấn mạnh rằng, các cuộc đình công và biểu tình sẽ kéo dài vô thời hạn chừng nào yêu sách 8 điểm đưa ra vào thượng tuần tháng 9-2011 của họ chưa được đáp ứng!

Biểu tình nối tiếp biểu tình

Ðã có tối thiểu 70 nghiệp đoàn, tổ chức dân sự và xã hội tuyên bố sẽ tham gia chuỗi biểu tình này, với những hình thức như tuần hành, biểu dương lực lượng, mít-tinh, bãi công ngồi, thảo luận bàn tròn và chặn đường tại nhiều điểm trên toàn quốc.

Ban tổ chức cho rằng chuỗi biểu tình này là phi chính trị và đề nghị mọi người tham gia không biến nó thành những hành động chính trị. Khởi đầu bằng bãi công ngồi tại Quảng trường Clark Ádám, loạt những hành động phản kháng tiếp tục với thảo luận bàn tròn xã hội bên tượng cố Thủ tướng Nagy Imre ngày 30-9 và biểu dương lực lượng ngày 1-10 ở Quảng trường Kossuth, trong khi bãi công ngồi vẫn được duy trì.

Từ ngày 3-10 trở đi, sẽ bắt đầu những cuộc chặn đường diễn ra liên tục và vô thời hạn tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Vì chuỗi biểu tình được ấn định là vô thời hạn, không loại trừ khả năng nó sẽ kéo dài tới ngày 15-10, và sẽ nhận được động lực mới từ làn sóng phản kháng trên toàn Châu Âu.

Như đã biết, phong trào này được tổ chức trên mạng và lan ra nhiều quốc gia, nhằm phản đối một cách toàn diện sự khủng hoảng kinh tế và hệ thống chính trị tham nhũng. Khởi đầu từ mùa xuân năm nay tại Tây Ban Nha và Hy Lạp, làn sóng phản kháng “toàn Âu” này hứa hẹn những biến cố ngoạn mục và khó ngờ.

Ngày 23-10 (kỷ niệm cuộc cách mạng dân chủ mùa thu năm 1956, một trong ba Quốc lễ của Hungary) có thể là một điểm nhấn quan trọng với một cuộc đại biểu tình do nhóm “Một triệu người vì quyền tự do báo chí” chủ trương, theo dự tính của Ban tổ chức (BTC) sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất tại Hungary kể từ khi nước này thay đổi thể chế.

Mang tên “Chúng tôi không thích chính thể”, đây là hành động phản kháng toàn diện nhằm vào nội các của Thủ tướng Orbán Viktor và trái với các dịp trước, trong lần này, BTC chờ đợi sự ủng hộ đến từ mọi đảng phái và phong trào đối lập.

Phản ứng của chính quyền

Tổng cộng, có tới 12 cuộc biểu tình được các nghiệp đoàn thông báo trước cho chính quyền trong thời gian từ ngày 29-9 đến 9-10-2011 tại các địa điểm rất “danh giá” của thủ đô Budapest, như Cầu Xích (Lánchíd), Quảng trường Kossuth (nơi tọa lạc Nhà Quốc hội Hungary) hay Hoàng thành Buda (Budai Vár).

Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát đã ra lệnh cấm với lý do những cuộc biểu tình gây ùn tắc nặng nề đến giao thông Budapest và vì biểu tình liên miên nên không thể tổ chức được giao thông theo cách khác. Ngoài ra, biểu tình tại quảng trường Kossuth thì bị cho là có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Quốc hội Hungary.

Những lý do này đã làm dấy lên một làn sóng bất bình lớn trong giới nghiệp đoàn và các tổ chức bảo vệ nhân quyền Hungary, như Hiệp hội vì các quyền tự do và Ủy ban Helsinki Hungary. Các tổ chức này cho rằng cảnh sát Hungary đã coi thường quyền tự do tụ tập ôn hòa của người dân được Hiến pháp ấn định.


... và xì khói mù mịt để "thị uy" tại trung tâm thủ đô Budapest trong cuộc biểu tình lớn tháng 4-2011

Theo Ðạo luật Tụ tập của Hungary, chỉ có thể cấm những hoạt động đã được thông báo lên chính quyền nếu nó ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới sự hoạt động của các cơ quan lập pháp và tư pháp (tòa án), và ở lộ trình, địa điểm mà hoạt động được tổ chức, không thể tổ chức được giao thông theo theo tuyến đường khác.

