Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY LÊN KẾ HOẠCH DÙNG “TƯỜNG LỬA” CHẶN NỘI DUNG “NHẠY CẢM”

Dự thảo Luật Hình sự mới của Hungary cho phép tòa án có thể dùng “tường lửa” để chặn những trang web nước ngoài đưa nội dung “không phù hợp” vào Hungary, nếu những biện pháp khác của chính quyền không đem lại kết quả.

Tường lửa – Minh họa: Internet


Giới bình luận Hungary cho rằng, xét về mặt kỹ thuật, phương pháp này không khác gì những gì nhà đương cục Trung Quốc đã làm, và trong thực tế, nó có thể ảnh hưởng tới những nạn nhân vô can, trong khi hiệu quả không chắc đã như ý.

Dự luật khắt khe

Sau khi “dọa” buộc  các blogger phải đăng ký các trang nhật ký điện tử của họ, Chính phủ Hung lại sửa soạn một kế hoạch nhằm hạn chế quyền tự do trên mạng Internet khi dự tính sửa đổi Luật Hình sự theo hướng kiểm duyệt, ngăn chặn nội dung các dữ liệu điện tử.

Chưa rõ lắm là trong thực tế, điều này sẽ diễn ra như thế nào, chỉ biết dự luật này mang tên “biện pháp vô hiệu hóa hoàn toàn sự tiếp cận dữ liệu điện tử”. Những thông tin được công bố cho thấy, chính phủ Hung muốn chủ động trong việc ngăn chặn những nội dung bị coi là trái luật, bằng cách chặn hoàn toàn các nội dung này.

Theo những phân tích mà báo chí và giới luật gia Hung đưa ra, thông thường, tòa án có thể đưa ra phán quyết buộc các hãng dịch vụ gỡ bỏ - tạm thời hoặc vĩnh viễn - những nội dung trái luật, bất hợp pháp. Nếu các hãng dịch vụ không đáp ứng yêu cầu này, họ có thể bị phạt hàng triệu Ft.

Luật mới khi được thông qua cho phép chính quyền có thể can thiệp, khi các hãng dịch vụ mặc dù đã có chỉ thị của tòa nhưng không thực hiện. Điều này thường xảy ra khi nội dung bị coi là “có vấn đề” thuộc máy chủ (server) của một hãng dịch vụ ngoại quốc nào đó - khi ấy, “tường lửa” sẽ được áp dụng.

Một điểm đáng chú ý là nếu có đề xuất của cơ quan điều tra, các luật định cho phép sử dụng “tường lửa” ngay mà không cần chờ đợi các hãng dịch vụ gỡ bỏ nội dung phạm luật. Đó là khi những nội dung đó liên quan tới ba nhóm tội phạm được coi là đặc biệt nguy hiểm: tội chống nhà nước, hành vi khủng bố và khiêu dâm, xâm hại tình dục trẻ em.

Như vậy, trong trường hợp đó, các nội dung bị cho là phạm pháp sẽ bị chặn ngay trong quá trình điều tra, mà không cần chờ đến phán quyết cuối cùng của tòa án về tội trạng của những cá nhân, tổ chức có can dự.

Khi chính quyền bất lực

Khi đề ra dự thảo luật này, Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary phải thừa nhận, chặn một trang web là hình thức nặng hơn nhiều so với gỡ một nội dung trên đó, nhưng Bộ cho rằng trong nhiều trường hợp, chính quyền không thể xử lý được nếu không áp dụng “tường lửa” (do tòa án chỉ thị, nên có thể kháng nghị được).

Một ví dụ được báo chí Hungary đưa ra, đó là trường hợp của trang mạng cực hữu kuruc.info, nằm trên các máy chủ ở Hoa Kỳ. Nhiều nội dung trên trang mạng này bị phía Hungary coi là bài Do Thái, cực đoan, và chính quyền Hung - từ năm 2007 - đã nhiều lần đề nghị Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến pháp lý này.

Thậm chí, Thủ tướng Orbán Viktor đã tìm gặp các dân biểu Quốc hội Mỹ để nhờ giúp đỡ. “Trung tâm tại Hungary của chủ nghĩa bài Do Thái là một trang mạng đã lẩn trốn sự xử lý của chính phủ Hung, rời sang Hoa Kỳ, và tiếp tục tiến hành hoạt động nhục nhã của họ từ đó” - ông Orbán khẳng định.


Mạng tin cực đoan kuruc.info thường đặt ra những trường hợp khó xử đối với chính quyền Hungary


Tuy nhiên, việc xem xét trên khía cạnh luật pháp những nội dung xuất hiện trên mạng kuruc.info đặt ra vấn đề về thẩm quyền giữa Hung và Hoa Kỳ, theo thông báo vào đầu tháng 9 vừa qua của Sở Cảnh sát Quốc gia Hungary. Do có sự khác biệt giữa sự lý giải luật giữa hai nước, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục “án binh bất động” trước yêu cầu của Budapest.

Quan ngại của các tổ chức dân sự

Chia sẻ với chính quyền trong nỗ lực ngăn chặn những nọi dung phạm luật, song các bình luận viên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền Hungary cho rằng vấn đề ở đây không đơn giản như thế.

Về mặt kỹ thuật, các nội dung bị coi là “nhạy cảm” có thể thay đổi địa chỉ thường xuyên và do đó, khó mà chỉ có thể chặn riêng nội dung đó, mà không ảnh hưởng tới các nội dung “vô tội” khác. Đây chính là một trong những mâu thuẫn lớn nhất của việc áp dụng “tường lửa”: không chỉ những phần cần chặn, mà những phần không có liên quan cũng chịu cùng số phận.

Hơn thế nữa, việc dựng lên một bức tường chắn theo kiểu “Vạn lý Trường thành” của Trung Quốc, theo các bình luận viên, là một vũ khí nguy hiểm của chính quyền, có thể dùng để đe dọa các máy chủ, làm gia tăng tâm lý “tự kiểm duyệt” từ người viết.

Hiệp hội vì các quyền Tự do (TASZ), một tổ chức dân sự bảo vệ nhyân quyền và dân quyền nổi tiếng của Hungary nhận định: dự luật mới hạn chế quyền tự do thể hiện ý kiến và quyền tiếp cận thông tin một cách không cân xứng với ích lợi của nó.

Thêm vào đó, với một số hiểu biết cơ bản về tin học, người sử dụng có thể “lách” tường lửa” không mấy khó khăn, khiến điều luật nếu có được thông qua cũng có thể bị vô hiệu hóa, như khẵng định của mạng tin index.hu. Mạng tin này nhận xét: ngay Trung Quốc, quốc gia bị lên án nhiều nhất về sự áp dụng tràn lan “tường lửa”, kết quả cũng không được như ý chính quyền.

Index.hu đặt giả thuyết khôi hài: giả sử một kịch bản tệ hại nhất sẽ xảy ra ở Hung, tức là mô hình Trung Quốc được sao chép ở nước này thì theo mạng tin, “đây là một sự hình dung khá thảm hại, và ngay cả các thể chế độc tài cũng không thành công với nó”. Bởi lẽ, giới sử dụng mạng có thể học hỏi tương đối dễ dàng để “leo tường”.

Mạng tin lớn thứ nhì của Hungary bình luận: ý đồ này “tường lửa” của nội các Hungary khá nực cười vì tại hội thảo quốc tế về an ninh tin học, an ninh mạng tổ chức tại Budapest năm nay, chính Thủ tướng Orbán Viktor còn phát biểu rằng những quyền tự do - trong đó có tự do trên mạng Internet - là hết sức quan trọng đối với người dân.

Chỉ là vấn đề thời gian, công sức và chút tiền, nếu người sử dụng muốn biết bất cứ thông tin nào mà chính quyền muốn ngăn chặn, index.hu kết luận.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest