Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: ĐỌ SỨC CHÍNH TRỊ NHÂN KỶ NIỆM CÁCH MẠNG 1956

23-10 năm nay, dịp đại lễ kỷ niệm 56 năm cuộc cách mạng dân chủ mùa thu 1956 đã trở thành cơ hội tranh giành ảnh hưởng giữa phe chính phủ - chiếm hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội Hungary - và phe đối lập - gồm nhiều chính đảng, tổ chức, nhưng sự liên kết và thống nhất còn rất mờ nhạt và lỏng lẻo.

Rất nhiều người tuần hành ủng hộ nội các Orbán Viktor trong ngày 23-10 năm nay - Ảnh: Földes András (index.hu)

Vài trăm ngàn người xuống đường ủng hộ nội các của thủ tướng Orbán Viktor, và vài chục ngàn người tham dự cuộc biểu tình của các nhóm đối lập trong ngày 23-10 vừa qua cho thấy, một lần nữa, những thông điệp thực sự của 1956 - khát vọng tự do, dân chủ, tình bác ái, công bằng - đã không được thể hiện, và ký ức của cuộc cách mạng đã bị sử dụng cho những lợi ích đảng phái, chính trị thường nhật.

Cuộc cách mạng tinh khôi

23-10 là ngày khởi đầu của cuộc cách mạng Hungary năm 1956, được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử nước này trong thế kỷ 20. Cho dù trong nhiều thập niên bị coi là “chính biến phản cách mạng”, Quốc hội mới của nước Hungary dân chủ, trong phiên họp đầu tiên vào tháng 5-1990, đã thông qua một đạo luật để vinh danh sự kiện 1956 như một cuộc cách mạng trong sáng do nhân dân Hungary tiến hành chống lại thể chế độc tài Stalinist, và một cuộc đấu tranh đòi độc lập chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô.

Khởi đầu từ ngày 23-10 với một cuộc đại tuần hành hòa bình của sinh viên các trường đại học Budapest để thể hiện sự đoàn kết đối với những nỗ lực cải tổ của nhân dân Ba Lan, cuộc cách mạng 1956 bị đè bẹp khi quân đội Liên Xô can thiệp và chấm dứt ngày 11-11. Cuộc chiến anh dũng và hoàn toàn không cân sức giữa người dân Hungary và Hồng quân Liên Xô đã khiến 20 ngàn người Hung bỏ mạng hoặc bị thương, thủ đô Budapest bị tàn phá, nhưng quân chiếm đóng cũng bị những tổn thất đáng kể.

Mặc dù bị đàn áp, nhưng cách mạng 1956 đã thúc đẩy những người cộng sản theo xu hướng cải tổ, có đầu óc dân tộc tiến đến những đòi hỏi và nguyện vọng hết sức cấp tiến: quân đội Nga phải tức khắc rút khỏi nước Hung, nước này rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập. Cơ quan mật vụ chính trị được giải tán, đại ân xá được công bố và thể chế đa đảng được tái lập. Nguời dân Hungary đã có được những thành quả của dân chủ và tự do trong vòng một vài ngày ngắn ngủi.

Sau khi cuộc cách mạng 1956 bị dìm trong biển máu, thủ tướng đứng về phe khởi nghĩa Nagy Imre bị kết án tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo mùa hè1958. Biến cố 1956 đã gây ra làn sóng di tản lớn chưa từng có sang Phương Tây: khoảng 250 ngàn người Hung đã phải bỏ nước ra đi. Từ tháng 1-1957, rất nhiều người có liên quan trong biến cố 1956 bị bỏ tù hàng loạt, vài trăm người bị tử hình. Trong vòng hơn 30 năm, biến cố 1956 bị coi là cấm kỵ, không được nhắc đến một cách trung thực tại Hungary.

Phải đợi đến những biến chuyển dân chủ năm 1989, cách mạng 1956 mới được nhận vị trí xứng đáng của nó trong lịch sử Hungary. Nền Ðệ tam Cộng hòa Hungary đã lựa chọn ngày tuyên bố ra đời vào đúng vào 23-10-1989, kỷ niệm 33 năm ngày cách mạng 1956 bùng nổ. 23-10 còn được coi là một trong ba ngày đại lễ thường niên của Hungary, bên cạnh Quốc khánh 20-8 và kỷ niệm cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền 15-3-1848.

Orbán Viktor: ngày tận thế của nền văn minh Châu Âu

Như có thể chờ đợi từ trước, 23-10 năm nay chứng kiến cuộc đấu giữa các đảng thuộc liên minh cầm quyền Hungary và các nhóm đối lập hoạt động rất thiếu hiệu quả trong những năm gần đây. Câu hỏi phe nào thu hút và vận động được nhiều cảm tình viên hơn đã được trả lời nhanh chóng: con số những người tham dự cuộc biểu tình mang tên “Tuần hành Hòa bình 2012” để ủng hộ chính phủ lên tới vài trăm ngàn người, trong khi tổng số các cổ động viên nhiều nhóm đối lập tham gia xuống đường cũng chỉ khoảng 5-6 chục ngàn.