Hiệp hội vì các quyền tự do và Ủy ban Helsinki Hungary đã tạo thành một “chiến tuyến chung” để tư pháp pháp lý cho các nghiệp đoàn và tổ chức xã hội, dân sự muốn biểu tình. Trong một thư ngỏ, cho lý luận rằng, cuộc biểu tình được dự định tại quảng trưởng Kossuth sẽ diễn ra vào thứ Bảy và khi đó, các dân biểu không làm việc, chí ít là không làm việc tại Nhà Quốc hội.

Do đó, việc cơ quan cảnh sát viện dẫn rằng biểu tình có thể gây tổn hại đến hoạt động của Quốc hội, tới công việc của các vị nghị sĩ, theo các tổ chức nhân quyền, là một hành động “trơ tráo”. Ðó là chưa kể, theo họ, nếu Quốc hội có họp đi nữa thì biểu tình trước Nhà Quốc hội cũng đã trở thành một truyền thống của nền dân chủ Hungary nên không thể cấm đoán.

Trong vòng 5 năm qua, tất cả những cuộc biểu tình đáng kể nhất đều diễn ra ngay trước mắt Quốc hội đang họp tại Quảng trường Kossuth” - thư ngỏ khẳng định. Cũng như vậy, cấm biểu dương lực lượng trên Hoàng thành Budapest với lý do “gây khó cho khách tới thăm” cũng bị coi là lý do “vô đối”, vì trước đây ngay cả tổ chức cực đoan bán vũ trang Vệ binh đoàn Hungary còn được thành lập trên Thành Cổ Buda.

Các nghiệp đoàn quyết tâm

Lãnh đạo các nghiệp đoàn cho rằng quyết định cấm biểu tình do cảnh sát đưa ra đã vi phạm nghiêm trọng các quyền hiến định của công dân, và cho biết họ sẽ vẫn biểu tình, “thậm chí, trò khoe sức mạnh kiểu ấy của chính quyền còn đem lại động lực mới cho việc tổ chức biểu tình”. Hiện tại, giới nghiệp đoàn cho biết họ đã nhờ Hiệp hội vì các quyền tự do tư vấn để đệ đơn kiện lên Tòa án Thủ đô.

Theo ông Kónya Péter, một thủ lĩnh nghiệp đoàn, rõ ràng là cảnh sát đã ra lệnh cấm vì áp lực chính trị và bày tỏ hy vọng “nền tư pháp hiện vẫn còn độc lập” của Hungary sẽ ra phán quyết bác bỏ lệnh cấm của cảnh sát. Một lãnh đạo nghiệp đoàn khác, ông Székely Tamás thì cho biết: nếu tòa án bác đơn kiện của họ, họ sẽ vẫn tổ chức biểu tình ở các địa điểm khác, trong khuôn khổ luật định.

Bước đầu, giới nghiệp đoàn đã đạt được những kết quả khả quan trong “cuộc chiến” với cảnh sát. Bác bỏ quyết định cấm của cảnh sát, Tòa án Thủ đô ra quyết định, trong hai ngày 1-10 và 2-10, các tổ chức nghiệp đoàn có thể tuần hành tại những nơi mà họ đã thông báo: Quảng trường Kossuth (trước Nhà Quốc hội), cũng như tuyến đường trọng điểm ngay tại “trái tim” của thủ đô Budapest, qua các địa danh như Quảng trường Clark Ádám - Quảng trường Thánh György - Quảng trường Széll Kálmán, v.v…

Ngoài ra, chuỗi các cuộc bãi công ngồi do giới nghiệp đoàn dự định tại khu vực Quảng trường Clark Ádám cũng đã được cảnh sát chấp thuận, sau khi số người tham gia được Ban tổ chức giảm từ 3.000 xuống 3-500 người. Có điều, người biểu tình chỉ được thể hiện ý nguyện của mình trên vỉa hè, chứ không được xuống lòng đường, vẫn với lý do để “không ảnh hưởng đến giao thông”...

Dầu sao đi nữa, đại diện các nghiệp đoàn Hungary vẫn cho rằng, theo tinh thần một phán quyết do Ủy ban Châu Âu đưa ra năm 2000, quyền tự do thể hiện ý kiến, quan điểm của người dân cần phải đặt lên trên quyền tự do đi lại của người khác. Lãnh đạo nghiệp đoàn còn khiếu nại lên Cơ quan Quản lý Truyền thông Hungary vì họ thấy, các kênh truyền hình công như M1 và Duna TV đều không hề đưa tin về D-Day!

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest