Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY ĐƯỢC NHẬN KHOẢN TÍN DỤNG 25,1 TỈ USD

(NCTG) Theo nguồn tin mới nhất, đầu tháng 11-2008, Hội đồng Chấp hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ thông qua thỏa thuận cho Hungary vay 25,1 tỉ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở xứ này. Hungary cho rằng, 25,1 tỉ USD là một khả năng, một sự đảm bảo, chứ nước này chắc chắn không cần tới một khoản tín dụng lớn như thế.

Được biết, cụ thể, IMF sẽ cho Hungary vay 15,7 tỉ USD, ngoài ra, Liên hiệp Châu Âu cho vay 8,1 tỉ USD và Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay thêm 1,3 tỉ USD. Hungary có thể toàn quyền sử dụng khoản tín dụng đó trong vòng 17 tháng, vào bất cứ thời điểm và mục đích hợp lý nào.

Để hiểu được tầm quan trọng của khoản tín dụng 25,1 tỉ USD này, cần biết rằng Hungary đã bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính từ hơn 2 năm nay, khi công luận Hungary được biết rằng nội các Xã hội, để thắng cử, đã đưa ra những số liệu sai trái về tình hình kinh tế nước này, khiến người dân không biết rằng ngân sách Hung lúc đó đã thiếu hụt ở mức độ khủng khiếp và nước Hung có những khoản nợ rất lớn đối với nước ngoài.

Kể từ 2006 đến nay, đa phần dân Hungary luôn sống trong cảnh lo âu thường trực vì những sức ép về đời sống. Hệ thống bảo hiểm xã hội cồng kềnh, không hiệu quả và đắt đỏ chiếm 42-84% thu nhập của họ. Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của nội các Gyurcsány khiến giá cả leo thang hàng ngày, đặc biệt là giá điện, nước, khí đốt sau khi được thả nổi đã tăng ở mức chóng mặt. Tỉ lệ thất nghiệp tăng, các doanh nghiệp lớn cũng phải sa thải nhân công vì không chịu được mức thuế đóng cho người lao động. Về mặt xã hội, các phần tử cực đoan có đất hoành hành, tệ phân biệt đối xử, kỳ thị các sắc dân thiểu số, kỳ thị người ngoại quốc hoặc dân đồng tính nảy nở, khiến hầu như tất cả những ngày lễ tầm quốc gia của Hung đều bị phá rối bởi những cuộc biểu tình bạo lực ngoài đường phố. Gần đây nhất, kỷ niệm 52 năm cách mạng 1956 của Hungary, cảnh sát cũng phát hiện những kẻ định dùng các loại bom thô sơ để phá hoại. Chưa nói đến chuyện từ khi Hungary rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì mọi việc còn tồi tệ hơn rất nhiều, khi một tỉ lệ đáng kể trong cư dân khó thể trả được những khoản tín dụng vay ngân hàng, hệ thống chính quyền tự quản các cấp không có chi phí cho hoạt động trong năm tới và thị trường tài chính Hungary hầu như tê liệt và bất lực trước những diễn biến trên thị trường quốc tế.

Đến thời điểm ấy, Hungary có nhiều lý do để phải kêu gọi sự trợ giúp của nước ngoài, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, một phần để cứu vãn tình trạng tài chính của cư dân và các doanh nghiệp trong nước, phần khác, có lẽ quan trọng hơn, vì Hung là một mắt xích quan trọng trong thị trường tài chính trong vùng Đông – Trung Âu. Theo phân tích của các chuyên gia tài chính quốc tế, nếu Hungary không thực hiện được những bổn phận về tiền tệ (như trả các khoản nợ nước ngoài, đảm bảo trên phương diện tài chính mà chính phủ đã cam kết với các nhà đầu tư, hỗ trợ hệ thống ngân hàng…) thì một hậu quả nhãn tiền là các ngân hàng của Áo – và sau đó, của CHLB Đức – cũng sẽ sụp đổ theo. Bởi lẽ, như nhận định của các chuyên gia, trong thời đại toàn cầu hóa, khủng hoảng tại một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng sẽ kéo theo khủng hoảng trong cả vùng.

Một lý do khác để Hung phải cầu cứu đến sự hỗ trợ của quốc tế vì bản thân nước Hung đã không còn phương cách nào khác để xoay sở. Chính trường Hungary, vốn bị chia rẽ trầm trọng trong mọi vấn đề nội trị, gần đây cũng đã phải đồng nhất trong một phiên họp mang tên Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia, trong đó các đảng phái đối lập cũng ngầm thỏa thuận rằng để cứu vãn đất nước, tạm thời họ đồng lòng. Trong khi thủ tướng Hungary Gyurcsány Ferenc phải hoãn một số chuyến công du ngoại quốc để bàn bạc với người đồng nhiệm Pháp, Anh và Ý về vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng tài chính, thì thủ lĩnh phe đối lập, ông Orbán Viktor, một người được coi là theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cũng đã không ngần ngại gọi điện cầu cứu nhiều nguyên thủ quốc gia phương Tây. Để đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ Hung phải đụng đến những vấn đề vốn được coi là rất nhạy cảm với người dân trong nước, như trong năm 2009 sẽ cắt bỏ lương tháng 13 đối với các công chức và giảm một nửa lương tháng 13 đối với người hưu trí, để tiết kiệm 1,2 tỉ Euro cho ngân quỹ nhà nước. Những yếu tố này cho thấy, Hungary không còn con đường nào khác để thoát khỏi khủng hoảng tài chính, ngoài việc cầu viện nước ngoài!

Chính giới Hungary - cũng như thị trường tài chính nước này - đều hy vọng rằng, khoản tín dụng 21,5 tỉ Euro sẽ giúp Hungary ổn định nền kinh tế, tái thiết lập niềm tin của người dân và các nhà đầu tư, và dài hạn, hỗ trợ để kinh tế Hung tăng trưởng. Việc Hungary có toàn quyền sử dụng khoản tín dụng trên cũng khiến Hungary cảm thấy tự tin hơn, sau khi nước này đã đưa ra được những biện pháp chấn hưng kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá là “rất tốt”.

Một trong những hồi âm khả quan đầu tiên của thỏa thuận này là việc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) có trụ sở tại Anh đã đưa ra quan điểm chính thức, theo đó, thỏa thuận kể trên đã xác lập niềm tin vào hệ thống tài chính Hungary, khiến các nhà đầu tư có thể yên tâm về tình trạng kinh tế và tài chính Hung trong thời gian tới. Các quan sát viên và bình luận viên kinh tế, như ông Martin Blum của Unicredit, cho rằng sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là rất khả quan vì nhiều lẽ, trong đó có một lý do là không chỉ Quỹ, mà chương trình này còn có sự tham gia của Liên hiệp Châu Âu và các nước thành viên. Thủ tướng Hungary thì vui mừng cho rằng, thỏa thuận đạt được có thể bảo vệ lợi ích nền kinh tế Hung, cũng như các gia đình Hung, một khi thế giới thấy rằng Hungary là một đối tác, một người bạn có thể “chơi được” trong quá trình tìm kiếm những giải pháp để ổn định hóa tình hình tài chính trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.

 

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp theo báo chí Hungary