Đáng chú ý là thái độ khiêu khích của ông Orbán Viktor trước Châu Âu, trong khi nội các nước này đang bị EU dồn vào chân tường vì những biện pháp, quyết định phi dân chủ, độc đoán trên nhiều lĩnh vực trong vài năm qua. Thủ tướng Hungary đặt cuộc quyết đấu giữa chính phủ ông và EU trong bối cảnh một cuộc chiến giữa các nền văn minh, theo ông, văn minh Phương Tây đang trên đà tận thế và nếu không theo những gì nội các Hungary đã đặt ra, thì sẽ đưa nước Hung vào sự hủy dĩệt.

Ông Orbán cho rằng cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ có tầm quan trọng quốc tế vì những tham dự viên đã chỉ ra cho EU thấy phải theo con đường nào, trong khi Liên hiệp Châu Âu còn phân vân giữa ngã ba đường. Theo ông, Hungary không thể trao số phận, định mệnh của mình vào tay những kẻ khác, và nước Hung sẽ thực hiện đuợc những gì mình muốn để thăng tiến, chứ không như các quốc gia khác, sẽ bị hỗn loạn và nghèo đói hoàn toàn sau khi nền văn minh Phương Tây sụp đổ.

Thủ tướng Orbán Viktor cũng không bỏ lỡ dịp này để đả kích phe đối lập, nhật là Đảng Xã hội Hungary (MSZP) - đảng cầm quyền tại Hungary trong thời gian 2002-2010 - và Liên minh Dân chủ (DK), cho rằng đó là những hậu duệ của Đảng Cộng sản thời xưa. Ông cũng đặt bên cạnh nhau để so sánh, giữa nền độc tài Xô-viết và thể chế tư bản toàn cầu hiện tại, và cho rằng Hungary cần đoạn tuyệt cả với hai định chế đó, phải đứng trên bàn chân của chính mình, xuất phát từ ý nguyện của người dân, chứ không thể lệ thuộc.

Trong khi đó, các tổ chức đối lập như “Một triệu người vì quyền tự do báo chí” (Milla), Hiệp hội Tổ quốc và Tiến bộ, Phong trào Đoàn kết Hungary mặc dù đều có đội ngũ cổ động viên của mình, nhưng ở dạng hiện tại tất cả dều chưa phải là chính đảng, nên không thể tham gia trong kỳ bầu cử tới vào năm 2012. Sự trở lại của cựu thủ tướng Bajnai Gordon vốn rất được công luận quan tâm trong ngày 23-10, nhưng ông này trước mắt cho rằng không cần một đảng mới, và các đảng, nhóm đối lập cần liên minh với nhau để “tái thống nhất nước Hung”.

Kêu gọi thành lập “Phong trào Cùng nhau vào năm 2014” để thống nhất các lực lượng muốn đổi mới, ông Bajnai cho rằng quả thực nước Hung đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, nhưng không phải do ảnh hưởng ngoại quốc, mà bởi chính quyền hiện tại. Do đó, với ông, 2014 không chỉ là năm diễn ra cuộc bầu cử tiếp tới, mà còn là một cột mốc quyết định, xác định vận mệnh Hungary trong vòng 1/4 thế kỷ tới. “Thay chính phủ chưa đủ - phải thay cả chế độ, và như thế vẫn còn là ít!”- cựu thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Bajnai cho rằng, cần phải có một bản Hiến pháp mới, tẩy rửa những gì mà đảng cầm quyền đã “bê-tông hóa” quyền lực trong đó với hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội của họ, và do đó, phe đối lập cũng cần chung tay để có được tỉ lệ 2/3 này.Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng ý tưởng này của cựu thủ tướng là táo bạo và thậm chí ít cơ sở, vì ngoài Liên minh Dân chủ của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, chưa chính đảng đối lập nào bày tỏ mong muốn gia nhập “Phong trào Cùng nhau vào năm 2014” này.

*

Công luận và truyền thông độc lập Hungary đã có nhận định thế nào về ngày 23-10 vừa qua?

Trước hết, như nhiều nhà bình luận đã nhận định từ trước đó, tinh thần và truyền thống của cách mạng 1956 không còn được thể hiện, thay vào đó là những toan tính chính trị nhất thời của các đảng phái. Cho dù quá khứ cộng sản đã ra đi hơn hai chục năm nay, nhưng nền dân chủ Hungary vẫn còn xa mới hoàn thiện, và vẫn còn chỗ cho những xung đột đảng phái không đặt quyền lợi của người dân lên làm điều tối thượng.

Một điều dễ thấy: mâu thuẫn kéo dài giữa nội các FIDESZ và Châu Âu khiến Hungary trở thành địch thủ của EU trong một cuộc chiến không cân sức, cho thấy việc theo đuổi một đường lối không thích hợp có thể khiến một đất nước lao đao như thế nào. Không chỉ không hàn gắn hố sâu phân cách Hungary - EU, những phát biểu gay gắt và mang tính khiêu khích của thủ tướng Orbán Viktor trong dịp 23-10 vừa qua còn có thể còn khiến Hungary thêm bất lợi trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhũng nỗ lực tập hợp phong trào và tìm kiếm đồng minh của phe đối lập Hungary còn tỏ ra quá yếu ớt và chứa đựng nhiều yếu tố không tưởng. Như nhận xét của báo giới, không có sức mạnh về chính trị, không thể thay thế được bất cứ một nội các nào, chưa nói tới chuyện thay đổi tận gốc rễ những gì mà nó đã thực hiện - và đây là não trạng của đối lập Hungary, hai năm trước kỳ bầu cử tiếp tới.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest