Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY CHUẨN BỊ ĐƯỢC “TỰ DO”, VÀ ĐI LẠI “THẢ CỬA” VỚI CHỨNG CHỈ COVID CHÂU ÂU

(NCTG) Hungary chỉ còn thiếu 32 ngàn mũi tiêm thứ nhất để người dân được tự do không phải đeo khẩu trang và không phải dùng “thẻ miễn dịch” ở một số nơi, theo thông báo của chính quyền nước này.
Chứng chỉ Covid Châu Âu chuẩn bị được đưa vào sử dụng một cách chính thức
Cuối tuần qua, nước Hung ghi nhận tổng cộng 132 ca nhiễm Covid-19 mới, 9 ca tử vong, 157 bệnh nhân phải điều trị nội viện, trong đó 24 ca phải dùng máy trợ thở. Đã có tổng cộng 5.468.205 người được tiêm chủng, trong đó 4.842.148 người đã tiêm cả 2 mũi.

Theo một tuyên bố hôm 24/6 của Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ Gulyás Gergely, Hungary sẽ dỡ bỏ một số biện pháp phòng dich như sau khi đạt 5,5 triệu người tiêm chủng:

- Bãi bỏ việc bắt buộc sử dụng khẩu trang, ngoại lệ duy nhất là tại các cơ sở y tế.

- Vào khách sạn, nhà hàng, spa và bãi tắm không cần “thẻ miễn dịch”.

- Dầu vậy, vẫn cần “thẻ miễn dịch” tại các hoạt động đại chúng có đông người: sự kiện thể thao, buổi hòa nhạc, lễ hội và các địa điểm giải trí ban đêm.


Trong một diễn biến khác, từ thứ Năm 1/7/2021 trở đi, chứng nhận miễn dịch Châu Âu - còn gọi bằng những cái tên khác như “hộ chiếu vaccine”, “căn cước miễn dịch”... - sẽ có hiệu lực ở tất cả các quốc gia thành viên Liên Âu.

Như đã biết, đây là kết quả sự đồng thuận giữa Hội đồng Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và Ủy ban Châu Âu. “Căn cước miễn dịch” sẽ bao hàm các thông tin như sau về người sở hữu nó:

- Đã được tiêm chủng với loại vaccine nào do Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép,

- Đã bị nhiễm bệnh Covid-19 chưa?

- Có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 48h hay không?


Những điều trên phù hợp với các kế hoạch đã được Ủy ban Châu Âu trình bày vào tháng 3/2021. “Hộ chiếu vaccine” thống nhất có mã QR sẽ được cấp miễn phí ở cả dạng kỹ thuật số và dạng giấy. Tại Hungary, theo mạng Infostart, chứng chỉ Covid Châu Âu bằng 2 thứ tiếng Hung và Anh có thể được đăng ký tại cổng thông tin chính phủ (kormányablak) hoặc tải miễn phí tại cổng thông tin cá nhân (ügyfélkapu).
 
Du lịch thế giới đình trệ gần 1,5 năm vì dịch bệnh
Du lịch thế giới đình trệ gần 1,5 năm vì dịch bệnh

Chứng chỉ Covid Châu Âu, về cơ bản, chứa thông tin sức khỏe của chủ sở hữu liên quan đến dịch Covid-19:

- Tên, ngày tháng năm sinh,

- Ngày cấp chứng chỉ,

- Mã nhận dạng.


Liên quan tới dịch bệnh, chứng chỉ cho biết:

- Bạn đã được tiêm phòng chưa và nếu có, khi nào và với loại vaccine nào.

Các vaccine đã được EMA chuẩn thuận (Pfizer, AstraZeneca, Moderna, Johnson & Johnson) sẽ tự động được chấp nhận ở tất cả các quốc gia thành viên Liên Âu. Ngoài ra, bất kỳ nước thành viên nào cũng có thể quyết định chấp nhận chứng nhận đối với một loại vaccine khác (như Sinopharm, Sputnik V trong trường hợp Hungary) để nhập cảnh quốc gia đó (*).

Nếu ai đó chưa được tiêm chủng nhưng đã mắc bệnh Covid-19 và đã khỏi bệnh, chứng chỉ Covid của người đó sẽ ghi lại thông tin trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày xét nghiệm PCR dương tính.

Đối với những ai không thuộc các trường hợp nói trên, chứng chỉ Covid sẽ thông báo kết quả xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên âm tính cuối cùng (2 xét nghiệm trong vòng 5 ngày, cách nhau tối đa là 48h).

Chứng chỉ Covid có nội dung giống nhau ở tất cả các quốc gia Liên Âu và có hiệu lực cùng một lúc, với giá trị sử dụng trong thời hạn 12 tháng, nhưng tùy thuộc vào dịch bệnh, nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh đã chấm dứt, việc sử dụng chứng chỉ có thể bị đình chỉ sớm hơn và ngược lại: thẻ hết hạn cũng có thể được tái kích hoạt nếu tình trạng dịch bệnh yêu cầu.

Cần nhấn mạnh, chứng chỉ Covid đơn thuần là một xác nhận về mặt y tế, giúp người dân có thể đi lại tự do trong Liên Âu nhưng không phải điều kiện bắt buộc. Bất cứ ai cũng có thể đi lại mà không cần chứng chỉ, nhưng khi đó phải tuân thủ các quy định phòng dịch của từng nước (xét nghiệm, cách ly...).

(*) Tính đến nay, Hungary đã ký được thỏa thuận song phương để chấp nhận “thẻ miễn dịch” lẫn nhau với các quốc gia sau đây: Albania, Bahrein, đảo Síp, Cộng hòa Czech, Bắc Macedonia, Georgia, Croatia, Kazakhstan, Maroc, Moldova, Mông Cổ, Montenegro, Slovakia, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Cape Verde (từ 1/8/2021).

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh