HUNGARY: ĐỂ GIỚI CHÍNH KHÁCH KHÔNG HỨA HÃO
- Thứ sáu - 19/02/2010 00:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bao nhiêu phần trăm những cam kết của giới chính khách sẽ thành sự thật sau kỳ bầu cử?
Hungary – “đất hứa” với vô vàn lời hứa
Một bài báo trên tờ “Thời báo Budapest” (The Budapest Times) cho rằng, một cách bỉ thử, có thể gọi Cộng hòa Hungary là “mảnh đất hứa” với rất nhiều cam kết không thành sự thực sau bầu cử.
Không chỉ thế, nhiều lời hứa còn bị “om” tới hàng năm trời và thật khó mà phân định xem giữa những lời hứa được thực hiện và không được thực hiện thì cái nào có hại cho Hungary hơn.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ở các nền dân chủ phương Tây, trung bình một nửa (khoảng từ 40-60%) những lời hứa khi bầu cử được thực hiện.
Một trong các lý do cho việc thất hứa là: rõ ràng các đảng đã quá vung vãi những lời hứa khi còn đang trong chiến dịch vận động, nên sau đó khi đã nắm được chính quyền, họ buộc phải điều chỉnh cam kết cho phù hợp với thực tế.
Lý do khác là sẽ xuất hiện những mục tiêu mới và cam kết mới, được ưu tiên hơn cam kết lúc trước. Thường đó là hệ quả của những sự kiện và tiến trình xảy ra bất ngờ không dự tính trước được trong một nền kinh tế toàn cầu biến động và một nền chính trị quốc nội khó dự đoán.
Trách nhiệm của người dân
Thực ra, nếu nói rằng các chính khách chủ tâm hứa hão để phỉnh dân, thì có phần oan uổng cho họ. Đa phần, các đảng phái đều muốn làm tốt cho dân, cho đất nước, nhưng vì quyền lực và nhiều yếu tố khác đã nói ở trên, nhiều khi họ buộc phải hứa những điều bất khả.
Thế nên, vai trò chủ động của người dân, mới đây, đã được nêu cao tại Hungary.
Trong Thông điệp Đầu năm 2010, Tổng thống Hungary Sólyom László đã cảnh cáo: người dân có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng sự xác tín của những lời hứa và bản thân những kẻ đã đưa ra lời hứa hẹn.
“Và cố nhiên, phải cân nhắc xem những kẻ đã từng cầm quyền đã có hiệu suất như thế nào, đã đưa đất nước tới đâu, và những kẻ chưa cầm quyền có đủ khả năng thực hiện các khẩu hiệu của họ hay không”, ông nhấn mạnh.
Tất nhiên, trách nhiệm của người dân bắt đầu ngay từ khi họ dùng lá phiếu để lựa chọn những chính khách mà họ nghĩ rằng sẽ đại diện được cho lợi ích của họ, hay theo cách diễn đạt của Tổng thống Sólyom László, “quyết định lựa chọn của chúng ta là có trọng lượng: nó kèm theo những hậu quả không chỉ trong chu kỳ 4 năm, mà còn kéo dài hơn thế”.
Tuy nhiên, ông Sólyom cho rằng không chỉ dừng lại ở đó, cử tri còn phải luôn có ý thức đòi hỏi đối với nhà nước, chẳng hạn trong các vấn đề đảm bảo an ninh công cộng và trật tự xã hội, điều tiết kinh tế để nền kinh tế quốc dân có thể phát triển một cách đảm bảo và tạo công ăn việc làm, giảm đói nghèo và phục hồi uy tín của Hungary trên trường quốc tế.
Nói tóm lại, muốn để chính quyền hoạt động tốt, phải có sự đòi hỏi và giám sát thường xuyên từ phía người dân!
“Dân kiểm tra”
Sự hưởng ứng đầu tiên của xã hội dân sự Hungary sau kêu gọi của vị nguyên thủ quốc gia đã đến khá nhanh, chừng hơn một tháng sau Thông điệp Đầu năm của ông.
Với mục đích không để các chính khách phỉnh phờ hoặc hứa hão, cũng như, để tạo dựng một xã hội có trách nhiệm hơn và lành mạnh hơn, đã xuất hiện một phong trào dân sự nhằm phân tích và kiểm nghiệm những lời hứa hẹn vô trách nhiệm của giới chính khách thượng đỉnh.
Đứng đầu là 12 chuyên gia kinh tế, tài chính nổi tiếng, trong số đó, có nhiều nghiên cứu viên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, “Nhóm 12” này đặt ra mục tiêu đầu tiên là để cư dân có thể hạn chế được việc các đảng phái thi nhau hứa hão trong chiến dịch bầu cứ, khiến nền kinh tế đất nước lụn bại.
Nói cách khác, mỗi lời hứa phải đi kèm với lời lý giải cặn kẽ: việc thực hiện những lời hứa ấy có khả thi không, có giá như thế nào, hậu quả ra sao đối với từng nhóm cư dân, v.v…
Sáng kiến dân sự trên đã được sự hưởng ứng của người phụ trách báo chí Văn phòng Tổng thống, ông Wéber Ferenc, khi ông này cho rằng ý tướng đó là hữu ích, đáng chào mừng và phù hợp với những thông điệp của Tổng thống Sólyom László.
“Nhóm 12” đã khởi động 1 trang web mang tên “Họ hứa hẹn gì?” và cam đoan rằng, trong quá trình làm việc, sẽ hết sức “chí công vô tư” và không thiên vị bất cứ đảng phái nào. Những kết quả khoa học của nhóm sẽ được đăng tải thường xuyên một cách dễ hiểu đối với cư dân trên website mitigernek.hu.
Công luận Hungary hy vọng rằng, sự hoạt động của “Nhóm 12” sẽ góp phần để chiến dịch tranh cử và chuẩn bị cho kỳ tổng tuyển cử Quốc hội tại Hungary vào tháng 4 tới trở nên trung thực hơn, dễ nắm bắt hơn và cái chính là, ít hàm chứa những yếu tố khoác lác hơn đối với dân chúng.
(*) Bài viết đã đăng trên „Khoa học & Đời sống”.