Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: LUẬT CẤM CÁC BIỂU TƯỢNG ÐỘC TÀI GÂY TRANH CÃI

Một lần nữa, Nhà nước Hungary lại thua cuộc một công dân của mình trong cuộc đua pháp luật tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở ở Strasbourg): Hungary phải bồi thường 4.000 Euro cho một chính khách do đã phạt ông này vì tội đeo huy hiệu hình ngôi sao đỏ, bị luật pháp Hungary coi là biểu tượng độc tài.

Ông Fratanolo János tại Ðại hội lần thứ 24 Ðảng Công nhân Hungary. Sau ông là khẩu hiệu Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại! - Ảnh: Internet

Ðây đã là lần thứ hai, Tòa án Nhân quyền Strasbourg đưa ra phán quyết như vậy đối với Nhà nước Hungary. Trong dịp này, bên bị đơn cũng phải trả khoản án phí 2.400 Euro.

Câu chuyện sao đỏ tại Hungary

Cách đây hơn 7 năm, vào ngày 1-5-2004, tại một hoạt động nhân kỷ niệm Quốc tế Lao động, một công dân Hungary là ông Fratanolo János đã cài ngôi sao đỏ lên áo ngoài của mình. Nói thêm, ông này là Chủ tịch danh dự Ðảng Công nhân 2006 là một đảng cánh tả, được tách khỏi Ðảng Cộng sản Hungary vào năm 2006.

Cơ sở của án phạt nói trên là một điều khoản thuộc Bộ luật Hình sự Hungary, theo đó, việc phát tán, truyền bá hoặc sử dụng công khai biểu tượng của các thể chế độc tài toàn trị (quốc xã và cộng sản) là điều bị cấm và người thực hiện điều đó có thể bị phạt tiền. Trong số các biểu tượng đó, có hình ngôi sao đỏ năm cánh.

Cần chú ý là trong một hoạt động năm 2003, người sáng lập Ðảng Công nhân 2006 là ông Vajnai Attila cũng từng bị “dính luật” khi ông này đã công nhiên cài lên áo khoác một ngôi sao đỏ được cắt từ giấy bìa. Ông Vajnai, sau khi bị tòa án Hungary tuyên phạt 120.000 Ft, đã đưa vụ việc này lên Tòa án Nhân quyền Strasbourg và đã thắng kiện.

Lần này, Tòa án Nhân quyền Strasbourg cũng đã ra một phán quyết tương tự: Tòa cho rằng mặc dù việc sử dụng công khai biểu tượng sao đỏ có thể gây phản cảm trong những nạn nhân trong quá khứ của thể chế cộng sản cũng như các thân nhân của họ, nhưng tại Hungary, không hề có dấu hiệu gì chứng tỏ CNCS có khả năng tái hồi trong thực tế.

Theo Tòa, nếu vậy thì không thể cấm đoán được việc dùng biểu tượng sao đỏ. Tòa còn nhấn mạnh rằng, lệnh cấm của Hungary đối với hình tượng sao đỏ là quá rộng vì nó được thực hiện trong cả những trường hợp mà không có cơ sở gì để hạn chế việc sử dụng biểu tượng này. Bởi lẽ, sao đỏ có thể có nhiều ý nghĩa khác.

Magyar Gábor, luật sư bào chữa cho bên nguyên đơn phát biểu với báo chí rằng Tòa án Strasbourg nhấn mạnh đến bối cảnh của việc sử dụng hình tượng sao đỏ. Nghĩa là, theo Tòa, sao đỏ không chỉ là biểu tượng gợi nhớ các thể chế độc tài, mà ngay trong các nền dân chủ hiện tại thì hình tượng sao đỏ vẫn được sử dụng bởi các tổ, nhóm và các cá nhân tranh đấu cho những lý tưởng, những nguyên tắc hợp pháp.

Theo ông Magyar, giả thử, bên cạnh hình tượng ngôi sao đỏ, nếu thân chủ ông còn giương cao hình Stalin, hoặc lên tiếng đòi trở lại kỷ nguyên của Rákosi (nhà độc tài Hungary, được coi là thủ hạ xuất sắc nhất của Stalin trong phe XHCN cũ), thì hẳn là Tòa án Strasbourg đã ra một phán quyết theo hướng khác.

Phương Tây mù mờ về những tội ác của CNCS?

Ðó là ý kiến của Quốc vụ khanh Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary Rétvári Bence, khi nhắc đến phán quyết năm 2008 của Tòa án Strasbourg. Trong Ngày tưởng niệm các nạn nhân của các thể chế độc tài toàn trị (tổ chức lần đầu vào tháng 8 năm nay), ông Rétvári tuyên bố: Hungary phải thất vọng vì Strasbourg đã tha bổng kẻ bị nước này kết án do phạm tội sử dụng biểu tượng độc tài.

Vị quốc vụ khanh này cho rằng, không có sự khác biệt lớn giữa chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản: một chủ  nghĩa thì phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, còn chủ nghĩa kia thì trên cơ sở giai cấp, nhưng cả hai đều có sức hủy diệt khủng khiếp và bản chất của cả hai đều là sự vô nhân đạo.

Theo chia sẻ của ông Rétvári, khi những vụ án này được khởi động, giới tư pháp Hungary nghĩ rằng đối với tất cả mọi người, ngôi sao đỏ là biểu tượng của độc tài, CNCS là điều kinh hoàng và không cần phải giảng giải cho bất cứ ai rằng với tinh thần của những biểu tượng này, bao nhiêu điều khủng khiếp đã được thực hiện ở vùng Ðông Âu.

Ông Rétvári Bence cho rằng, quan điểm của Tòa án Strasbourg cho thấy rõ rằng Phương Tây không hề biết chính xác về những tội ác của CNCS, những gì các dân tộc trong vùng Ðông Âu phải chịu đựng, đây là điều người dân Ðông Âu không thể chờ được ở Phương Tây. Do đó, ông nhấn mạnh, “bổn phận của chúng ta là để họ phải nhận biết được điều này”.

Phát biểu trên Kênh truyền hình HírTV, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kövér László cũng có ý kiến rất thẳng thừng về phán quyết mới nhất của Tòa án Strasbourg: theo ông, không cần để tâm quá mức đến những gì xảy ra ở Châu Âu và ở Strasbourg.

Ông khẳng định một cách bức xúc: “Tại Strasbourg, vài kẻ ngu si không hề có chút khái niệm gì về những gì đã diễn ra tại đất nước chúng ta trong 50 năm qua, họ tưởng rằng việc ai đó biểu dương lực lượng với ngôi sao đỏ là một quyền tự do”. Chủ tịch Quốc hội Hungary cũng bày tỏ hy vọng điều luật cấm sử dụng các biểu tượng độc tài của Hungary từ nay trở đi vẫn được các cơ quan có liên quan áp dụng.

Khả năng… kiếm tiền với ngôi sao đỏ

Như đã nói ở trên, Bộ luật Hình sự Hungary cấm sử dụng nhiều biểu tượng của các thể chế quốc xã và cộng sản, và điều này từ năm 2008 đã bị Tòa án Strasbourg cho là quá nghiêm ngặt, nhưng giới tư pháp Hungary vẫn không có ý thay đổi. Ðặc biệt, Tòa án Hiến pháp nước này từng xem xét và tuyên bố: điều luật đó hoàn toàn hợp hiến!

Tuy nhiên, với phán quyết của Tòa án Strasbourg trong tay, Tòa án Tối cao Hungary sẽ phải “phục hồi” cho các công dân trước đó đã bị tuyên án. Theo luật sư Magyar Gábor, tình thế quả thực rất kỳ quặc vì bây giờ, Tòa án Tối cao Hungary sẽ phải ra quyết định đi ngược lại điều luật mà căn cứ vào đó, trước đây, một số người đã từng bị kết án.

Cần nói thêm là một cách trực tiếp, cả phán quyết năm 2008 lẫn quyết định lần này của Tòa án Strasbourg đều không bắt buộc Hungary phải sửa đổi hoặc bãi bỏ điều luật có liên quan (điều 269/B §. Bộ luật Hình sự). Lý do, là bởi Tòa án Strasbourg chỉ có quyền xử lý trong các vụ việc cụ thể - nhìn chung, Tòa không thể “phản bác” các đạo luật của Hungary.

Dầu sao đi nữa, các tòa án Hungary vẫn có bổn phận trừng phạt những công dân sử dụng biểu tượng sao đỏ theo luật định nước này, nhưng nếu những người này đâm đơn kiện lên Tòa án Strasbourg thì đa phần sẽ cầm chắc phần thắng. Ðược biết, còn nhiều vụ khác - liên quan đến việc sử dụng biểu tượng sao đỏ và búa liềm - sẽ được Tòa án Strasbourg xem xét và ra phán quyết vào năm sau.

Nhân câu chuyện này, báo chí Hungary viết một cách châm biếm: có thể kiếm được vài ngàn Euro nếu ai đó chịu khó đeo ngôi sao đỏ ngoài phố, khoe khoang trước mặt cảnh sát để họ phải xử lý, và kiên nhẫn kiện tụng ròng rã trong vòng 7 năm...

Cố nhiên, đây không phải là điều quá đơn giản: trước hết, nguyên đơn phải có kiến thức về luật và ngoại ngữ, và phải ứng trước được khoản án phí mới có thể đệ đơn lên Tòa án Strasbourg. Và cũng chỉ được làm điều này khi tại Hungary, đương sự đã phải chịu bản án có hiệu lực pháp luật vì tội sử dụng biểu tượng sao đỏ, và đã “kinh qua” tất cả các thủ tục kiện tụng ở quê hương.

Ðược biết, phấn khởi vì thắng lợi này, Ðảng Công nhân 2006 đang chuẩn bị một đợt vận động, tuyên truyền cho mình với các truyền đơn có hình ngôi sao đỏ!

Cấm sao đỏ: tùy “đặc thù địa phương”!

Trở lại vấn đề cấm các biểu tượng của các thể chể độc tài, Liên hiệp Châu Âu chưa có quy định thống nhất và coi đây là vấn đề của từng quốc gia. Đáng chú ý là trong khi đa số các quốc gia cấm các biểu tượng của chủ nghĩa quốc xã thì khá ít nước cấm các biểu trưng của chế độ cộng sản. Cùng một vài nước khác, Hungary có lẽ thuộc hàng “đi đầu” trong vấn đề này.

Kể từ khi ra đời, điều luật cấm việc sử dụng biểu tượng ngôi sao đỏ đã chịu nhiều chỉ trích ngay tại Hungary, nhiều người cho rằng sao đỏ khởi thủy là một biểu tượng của phong trào công nhân, hoặc phong trào dân chủ xã hội, chứ không phải chỉ của chủ nghĩa cộng sản độc đoán theo mô hình Stalinist.

Tuy nhiên, các nhà làm luật Hung, khi quyết định đưa ngôi sao đỏ vào danh sách các biểu tượng của thể chế độc tài, là đã tính đến tác động trong thực tế của biểu tượng đó.

Trong các cuộc tranh luận căng thẳng liên quan đến vấn đề này, nhiều người đã cho rằng, cho dù sao đỏ có nguồn gốc ra sao đi nữa, thì một bộ phận không nhỏ trong xã hội Hung hiện tại vẫn nghĩ đến nó và coi nó (cùng biểu tượng chữ thập ngoặc), như những biểu tượng chính yếu của hai thời kỳ, hai thể chế mang lại rất nhiều đau thương cho họ...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest