Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: BỎ ĐÓI NGƯỜI XIN TỴ NẠN, BỊ EU XỬ LÝ

(NCTG) Thủ tục “xử lý” Hungary của Ủy ban Châu Âu liên quan tới những sai phạm trong hồ sơ nhân quyền và nhà nước pháp quyền của nước này đang tiến tới một giai đoạn mới, khi chính quyền Hungary phải đưa ra câu trả lời khả dĩ về việc tại sao lại bỏ đói người xin tỵ nạn.
Trẻ em ở trại tạm vùng Röszke, biên giới Hungary - Serbia, ngày 16-4-2016 - Ảnh: Huszti István (index.hu)
Ngày 26-7 năm nay, Ủy ban Châu Âu tiến hành khởi tố Hungary vì chính quyền nước này không cấp đồ ăn (3 bữa hàng ngày, theo thông lệ) cho những người xin tỵ nạn bị bác đơn và bị tạm giữ ở khu trại tạm thời ven biên giới Hung - Serbia trong thời gian chờ đi một quốc gia khác.

Tình trạng này xuất hiện từ tháng 7-2018, khi một sửa đổi trong điều luật liên quan tới người tỵ nạn cho phép bác bỏ đơn xin tỵ nạn của tất cả những ai đến Hungary từ Serbia thông qua tuyến đường “truyền thống” ở biên giới phía Nam, vì lý do Serbia là quốc gia “chuyển tiếp” an toàn.

Cho dù điều này trái ngược với nhìn nhận của Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, theo đó Serbia - một quốc gia chưa thuộc khối Liên Âu - không phải nơi an toàn đối với người xin tỵ nạn, Budapest vẫn cho rằng, nếu đương sự đã đi qua một nước an toàn thì cần về đó xin tỵ nạn.

Bị bác đơn ở Hungary, người xin tỵ nạn có quyền khiếu kiện, nhưng sự khiếu kiện ấy theo luật Hung không có hiệu lực trì hoãn: đương sự lập tức bị cảnh sát ngoại kiều tiến hành xử lý để trục xuất, qua Serbia (đất nước mà Hungary “khuyến dụ” đương sự nên trở về), hoặc đâu đó.
 
Người xin tỵ nạn ở vùng biên giới Röszke, tháng 12-2016, khi tất cả mọi người còn được khẩu phần ăn háng ngày - Ảnh: Földes András (index.hu)
Người xin tỵ nạn ở vùng biên giới Röszke, tháng 12-2016, khi tất cả mọi người còn được khẩu phần ăn hàng ngày - Ảnh: Földes András (index.hu)

Trong thời gian chờ đợi, đương sự bị giam tại khu trại tạm thuộc vùng “chuyển tiếp”, phải chịu những điều kiện ăn ở rất tồi tệ và khắc nghiệt, và nếu là người lớn thì không được cấp đồ ăn. Theo Ủy ban Châu Âu, cách đối xử này của chính quyền Hungary vi phạm nhiều điều luật của EU. 

Xét về mặt luật pháp, cơ quan hành pháp tối cao - “chính phủ” của Liên Âu cho rằng những người xin tỵ nạn bị bác đơn, buộc phải rời Hungary đang trong trạng thái bị giam giữ và do đó, việc không cấp khẩu phần ăn cho họ vi phạm điều 4 Hiến chương về các Quyền Căn bản của EU.

Vì tính khẩn cấp của vấn đề, Ủy ban Châu Âu cho Budapest một tháng để trình bày và lý giải điều này một cách khả dĩ, bằng không, quốc gia Trung Âu này có thể sẽ phải ra “hầu tòa” trước Tòa án Công lý EU (trụ sở tại Luxembourg) vì sự vi phạm luật chung của khối Liên Âu.

Hungary đã từng và hiện tại cũng đang đối mặt với nhiều thủ tục pháp lý vì cách đối xử bị coi là tệ đối vói người tỵ nạn và xin tỵ nạn. Tháng 7-2018, Ủy ban Châu Âu khởi tố Hungary tại Tòa án Công lý EU vì những vi phạm đối với người xin tỵ nạn bị giam tại khu trại tạm vùng biên giới.
 
Khu trại tạm ở vùng Röszke, với điều kiện ăn ở tồi tệ và khắc nghiệt, nhưng theo các quan chức Hungary thì mọi thứ đều ổn - Ảnh: Kelemen Zoltán Gergely (MTI)
Khu trại tạm ở vùng Röszke, với điều kiện ăn ở tồi tệ và khắc nghiệt, nhưng theo các quan chức Hungary thì mọi thứ đều ổn - Ảnh: Kelemen Zoltán Gergely (MTI)

Tòa án Nhân quyền Châu Âu trụ sở tại Strasbourg đã nhiều lần ra phán quyết tạm thời - mang tính cấp tốc, có lúc chỉ trong vỏn vẹn một ngày sau khi nhận được đơn “kêu cứu” của đại diện pháp luật những người bị bỏ đói - buộc chính quyền Hungary phải cấp đồ ăn cho họ.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Strasbourg chỉ có thể giải quyết được tình cảnh của những cá nhân riêng lẻ, nhưng không ngăn được chính quyền Hungary tiếp tục thi hành chính sách bỏ đói mà họ cho là không có gì phạm luật đó, như họ từng nói: “Muốn ăn thì lên Strasbourg mà đòi!”.

Thống kê của Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cho hay, năm 2018, trung bình hàng ngày có 37 ngàn người buộc phải rời quê hương. Những nước tiếp nhận người tỵ nạn nhiều nhất là Thổ Nhĩ ỳ, Pakistan, Uganda, Sudan và Đức. Các nước phát triển chỉ tiếp nhận 16% số người tỵ nạn trên thế giới.

Lần đầu tiên, số những người phải trốn chạy vì lý do chính trị trên thế giới - theo định nghĩa của Công ước Quốc tế Liên Hiệp Quốc về vị thế của người tỵ nạn (năm 1951) - đạt con số 70 triệu, bằng dân số của Vương quốc Anh và Ireland cộng lại. Trong số đó, trẻ em chiếm phân nửa.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp