HUNGARY: ÐẠO LUẬT BẦU CỬ MỚI BỊ PHẢN ÐỐI QUYẾT LIỆT
- Thứ ba - 27/12/2011 08:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quốc hội Hungary với hơn 2/3 số ghế thuộc liên minh cầm quyền cánh hữu đã đi thêm một bước trong nỗ lực gia tăng và duy trì quyền lực của mình, khi phê chuẩn Ðạo luật Bầu cử mới để đảm bảo những ưu thế cho mình.
Các dân biểu đảng LMP và một số cảm tình viên biểu tình phản đối Ðạo luật Bầu cử trước Nhà Quốc hội bằng cách xiềng mình chặn các nghị sĩ phe cầm quyền, và giơ biển “Ðủ rồi!”
Ðược ông Lázár János, trưởng nhóm dân biểu đảng cầm quyền Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ đệ trình lên Quốc hội vào tuần cuối tháng 11, Ðạo luật Bầu cử mới được thông qua một ngày trước lễ Giáng sinh, gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong phe đối lập và một bộ phận cư dân Hungary.
Luật mới mang lại ưu thế tuyệt đối cho phe cầm quyền
Với 386 dân biểu được bầu chọn trong hai vòng, tại 176 đơn vị bầu cử cá nhân, hệ thống bầu cử Quốc hội hiện tại của Hungary khá phức tạp và thường hàm chứa những hồi hộp, bất ngờ cho đến giây phút cuối. Ðạo luật Bầu cử mới đã thay đổi phương thức bầu cử và giảm con số đại biểu quốc hội: chỉ trong 1 vòng, các cử tri sẽ chọn ra 200 dân biểu đại diện cho nguyện vọng của mình.
Tuy nhiên, điều đáng nói là luật mới đã xác định lại bản đồ các khu vực bầu cử, bằng cách có lợi nhất cho liên minh cầm quyền. Cụ thể, 106 đơn vị bầu cử được xác định tại thủ đô Budapest và các tỉnh thành khác sao cho những đơn vị vốn là nơi liên minh cầm quyền nổi trội thì vẫn được giữ nguyên, còn những đơn vị mà phe đối lập mạnh thì bị cắt giảm, sáp nhập vào nhau.
Cần lưu ý thêm là để đảm bảo việc duy trì luật trong tương lai, liên minh cầm quyền đã đưa việc vẽ lại bản đồ các đơn vị bầu cử này thành một phụ lục trong Ðạo luật, và phụ lục này cũng chỉ có thể thay đổi với đa số 2/3 số phiếu các dân biểu trong Quốc hội!
Thêm vào đó, một số điều khoản có lợi khác cho phe cầm quyền cũng được đưa vào luật, như bên thắng cuộc trong cuộc bầu cử còn có thể được thêm ghế do những tính toán phức tạp, hoặc chỉ cần đa số tương đối cũng đủ để giành được ghế dân biểu.
Ngoài ra, công dân Hung sống ở nước ngoài - trong đó một bộ phận chủ yếu là người gốc Hung được nhận quốc tịch Hung bởi liên minh cầm quyền - cũng sẽ được bỏ phiếu và đây có thể là một nguồn ủng hộ, một sức mạnh đáng kể mới cho phe cầm quyền.
Theo các bình luận viên chính trị, với việc khoanh vùng lại các khu vực bầu cử và đưa vào cách tính toán mới, liên minh cầm quyền - và nhất là đảng cánh hữu FIDESZ - có thể dễ dàng hơn trong việc chiếm “thượng phong” trong bầu cử. Một tính toán sơ bộ cho thấy, với đạo luật này, FIDESZ đã có thể giành thắng lợi trước liên minh Xã hội trong năm 2006, và trong kỳ bầu cử năm ngoái, họ có thể thắng với 3/4 số ghế, chứ không chỉ là 2/3!
Ngay thủ tướng Orbán Viktor cũng không giấu giếm dụng ý của phe cầm quyền khi ông bày tỏ quan điểm cần một chính quyền ổn định, bền vững để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Trưởng nhóm dân biểu FIDESZ, người đệ trình dự luật lên Quốc hội, còn nói rõ hơn: “Nếu không muốn rơi vào sự hỗn loạn chính trị, xã hội và kinh tế như vài nước Châu Âu trong cảnh khủng hoảng, chúng ta cần một chính quyền bền vững và những mối quan hệ rõ ràng”.
Và liên minh cầm quyền muốn thực hiện điều này qua Ðạo luật Bầu cử mới...
Giới đối lập và một bộ phận công luận phản đối quyết liệt
Ngay sau khi dự luật được đưa ra cuối tháng 11, báo chí Hungary đã đăng tải nhiều bài phân tích và phê phán dụng ý lạm quyền quá rõ ràng của phe cầm quyền. Ý tưởng đưa ra bản dự luật bị coi là chứa đựng hàng loạt sai trái về logic, và vấn đề chính ở đây - theo các bình luận - là không thể cho đối đầu giữa dân chủ và thành công kinh tế, nhất là với chiêu bài cần hạn chế dân chủ để có được đời sống và phúc lợi đảm bảo hơn.
Ðặc biệt, nhiều ý kiến bác bỏ việc nhất thiết phải có một chính quyền bền vững theo kiểu loại trừ hết phe đối lập để chế ngự khủng hoảng kinh tế. Một số vị dụ được đưa ra: tại các quốc gia đang gặp khó khăn nhất do khủng hoảng tài chính, liều thuốc về mặt chính trị hoàn toàn khác với những gì FIEDSZ hình dung.
Ảnh các nghị sĩ liên minh cầm quyền được đoàn biểu tình giương cao với hàng chữ “Bạn không phản bội nền dân chủ, phải không?”
Chẳng hạn, Hy Lạp và Ý chủ trương đoàn kết các đảng phái, tạm bỏ qua những bất đồng, mâu thuẫn để tạo thành một liên minh toàn diện trong chính phủ để cùng nhau vượt qua khó khăn kinh tế, chứ không phải tìm cách gạt phe đối lập để được “rảnh tay” trong lập pháp và hành pháp như trong trường hợp Hungary.
Mặt khác, tại Hungary, dù có toàn quyền lập pháp trong tay từ 1 năm rưỡi nay, nhưng liên minh cầm quyền vẫn bất lực trong việc ổn định và chấn hưng nền kinh tế, nâng cao đời sống cho cư dân. Ðạo luật Bầu cử mới của Hungary, do đó, bị coi là phản dân chủ và chỉ phục vụ lợi ích của phe cầm quyền.
Có ý kiến mạnh mẽ hơn, còn cho rằng quan điểm làm luật như thế có thể thích hợp với một số nước Ả Rập, hay Nga hoặc Trung Quốc, chứ không thể được hưởng ứng tại Liên hiệp Châu Âu và Phương Tây, nơi Hungary vẫn cần sự hỗ trợ của các cơ sở tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để có thể vượt qua cơn khủng hoảng trầm trọng kéo dài từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, có lẽ phản ứng quyết liệt nhất diễn ra ngay vào buổi sáng 23-12, trước khi Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn đạo luật. Một nhóm dân biểu đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) đã tự xích mình tại các ngả đường dẫn tới tòa nhà Quốc hội, như một hành động mang tính biểu tượng, để ngăn xe hơi các nghị sĩ phe cầm quyền tới dự phiên họp và biểu quyết.
Sau đó, nhiều dân biểu Ðảng Xã hội Hungary MSZP - trong đó có cả trưởng nhóm dân biểu kiêm Chủ tịch đảng này, ông Mesterházy Attila - cũng rời bỏ phiên họp để đến tham gia cùng nhóm nghị sĩ đảng LMP. Ngoài ra, trong số những người dân đến chia sẻ quan điểm với các dân biểu hai đảng đối lập, có cả cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, hiện là một dân biểu độc lập.
Cảnh sát Hungary đã tìm cách giải tán các nghị sĩ và những người ủng hộ họ, nhưng không thành. Cuối cùng, cả 43 người – trong đó có 15 dân biểu - đều bị dẫn độ về đồn vì lý do “vi phạm quyền tự do cá nhân của người khác”, cụ thể là vi phạm quyền tự do đi lại, hoạt động của các dân biểu khác, theo cách diễn giải của chính Bộ trưởng Nội vụ Hung, một nhân vật thân tín của nội các Orbán Viktor.
Tin cựu thủ tướng Hungary cùng hàng loạt dân biểu tự nguyện từ bỏ quyền “bất khả xâm phạm” dành cho giới nghị sĩ để theo cảnh sát về đồn, bày tỏ sự phẫn nộ trước Ðạo luật Bầu cử được Quốc hội thông qua, đã được truyền thông quốc tế đăng tải rộng rãi, mang lại tiếng xấu và hết sức bất lợi cho nội các nước này.
Những chính sách và đạo luật khiến lòng người ly tán
Ðạo luật Bầu cử chỉ là một trong hàng loạt nỗ lực của liên minh cầm quyền nhằm giữ chặt và gia tăng quyền lực, cũng như, “độc diễn” trên vũ đài chính trị Hungary, kể từ khi họ đạt được đa số tuyệt đối với hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội, tại kỳ bầu cử diễn ra vào tháng 4 năm ngoái.
Hiến pháp mới và Ðạo luật Truyền thông với nhiều nét phi dân chủ, theo hướng siết chặt các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí theo hướng có lợi cho phe cầm quyền, đã từng là đề tài liên tục trong vòng 1 năm qua trên báo chí và chính trường Châu Âu và thế giới.
Tiếp đó, lần lượt ra đời những đạo luật mới được phê chuẩn, viện dẫn lý do làm trong sạch quá khứ để đưa ra khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự và cắt giảm lương hưu trí của các quan chức cộng sản cũ, và quy trách nhiệm của Ðảng Cộng sản thời xưa cho Ðảng Xã hội bây giờ. Dễ dàng nhận ra, đây cũng là cách của liên minh cầm quyền để dằn mặt phe tả và trung tả, khiến họ lụn bại về đạo đức trước một bộ phận cư dân.
Cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc cũng trong số người bị dẫn độ về đồn cảnh sát
Về mặt dân sinh xã hội, nội các Orbán cũng tỏ ra hà khắc với những biện pháp đánh vào người nghèo, người cùng khổ như các quy định cấm bới rác để sinh kế, cấm người vô gia cư được lai vãng hoặc ngủ nghê tại những nơi công cộng, v.v... Nhiều tổ chức dân sự bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là sự vô cảm ở mức tàn ác, nhất trong cảnh nước Hung đang khốn đốn vì khủng hoảng thì lớp người nghèo khổ lại bị chính quyền kỳ thị.
Gần đây nhất, công luận và giới ký giả còn phát hiện và lên án gay gắt sự can thiệp của chính quyền vào truyền thông công cộng. Từ gần 3 tuần nay, một số ký giả truyền hình, đứng đầu là ông Nagy Navarro Balázs đã tiến hành một cuộc biểu tình ngồi kèm tuyệt thực vô thời hạn để phản đối sự kiểm duyệt, ngụy tạo và giả mạo thông tin, cũng như cung cách đưa tin thiếu khách quan và thiên lệch theo hướng có lợi cho chính phủ.
Trong vòng 1 năm rưỡi qua, mức độ tin tưởng của người dân dành cho Thủ tướng Orbán Viktor và chính phủ của ông - cũng như uy tín của Hungary trên trường quốc tế - đã suy giảm rõ rệt. Sáu tháng đầu năm nay, khi Hungary giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Liên hiệp Châu Âu, nước này đã thất bại hoàn toàn trong các mối quan hệ ngoại giao, và thường xuyên chịu chỉ trích từ nước ngoài.
Không chỉ EU, mà Hoa Kỳ cũng nhiều lần tỏ ra quan ngại về sự hình thành và bành trướng của những yếu tố phi dân chủ ở Hungary. Thượng tuần tháng 12, trong một bài viết đăng trên báo Hung, nữ đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary cho rằng chính phủ nước này cần phải xem xét lại những biện pháp cải tổ có liên quan đến các định chế dân chủ, trong số đó, có Quốc hội, tòa án và truyền thông.
Ðại diện của Hoa Kỳ tại Hungary nhắc tới việc những đạo luật quan trọng nhất của nước Hung - mà sự phê chuẩn nó cần đa số hai phần ba số dân biểu Quốc hội - sẽ được hoàn thiện nội dung trong những ngày cuối năm. Hiến pháp mới của Hungary sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Bà cho biết rằng giới ngoại giao Mỹ đã bỏ công tìm hiểu xem những đạo luật kể trên sẽ ảnh hưởng ra sao tới nền dân chủ ở Hungary, và lên tiếng cảnh báo về nguy cơ độc tài ở nước này.
Cách hành xử của liên minh cầm quyền Hungary dẫn đến những xung đột liên miên trên chính trường, khiến lòng dân ly tán. Những đạo luật được thông qua khẩn cấp ngay trước dịp Giáng sinh năm nay - trong đó có Ðạo luật Bầu cử nói trên - sẽ còn khiến nước Hung thêm mất uy tín trên trường quốc tế, theo nhận định của giới phân tích nước này...
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.