HUNGARY ÐƯA SỰ TRỪNG PHẠT LÃNH ÐẠO THỂ CHẾ CŨ VÀO HIẾN PHÁP
- Thứ năm - 15/12/2011 21:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi đề xuất các dự luật cho phép trừng phạt các quan chức thượng đỉnh thuộc chế độ cũ - như đưa ra xét xử, khấu trừ lương hưu của họ - Chính phủ Hungary lại đi thêm một bước dài và quyết liệt, gây không ít hoài nghi và phản đối trong dư luận, trong việc trực diện với quá khứ cộng sản.
Lázár János (thứ hai từ trái sang) và Harrach Péter (ngoài cùng, bên phải), hai trưởng nhóm dân biểu các đảng FIDESZ và KDNP, đã đệ dự luật lên Quốc hội
Mới đây nhất, vào cuối tháng 11-2011, một dự luật đã được khởi thảo và trình lên Quốc hội, và hiện đang được bàn thảo, để đưa vào Hiến pháp mới việc quy trách nhiệm các lãnh tụ cộng sản cũ, và buộc Ðảng Xã hội MSZP - trên cương vị hậu duệ của Ðảng Công nhân Xã hội MSZP (tức Ðảng Cộng sản Hungary) - phải chia phần trách nhiệm của tiền thân của mình.
Mang tên Ðạo luật về những điều khoản chuyển tiếp của Hiến pháp, dự luật nói trên do hai dân biểu thuộc liên minh cầm quyền là Lázár János (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ) và Harrach Péter (Ðảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP) đệ trình lên Quốc hội.
Luật khẳng định rằng việc quy trách nhiệm các lãnh tụ cộng sản đến giờ chưa được thực hiện, nhưng sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực từ đầu năm sau, “sẽ mở ra khả năng thực thi công lý”. Ðiều đáng chú ý là theo dự luật dài 126 trang này, những điều khoản chuyển tiếp sẽ được đưa vào bản Hiến pháp mới của Hungary.
Những tội ác của CNCS
Dự luật hàm chứa một tuyên bố, theo đó nhà nước pháp quyền Hungary hiện tại không thể được xây dựng trên cơ sở những tội ác của thể chế cộng sản.
Sau đó, luật liệt kê những lý do tại sao Ðảng Cộng sản và các tiền thân của nó lại phải chịu trách nhiệm trước quốc dân. Trong số đó, có những lý do như đảng này đã tận dụng sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô để bóp nghẹt thử nghiệm dân chủ dựa trên thể chế đa đảng những năm đầu sau Ðệ nhị Thế chiến.
Ðảng Cộng sản bị quy tội khiến đất nước rơi vào cảnh khánh kiệt, hủy hoại khả năng cạnh tranh của Hungary, bên cạnh đó, đảng còn bị coi là đã giết, bỏ tù bất hợp pháp, đưa vào trại tập trung, hành hạ tra tấn, đối xử vô nhân đạo và trao cho thế lực ngoại bang nhiều công dân Hungary.
Không những thế, dự luật còn cho rằng Ðảng Cộng sản đã tước bỏ một cách độc đoán tài sản của người dân, lấy đi hoàn toàn quyền tự do của họ, phân biệt đối xử với họ trên cơ sở quan điểm và niềm tin chính trị của họ, cũng như, đã vận hành hệ thống mật vụ chính trị nhằm theo dõi và gây tác động một cách phi pháp đến đời tư của người dân.
Dự luật tuyên bố Ðảng Cộng sản và các tổ chức tiền thân phải chịu trách nhiệm về việc đã “hợp tác cùng quân chiếm đóng Liên Xô để dìm cách mạng 1956 vào biển máu”, về “sự trả thù và thống trị bằng bạo lực trong thời gian sau đó, đã khiến 200 ngàn người buộc phải rời tổ quốc trốn chạy”, cũng như, về “các tội hình sự được thực hiện xuất phát từ lý do chính trị và vì thế, đã không bị cơ quan tư pháp truy lùng”.
Bên cạnh đó, dự luật cũng khẳng định rằng, Ðảng Cộng sản và các tổ chức tiền thân - cũng như những tổ chức chính trị đưọc thiết lập để phục vụ họ - là những “tổ chức tội phạm”, và lãnh đạo các tổ chức này phải chịu trách nhiệm không bao giờ hết thời hiệu “vì sự duy trì, điều khiển thể chế đàn áp, vì những sự vi phạm pháp luật và bán rẻ dân tộc”.
Ðối với Ðảng Xã hội MSZP, được thành lập năm 1989 bởi một nhóm “tinh hoa” và có xu hướng cải tổ cấp tiến trong Ðảng Cộng sản Hungary, dự luật cho rằng cần nhấn mạnh: trên cương vị hậu duệ của Ðảng Cộng sản, MSZP cũng phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mà Ðảng Cộng sản phải chịu, vì đảng này đã “thừa kế tài sản được tích lũy một cách bất hợp pháp”, đã “thụ hưởng những lợi quyền bất chính được tạo dựng trong thể chế độc tài hoặc thời kỳ chuyển tiếp”, cũng như, ban lãnh đạo của đảng mới cũng bao gồm những yếu nhân của đảng cũ.
Khả năng trừng phạt và thực thi công lý
Tuyên bố trên còn nói thêm rằng, trước đây chưa có khả năng truy cứu những hành vi phạm tội xảy ra dưới thời CS nhằm thiết lập và duy trì hệ thống này, và khả năng đó cũng chưa thành hiện thực sau cuộc bầu cử Quốc hội tự do lần đầu tiên năm 1990 - do đó, giới lãnh đạo độc tài chưa bị truy trách nhiệm. Nhưng, với việc Hiến pháp mới có hiệu lực, “sẽ mở ra khả năng thực thi công lý”, theo khẳng định của dự luật.
Do đó, khả năng trừng phạt những hành vi phạm tội nghiêm trọng - từng được thực hiện nhân danh hay vì lợi ích Ðảng - Nhà nước CS, hoặc dưới sự đồng tình của Ðảng - Nhà nước - sẽ không hết thời hiệu, theo dự luật.
Dự luật khẳng định mọi người Hung từng biểu lộ sự phản kháng đối với thể chế độc tài cộng sản, hoặc đã bị thể chế này xâm phạm nhân phẩm và các quyền lợi, bị sách nhiễu một cách bất công, thì đều được tưởng thưởng và bù đắp về mặt tinh thần.
Ngược lại, lương bổng những cựu lãnh tụ chế độ cũ có thể bị cắt giảm và khoản doanh thu thu được từ đó sẽ được dùng để chu cấp cho gia đình các nạn nhân chế độ cũ và gìn giữ những ký ức về họ. Những người nắm quyền lực trong chế độ cũ sẽ bị coi là “người của công chúng”, do đó họ phải chịu mọi “búa rìu dư luận” liên quan đến vai trò và hành vi của họ trong sự vận hành bộ máy độc tài..
Tuyên bố kết thúc với khẳng định: “Cần gìn giữ ký ức của những nạn nhân và cần gọi tên những kẻ phạm tội cho những người còn sống ngày nay và nhữn thế hệ tương lai”. Ðể làm điều đó, dự luật đề xuất thành lập Ủy ban Ký ức Quốc gia để “gìn giữ ở tầm quốc gia những ký ức liên quan tới thể chế độc tài cộng sản”, với nhiệm vụ làm sáng tỏ sự vận hành của thể chế độc tài, vai trò và hoạt động của những kẻ từng nắm quyền lực, và công bố những tờ trình về các vấn đề trên.
Bình luận về dự luật này, báo chí Hungary cho rằng chắc chắn nó sẽ được thông qua bởi hơn 2/3 dân biểu thuộc phe cầm quyền trong Quốc hội. Nhất là, nếu vì một lý do nào đó, Quốc hội Hungary không phê chuẩn nó, thì bản Hiến pháp mới lẽ ra có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 lại sẽ không được đưa ra thực thi, dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười trong luật pháp nước này.
