Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY KHẢ NĂNG SẼ DÙNG VACCINE CỦA PFIZER ĐẦU TIÊN

(NCTG) Dịch bệnh tại Hungary đang trong giai đoạn “bão hòa” và có thể có dài nhiều tuần, con số các ca lây nhiễm giảm chầm chậm, và loại vaccine mà nước này có thể đặt mua đại trà hiện tại khả năng sẽ là sản phẩm của hãng Pfizer (Mỹ), theo thông báo của giới chức y tế Hung. Trong khi đó, 24h qua, nước này ghi nhận 3.470 ca nhiễm mới được phát hiện, và 165 ca tử vong vì dịch Covid-19.
Cô Sandra Lindsay, hộ lý tại Long Island Jewish Medical Center là công dân Mỹ đầu tiên được chích ngừa với vaccine của Pfizer/ BioNTech - Ảnh: Mark Lennihan (AFP)
Cho tới nay, có thể đoan chắc rằng vaccine của công ty Pfizer sẽ được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép đầu tiên vào cuối năm nay. Nói về thứ tự tiêm chủng, Bộ trưởng Rogán Antal nói vào hôm qua rằng “ai muốn chích ngừa thì hãy đăng ký”, ám chỉ việc chính quyền Hungary đã cho khởi động vakcinainfo.gov.hukêu gọi người dân đăng ký, cho dù tới giờ vẫn không rõ ràng rằng, điều này có là bắt buộc hay không.

Đăng ký không phải là bắt buộc. Nếu ai đó đăng ký, người đó sẽ được chính quyền liên lạc khi đã có vaccine, sẽ được thu xếp để chích ngừa một cách phù hợp và cùng lắm là nếu không muốn tiêm chủng thì khi đó vẫn có thể quyết định. Nhưng nếu không đăng ký, chúng tôi sẽ không biết là đương sự có muốn chích ngừa hay không, nên sẽ “tụt hậu” trong thứ tự chích ngừa”, ông Rogán Antal phát biểu trong chương trình “Bayer Show”.

Nói thêm là loại vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioTech hợp tác nghiên cứu sản xuất đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép hôm 11-12 và bắt đầu được sử dụng đại trà từ 14-12 ở Hoa Kỳ. Vaccine này cũng đã được một số nước như Anh Quốc, Bahrain, Canada và Mexico cấp phép tiêm chủng - riêng Mexico đã đặt mua 34,4 triệu liều để sử dụng cho người dân.

Điều đáng chú ý là vaccine của Pfizer/ BioTech - cùng các loại vaccine khác đã “cán đích” nhanh nhất và hiện đang được công luận tin cậy như của công ty công nghệ sinh học Moderna - đều được thiết kế và bào chế trên cơ sở một công nghệ hoàn toàn mới - mRNA (RNA thông tin) - khiến quá trình phát triển vaccine có thể được rút ngắn xuống từ 5-10 lần, so với khoảng thời gian trung bình theo thông lệ trước đây là hàng chục năm.

Công nghệ này đã được phôi thai tại nước Hungary cộng sản vào đầu tập niên 80, tại một phòng thí nghiệm không mấy hiện đại và thiếu thốn về tài chính của Trung tâm Sinh học Szeged (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary), bởi bà Karikó Katalin, người bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp József Attila (Szeged) năm 1983. Vào năm 1985, đúng vào sinh nhật lần thứ 30, bà bị cho thôi việc tại labor với lý do “giảm biên chế”:
 
GS. TS. Karikó Katalin (giữa) cùng các nhà nghiên cứu Hungary
GS. TS. Karikó Katalin (giữa) cùng các nhà nghiên cứu Hungary

Cùng gia đình di cư và khởi nghiệp ở mảnh đất Hoa Kỳ, từng là giáo sư Đại học Pennsylvania (Philadelphia), bà Karikó Katalin đã bỏ ra 30 năm của đời mình, kiên trì và bền bỉ để rồi cùng một đồng sự là nhà miễn dịch, TS. Drew Weismann phát minh ra công nghệ mRNA. Hiện, bà là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech và công nghệ mRNA không chỉ hiệu quả với Covid-19, mà còn hứa hẹn để chữa trị các loại bệnh khác, kể cả điều trị ung thư.

Phát minh của bà Karikó Katalin làm dấy nên một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine theo hướng hoàn toàn mới, nhưng chính giới Hungary có vẻ vẫn mê mải” với vaccine Nga và Trung Quốc làm theo lối cũ, và tới giờ, cả Viện Hàn lâm Khoa học Hungary lẫn Bộ Công nghệ và Đổi mới vẫn chưa hề có lời chúc mừng bà. “Nhưng rồi cũng sẽ đến lúc”, nhà khoa học bình thản, vì bà quan tâm chủ yếu tới việc cứu người.

GS. TS. Karikó Katalin cùng đồng sự của mình, TS. Drew Weismann được xem là các ứng cử viên sáng giá của Giải Nobel Y học và Sinh lý học những năm tới. Ba mươi lăm năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng bà vẫn duy trì quan hệ rất tốt với nhiều nhà nghiên cứu Hungary trong và ngoài nước, thuộc thế hệ trẻ và rất tài ba. Phải chăng, có thể hy vọng vào một làn sóng mới của những “Người Hỏa tinh Hungary” (magyar Mars-lakó)?

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh