Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: CẢNH SÁT CHỈ ĐƯỢC „HÀNH DÂN” KHI CÓ LÝ DO XÁC ĐÁNG!

(NCTG) Trung tuần tháng 11-2007, Quốc hội Hungary bắt đầu thảo luận việc sửa đổi Luật Cảnh sát với những điểm mới đáng chú ý và thú vị đối với người dân.

"Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép" ngay cả khi kiểm tra giấy tờ tùy thân!

* Kiểm tra giấy tờ: phải có lý do đáng kể!

Xin chào anh/chị! Tôi là trung úy XYZ trực thuộc Cảnh sát Quận. Chúng tôi đang tìm một tên tội phạm bị truy nã, vì thế tôi yêu cầu anh/chị xuất trình giấy tờ tùy thân!” – trong tương lai, thay vì câu nói cụt lủn hay được dùng hiện tại „Giấy tờ đâu?”, cảnh sát Hung sẽ phải „lễ độ” với dân như thế khi muốn kiểm tra giấy tờ của ai đó nếu Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát sửa đổi.

Theo luật định hiện tại, cảnh sát có quyền... muốn hỏi giấy tờ ai thì hỏi, nhưng bộ luật mới yêu cầu người cảnh sát chỉ được làm điều đó khi có lý do xác đáng và cụ thể, như để bảo vệ trị an, để xác nhận sự hợp pháp trong cư trú, hay để bảo vệ những quyền lợi cá nhân của... chính người bị kiểm tra. Tuy nhiên, Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ) vẫn chưa bằng lòng với sửa đổi này, vì họ cho rằng đạo luật sửa đổi vẫn cho phép người cảnh sát „tự ý” xác định xem đâu là lý do cần thiết để kiểm tra giấy tờ công dân.

Một thay đổi khác được coi là theo chiều hướng „dân chủ” hơn, nếu đạo luật mới được phê chuẩn, là ngoại trừ trường hợp cảnh sát đang... đuổi bắt một tên tội phạm, thì trước mỗi cuộc kiểm tra, đại diện cơ quan công quyền phải nêu rõ cho công dân biết tên tuổi, nơi làm việc của mình, cũng như lý do kiểm tra – những điều này, hiện tại, cảnh sát Hung chỉ phải thực hiện sau khi tiến hành kiểm tra, nếu có yêu cầu. Luật mới cũng buộc cảnh sát phải chấp nhận bất cứ thứ giấy tờ gì có ảnh của công dân (hiện tại, chứng minh thư là thứ duy nhất mà công dân có thể xuất trình để chứng tỏ nhân thân của mình), thậm chí, cảnh sát có thế chấp nhận cả... lời bảo lãnh của một người quen đương sự! Những số liệu được ghi lại trong dịp kiểm tra, theo luật mới, sẽ phải bị hủy sau 3 ngày.

Sở Cảnh sát Quốc gia Hungary (ORFK) cũng đã cho ra đời một „cẩm nang” để người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ, nhân thân. „Cẩm nang” này được đăng tải trên trang chủ của ORFK và có thể tải về để sử dụng dưới dạng PDF.

* Hình ảnh, băng ghi hình

Đạo luật mới quy định rõ ràng khoảng thời gian mà cảnh sát được phép lưu giữ những hình ảnh và băng ghi hình về công dân. Thay vì 6 tháng như hiện tại, trong tương lai, cảnh sát Hung chỉ được phép giữ băng ghi hình của camera đặt ngoài đường phố (nhằm mục đích bảo vệ trị an) trong vòng 8 ngày làm việc, ảnh chụp tại các cửa khẩu trong vòng 3 ngày và ảnh chụp tại các cuộc biểu tình trong vòng 30 ngày. Về vấn đề này, TASZ cũng không đồng tình việc chính quyền địa phương có quyền quyết định đặt camera „giữ trị an” ở chỗ nào: TASZ muốn điều này phải được thực hiện dựa trên ý kiến của các chuyên gia độc lập, xem có cần thiết đặt camera và việc đặt camera ở một địa điểm là có hiệu quả không.

* Phù hiệu cảnh sát

Trong những cuộc biểu tình mang tính bạo động mùa thu 2006 và từ đó đến nay, người biểu tình và các tổ chức dân quyền Hung phàn nàn rằng cảnh sát thường không đeo phù hiệu, hoặc đeo ở chỗ... khó thấy, khiến cho việc công dân kiện cáo cảnh sát gặp nhiều khó khăn, vì không „nhận diện” được cảnh sát.

Luật mới muốn quy định rõ ràng: cảnh sát phải chứng minh nhân thân với công dân bằng quân phục và phù hiệu đeo trên người, hoặc thẻ cảnh sát. Trong những trường hợp khó nhận thấy phù hiệu – như khi giải tán đám đông -, cảnh sát có bổn phận viết rõ số hiệu (có trên phù hiệu) lên quân phục.

* „Khu vực làm việc”

Còn nhớ, năm ngoái, những đoàn biểu tình đã tụ tập hàng tháng tại quảng trường lớn trước Nhà Quốc hội Hung để biểu tình (và phá phách) chống chính phủ. Sau nhiều tuần, chính phủ Hung quyết định chặn quảng trường Kossuth, gọi đó là „khu vực làm việc” và cấm công dân được vào. Khái niệm „khu vực làm việc” này cũng đã được đưa ra trước đó, trong một dịp cảnh sát giải tán các nhóm ẩu đả ngoài đường, và một vài ký giả đã bị cảnh sát bạo hành khi tác nghiệp tại đó với lời lý giải của lãnh đạo công an, rằng „khu vực làm việc” là nơi „nội bất xuất, ngoại bất nhập” khi cảnh sát thừa hành nhiệm vụ, không ai được quyền „xâm phạm” và tại đó, cảnh sát sẽ không phân biệt được giới báo chí với những nghi can. Dạo đó, truyền thông Hung và các tổ chức dân quyền đã lên tiếng phản đối gay gắt động thái này của cảnh sát, coi đó là sự cản trở giới ký giả khi tác nghiệp, là sự hạn chế quyền tự do tụ tập, hội họp và đi lại của công dân, và nhất là vì, theo họ, khái niệm „khu vực làm việc” không tồn tại trong luật Hungary.

Có lẽ vì lý do ấy mà trong dịp này, Bộ Tư pháp và Trị an Hungary (IRM) đã đề xuất trong luật mới một khái niệm mang tên „khu vực bảo vệ an ninh”, nhằm bảo vệ an toàn cho các nhân vật hoặc cơ quan trọng yếu. Luật mới muốn rằng cảnh sát có thẩm quyền lập ra những khu vực ấy và cấm việc xây dựng hoặc sủ dụng „không phận” ở đó, người ra vào phải xuất trình giấy tờ - tuy nhiên, một khu vực như thế không phải là nơi cấm tiệt người qua lại. Cũng chưa rõ là nếu ai đó muốn biểu tình ở những khu vực „cấm địa” như thế, thì luật Hung sẽ nói ra sao?

* Sách nhiễu

Với việc sửa đổi bộ Luật Hình sự Hungary, IRM muốn đưa vào một „tội” mới là „sách nhiễu”. Trên cơ sở ấy, chẳng hạn, người nào thường xuyên tìm cách can thiệp vào đời tư kẻ khác (như gọi điện thoại triền miên), có thể bị 1 năm tù giam. Sẽ bị phạt tới 2-3 năm tù giam, nếu người sách nhiễu có lời dọa dẫm bạo lực với các thành viên trong gia đình, hoặc vợ/ chồng cũ (ví dụ, bằng những câu như „Tao đốt nhà mày!”, „Cho mày một trận để mày...”)

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo [origo]