Có thể là bàn thắng vào gôn chính mình?
Nói về dự luật, trưởng nhóm dân biểu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ Lázár János cho rằng, với điều luật này, cơ quan lập pháp Hungary có thể coi thế kỷ 20 đã khép lại, về các mặt “đạo đức, pháp luật và cả tài sản”. Tuy nhiên, ngay sau khi báo chí Hungary đưa tin về bản dự luật, đã có nhiều kiến quan ngại và hoài nghi về kết quả thực tế của nó, và cho rằng, đây có thể là bàn thắng vào cầu môn của chính minh.
Không khó khăn gì cũng có thể nhận ra, các nhà lập pháp thuộc liên minh cầm quyền đã “lách luật” khi muốn đưa vào Hiến pháp việc trừng phạt những tội ác đã hết thời hiệu. Trước đây, chỉ có những tội ác chống lại sự nhân bản là không bao giờ hết thời hiệu, nhưng hiện tại, điều này đã được mở rộng ra đối với những tội ác mà khi chúng được thực hiện lẽ ra đã phải bị trừng phạt, nhưng vì lý do chính trị nên sự truy cứu trách nhiệm đã không diễn ra.
Trừng phạt những tội ác đã hết thời hiệu cũng là điều mà cách đây 20 năm, hai dân biểu Zétényi và Takács đã mong muốn thông qua dự luật mang tên họ, nhằm “thiết lập công lý”, nhưng rốt cục đã bị Tòa án Hiến pháp Hungary bác bỏ. Nhưng nếu điều này được “cài” vào Hiến pháp như dự luật trên mong muốn, thì sẽ không ai kêu ca được gì nữa.
Tiếp đó, hoàn toàn không rõ ràng là những ai có thể bị truy cứu trách nhiệm, theo nhận xét của luật gia Hack Péter, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Luật Hình sự của Hungary. Bởi lẽ, không chắc là có ai còn sống, không số những kẻ đã tham gia các vụ án ngụy tạo thập niên 50 thế kỷ trước.
Còn nếu sự “thiết lập công lý” được mở rộng tới những vụ việc của thập niên 70,80 - ví dụ những sự theo dõi, bạo hành bất hợp pháp - thì không chỉ các chính khách, mà ngay giới cảnh sát cũng có thể bị truy xét. Còn trong việc xem xét trách nhiệm chính trị thì cũng rất khó để có một ranh giới, chẳng hạn, gần đây, khi cựu Bộ trưởng Nội vụ Biszku Béla đã bị truy cứu hình sự ở tuổi 90, thì vai trò các lãnh tụ thượng đỉnh khác của chế độ như Szűrös Mátyás và Pozsgay Imre lẽ ra cũng cần xem xét trên góc độ hình sự.
Vấn đề ở đây là, vai trò của họ, cũng như của các lãnh đạo Ðảng - Nhà nước thời cộng sản chưa hề được xem xét và đánh giá một cách khoa học!
Ngoài ra, việc Ðảng Xã hội phải chịu chung trách nhiệm với Ðảng Cộng sản và các tổ chức tiền thân của nó cho phép cắt giảm khoản hưu trí của các lãnh đạo cộng sản hiện còn sống. Tuy nhiên, như chủ tịch kiêm trưởng nhóm dân biểu của Ðảng Xã hội, ông Mesterházy Attila khẳng định, điều này rõ ràng là xuất phát từ nguyên tắc truy tội tập thể, là điều không thể chấp nhận được!
Không chỉ Ðảng Xã hội mà một phần của công luận Hungary cũng cho rằng, dự luật nói trên được khởi thảo nhằm trả thù và triệt hạ các đối thủ chính trị, và các đảng cầm quyền - với động thái này - quả thực chỉ muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi chính sách kinh tế thảm họa của họ.
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.