Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY GIA NHẬP LIÊN HIỆP CHÂU ÂU VÀ TƯƠNG LAI QUAN HỆ VIỆT - HUNG

(NCTG) “Mười tám năm năm mới được về nhà, một ngôi nhà đang biến đổi để thích nghi với dòng chảy chung của châu Âu và trên toàn thế giới. Tìm lại mình và tìm lại nhau, dù biết rằng không thể tắm hai lần trên một dòng sông... Ai không bùi ngùi? Ai không cảm động? Và ai không tin tưởng?” - bài viết của tác giả Đinh Hoàng Thắng từ Hà Nội.
Cầu Tự do (Szabadság, một trong bảy cây cầu lịch sử tại thủ đô Budapest) trải cỏ trong ngày 1-5-2004, ngày trở về với “mái nhà chung Châu Âu” - Ảnh: Internet
Lời Tòa soạn: Trong mấy năm trở lại đây, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Hungary - Việt Nam ngày được thắt chặt và củng cố với những chuyến công du cao cấp của lãnh đạo đôi bên, như của Quốc vụ khanh Chính trị Hungary Bársony András (tháng 8-2002), Chủ tịch Quốc hội Hungary Szili Katalin (tháng 2-2004), Quốc vụ khanh Hành chính Hungary Gilyán György (tháng 4-2004), hoặc của Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Dy Niên (tháng 9-2003) và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trương Quang Được (tháng 4-2004).

Cuối tuần này, Hungary và thủ đô Budapest lại chào đón phái đoàn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, dẫn đầu là Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Quang.

Nhân dịp này, NCTG trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết sau đây của TS. Đinh Hoàng Thắng, một cựu du học sinh Việt Nam tại Hungary, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, thành viên chính thức của phái đoàn. Xin chân thành cám ơn TS. Đinh Hoàng Thắng đã có bài viết riêng cho NCTG! (BBT)

 
*

Chủ tịch Quốc hội Szili Katalin nói với Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Quang: “Chúng ta gặp nhau tức là tìm lại được nhau. Chúng tôi sẽ là một cầu nối quan trọng cho các bạn trong quan hệ với EU một khi chúng tôi là thành viên của Liên minh này”.

Csak magyarul” (*) là xứ sở tôi trở lại sau 18 năm bảo vệ luận án. Lòng cảm thấy bồn chồn cả tuần trước ngày lên đường. Vẫn biết “chim đã bay ngang trời, làm sao tìm thấy bóng”. Hazajövetelem (**) - Tôi trở về vào thời điểm Hungary đang trải qua biến cố trọng đại, đã trở thành thành viên của một Liên hiệp Châu Âu 25 nước. Sự kiện này kết thúc những năm tháng dài trong đó Hungary chuẩn bị cùng với 7 nước Đông - Trung Âu khác để đẩy quá trình chuyển tiếp về kinh tế, chính trị, đặc biệt là tâm lý của người dân lên một nấc thang mới trên con đường hội nhập.

Lướt qua vài dòng tít lớn của báo chí quốc tế trên máy bay, tôi chú ý nhất đến hai ẩn dụ: xem sự mở rộng EU lần này như một “big bang” và coi mô hình hội nhập này là một hiện hữu mới nữa cho “buổi hoàng hôn” của các quốc gia - dân tộc. Vụ nổ lớn cho ra đời một hệ quy chiếu mới để kết thúc cái mô hình từng tồn tại 500 năm? Các quốc gia - dân tộc sẵn sàng “nhường” lại một số quyền hạn cốt tử thuộc về chủ quyền cho một cơ cấu trung gian nào đó?

Đại sứ Hungary tại Việt Nam, ông Száz Dénes, nói với tôi hôm lên đường: Hungary tham gia mở rộng Liên hiệp Châu Âu là cần thiết, tạo điều kiện để Đông Âu nhanh chóng hội nhập với Tây Âu. Tuy nhiên, cũng theo lời ông, “bản thân sự mở rộng lần này chưa giải quyết được vấn đề tụt hậu của Hungary. Chênh lệch phát triển còn có thể kéo dài khoảng 35 năm nữa. Nếu Hungary và Đông Âu không giải quyết nổi vấn đề tụt hậu so với Tây Âu thì tình hình sẽ khá bi đát. Và trong trường hợp đó, kinh tế Tây Âu cũng khó mà bứt lên được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Mỹ, Nhật và một vài cường quốc khác. Ở đây, các bên phải cùng thắng, chứ không thể có “zero games”.

Một số chính khách châu Âu đã từng ví EU như một chiếc xe đạp, nếu không đi (không tiến lên) thì sẽ ngã (chịu thụt lùi). Tuy nhiên, theo dõi một số buổi điều trần tại Quốc hội bạn, cảm tưởng của tôi là người dân ở đây nói riêng và Đông Âu nói chung chưa được bàn bạc nhiều về bối cảnh tình hình châu Âu sau Chiến tranh lạnh. Trong khi đó, những người anh em Tây Âu thì lại ý thức rất rõ cái được và cái mất trong việc mở rộng EU. Bằng chứng là các thành viên cũ không đồng ý giảm mức đóng góp của thành viên mới vào ngân sách chung như lần mở rộng trước đây 9 năm.

Sự tái ngộ đầy những cách biệt về mức sống sau bao nhiêu thập kỷ, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các thành viên cũ và mới... tất cả điều này có thúc đẩy sự thống nhất về chính trị giữa Đông và Tây Âu sau mở rộng lần này hay không, đó vẫn còn là những câu hỏi lớn. Dù sao mặc lòng, những người lạc quan nhất cách đây 10 năm chắc cũng khó dự đoán rằng sẽ có một EU-25 như ngày nay. Tuy nhiên, cuộc chiến Iraq và cuộc tranh luận về một Hiến pháp mới của Liên minh cho thấy Đông và Tây Âu vẫn còn “đôi bờ cách xa” trong quan hệ với Mỹ, khi một số thành viên mới (và cả thành viên cũ) trong EU “bơi ngược dòng” quan điểm của một vài nước lớn.

Tương lai EU, tương lai châu Âu có đáp ứng được tâm nguyện của cố tổng thống Pháp Francois Mitterrand khi ông đưa ra dự án hình thành môt Liên minh rộng lớn để châu Âu phát huy được vai trò của nó trong cơn lốc toàn cầu hóa hay không? Những bông hoa szegfű (cẩm chướng) ở Hungary, những bông hoa muguet ở Tây Âu trong Ngày lễ Lao động vừa qua như nói lên khát vọng lớn lao đó của các dân tộc về các mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác trong một thế giới mà bạo lực vẫn rình rập hàng ngày. 

Ngắm nhìn dòng người trên đại lộ Andrássy, tay trong tay, tôi lại nhớ lại lời bà Chủ tịch Quốc hội Hungary Szili Katalin nói với Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Quang khi hai người gặp nhau ở Việt Nam: “Chúng ta gặp nhau tức là tìm lại được nhau. Chúng tôi sẽ là một cầu nối quan trọng cho các bạn trong quan hệ với EU một khi chúng tôi là thành viên của Liên minh này”. Sự quan tâm sát sườn của chúng ta lúc này cũng chính là ở chỗ đó.

Từng chia ngọt sẻ bùi trong một thời “Veled vagyunk, Việt Nam!” (***), Hungary của năm 2004 này đã mở lại ODA cho Việt Nam, rất chú trọng đến vấn đề giáo dục, đào tạo và khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và có hội đầu tư. Đoàn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Quang dẫn đầu thăm chính thức nước bạn lần này được diễn ra trong khuôn khổ quan hệ song phương những năm gần đây có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Quang bảo đảm với các doanh nghiệp Việt Nam cùng đi với đoàn, rằng thành phố sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng, nhưng hiệu quả của các thương vụ giữa các công ty hai nước sẽ tùy thuộc vào sự năng động, tính chủ động và khả năng cạnh tranh cao của mỗi bên đối tác. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Thăng Long và cộng đồng người Việt ở Hung, cùng ĐSQ ta ở Hungary, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary sẽ là một chương trình giao lưu bổ ích và sẽ mang lại những kết quả khả quan trong việc xây đắp thêm một nhịp cầu mới cho mối quan hệ Việt - Hung đang sang trang. Từ nay về sau, nội dung kinh tế của mối quan hệ này sẽ được lồng ghép vào bức tranh toàn cảnh chung giữa EU và ASEAN trong khuôn khổ ASEM-5 sẽ được tổ chức tại Việt Nam nay mai.

Mười tám năm năm mới được về nhà, một ngôi nhà đang biến đổi để thích nghi với dòng chảy chung của châu Âu và trên toàn thế giới. Tìm lại mình và tìm lại nhau, dù biết rằng không thể tắm hai lần trên một dòng sông... Ai không bùi ngùi? Ai không cảm động? Và ai không tin tưởng?

Ghi chú:

(*) “Chỉ nói tiếng Hung” (tên một cuốn sách giáo khoa tiếng Hung thập niên 60 thế kỷ trước).

(**) Trở về nhà.

(***) Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn!

Tác giả bài viết: TS. Đinh Hoàng Thắng