Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY RƠI VÀO SUY THOÁI KINH TẾ

Gói cứu trợ kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho Hungary vào mùa thu năm ngoái chỉ đem lại kết quả nhất thời và tình trạng kinh tế của Hungary hiện tại còn kém hơn vào tháng 10-2008. Đó là kết luận của ông Heim Péter, chuyên gia kinh tế, chủ tịch tập đoàn tài chính Aegon, trong hội nghị về những cơ hội kinh tế Hungary do CLB Ybl tổ chức.

Chuyên gia kinh tế Heim Péter, tổng giám đốc tập đoàn tài chính và đầu tư AEGON Hungary

Theo ông Heim, khoản cứu trợ 20 tỉ Euro của IMF chỉ giúp Hungary thoát khỏi trạng thái phá sản ở tầm quốc gia, chứ không giải quyết được những vấn đề mang tính cơ cấu, và đó là điều nghiêm trọng nhất.

Ông Heim cho rằng dưới ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, những món nợ quốc gia sẽ tăng khoảng 15-20%, nhưng điều rất quan trọng là từng quốc gia đã có điểm xuất phát ra sao. Hungary, theo ông, xuất phát điểm đã tồi tệ và tình trạng ngày một tồi đi. Đồng Forint của Hungary, chẳng những sụt giảm ghê gớm so với các ngoại tệ mạnh như Dollar và Euro, mà còn suy giảm so với các đồng tiền trong vùng, chẳng hạn, đồng Zloty của Ba Lan.

Giữa chừng, chỉ số tăng trưởng kinh tế Hungary tiếp tục suy giảm. Ông Heim không loại trừ khả năng nền kinh tế Hung sẽ sụt giảm ở mức 4,5 – 5% và tình thế còn có thể xấu đi tháng này qua tháng khác. Một ví dụ được đơn cử: từ 4 tháng nay, không còn ai mua công trái quốc gia và do đó, những cuộc đấu giá công trái quốc gia đã không được tổ chức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Hungary phải giảm thuế má, tnăg công ăn việc làm cho người lao động và chừng nào các nhà đầu tư ngoại quốc còn ngần ngại với thị trường Hungary, chừng ấy không được phép tư hữu hóa bất cứ thứ gì.

Ông Heim còn cho rằng, vấn đề là tại Hungary hiện nay, các chính khách có nói gì đi nữa thì cũng chẳng ai tin. Không chỉ nước Hung đang mắc món nợ khổng lồ (ước tính sẽ tăng tới 120% vào năm 2013 nếu không có những biện pháp thật hữu hiệu), mà dân Hung ai cũng nợ chồng chất. Trong khi đó, nước Hung trong quá trình tư hữu hóa khá “rừng rú” đã bán đi tất cả những gì có thể, theo ông Heim.

Trong hội nghị kể trên, các chuyên gia kinh tế đã dùng từ “Tổ quốc lâm nguy” để nhận định về tình hình Hungary hiện tại. Một số biện pháp khẩn cấp đã được đề xuất, như tăng giới hạn tuổi về hưu thêm 3 năm trong vòng 6 năm, chấm dứt trạng thái “về hưu non” cũng như xem xét lại một cách cẩn trọng những khoản chi cho chính quyền tự quản địa phương. Ông Heim đề xuất rằng, đồng thời với việc giảm các khoản chi, phải giảm thuế má cho người dân và tất cả những biện pháp này phải được thực hiện rất nhanh chóng, vì không thể chờ đợi nền kinh tế thế giới có thể được chấn hưng một cách đáng kể một sớm một chiều.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn