Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: BÁO ĐIỆN TỬ BỊ KIỆN VÌ DẪN LINK YOUTUBE

Một vụ kiện có vẻ hơi kỳ quặc vừa kết thúc ngày 4-12 vừa qua ở Toà án Nhân quyền Châu Âu, mà nguyên nhân chỉ là… một đường link trên báo. Đường link này dẫn đến một video được cho là bất lợi cho một đảng chính trị lớn ở Hungary, khiến đảng này khởi kiện tờ báo ra tòa.
Trụ sở Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại TP. Strasbourg - Ảnh: Internet
Đây là lần đầu tiên, Tòa Strasbourg xử một vụ kiện về mối liên quan giữa việc trích dẫn các đường link (hyperlink) trong sản phẩm báo chí, và quyền tự do ngôn luận, và rốt cục phần thắng đã thuộc về cơ quan truyền thông, với đại diện là Media Legal Defence Initiative (MLDI) (trụ sở tại London).

Chuyện xảy ra cách đây 5 năm, từ tháng 9-2013, khi mạng tin 444.hu đưa tin một nhóm cổ động viên Hungary đi xe buýt sang Romania, và giữa đường xe dừng bánh tại vùng Konyár gần biên giới hai nước, trước một trường tiểu học mà đa phần học sinh đều là người thuộc sắc tộc Tzigane.

Không biết điều gì đã thực sự xảy ra tại “hiện trường”, chẳng hạn các cổ động viên có dọa dẫm gì giới học sinh ở trường hay không, điều đó chưa được làm rõ vào thời điểm bài báo được đăng trên mạng 444.hu. Tuy nhiên, tác giả bài viết đã cố gắng hỏi han, phỏng vấn tất cả các bên có liên quan.

Ý kiến của hiệu trưởng trường, của cảnh sát và của lãnh đạo chính quyền tự quản địa phương của cộng đồng thiểu số Tzigane - ông Gyöngyösi Jenő - đã được hiện diện trong bài báo. Ngoài ra, báo còn đưa 1 đường link trên mạng youtube của ông Gyöngyösi Jenő để độc giả tham khảo.

Trong link đó, vị chính khách địa phương tóm tắt câu chuyện đã xảy ra theo nhãn quan cá nhân, và nói rằng “nhóm JOBBIK” tới làng, ngụ ý họ có tham gia gây hấn ở đó. Đây là quan điểm riêng của ông Gyöngyösi Jenő, bài báo của 444.hu chỉ đưa đường link và không hề nhắc đến cái tên JOBBIK.

Cần biết JOBBIK là một đảng đối lập lớn từng mang tư tưởng cực hữu tại Hungary, có quan điểm bài ngoại và bài xích người Tzigane, nhiều thành viên của đảng này - hoặc những người tự xưng là có liên quan tới JOBBIK - đã tham gia các hành động kỳ thị, thậm chí hành hung sắc dân Tzigane.

Khi bài viết của mạng 444.hu được đăng tải, đảng JOBBIK đã đệ đơn kiện báo vì họ cho rằng đường link dẫn tới phát biểu của ông Gyöngyösi Jenő gây hại cho “thanh danh” của đảng, và khiến độc giả nghĩ rằng những gì diễn ra tại ngôi trường tiểu học ở làng nọ là do đảng JOBBIK tổ chức.

JOBBIK còn phàn nàn rằng do bài báo trên, có thể hình thành hình ảnh xấu về đảng, khiến cử tri quan niệm rằng JOBBIK kỳ thị chủng tộc, thù ghét dân Tzigane. Lập luận đó đã tìm được sự hưởng ứng trong giới tư pháp Hungary: JOBBIK thắng kiện ở cả ba cấp tòa, và sau đó, cả tại Tòa Bảo hiến!

Nhận định về vụ kiện này, Hiệp hội về các quyền tự do (TASZ) cho rằng nếu ký giả đã tuân thủ những nguyên tắc đạo đức báo chí và cẩn trọng tìm hiểu sự việc, thì không thể “bắt tội” đương sự khi họ đưa trong bài một đường link mà không nhất thiết họ phải đồng tình với mọi nội dung ở đó.

Tổ chức dân sự bảo vệ nhân quyền và dân quyền nổi tiếng này của Hungary còn nhận định rằng, điều này càng đúng trong trường hợp nhà báo cần tường thuật về một sự kiện còn có nhiều “tồn nghi” và có nhiều quan điểm trái ngược, như trong trường hợp xảy ra năm 2013 ở ngôi trường nói trên.

TASZ nhận xét: “Tại Hung, thực tế tư pháp trong xét xử cho rằng ngoại trừ các bản tin về những cuộc họp báo, còn báo chí phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mà họ trích dẫn - bất kể hoàn cảnh ra sao - như thể đó là nội dung của chính họ. Cách xét xử này gọi là “trách nhiệm liên đới”.

Trách nhiệm liên đới” là điều làm khó dễ rất nhiều cho báo chí trong việc tự do tường thuật những sự kiện của đời sống chính trị xã hội. Do đó, chúng tôi đã kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu để có được phán quyết khẳng định tòa Hung đã vi phạm quyền tự do ngôn luận”, TASZ cho hay.

Trong phán quyết công bố ngày 4-12, Tòa Strasbourg khẳng định tòa các cấp tại Hungary - một cách có chủ ý - đã không xem xét xem ký giả và tờ báo mạng có thiện ý và có tuân thủ các nguyên tắc đạo đức báo chí khi viết và đăng bài hay không, và đó là điều đi ngược lại thực tế xét xử của Tòa.

Phán quyết (có thể xem ở đây) của Tòa Strasbourg nhận định rằng cách xử án dựa trên cơ sở “trách nhiệm liên đới” của nền tư pháp Hungary ảnh hưởng một cách tiêu cực tới sự lan truyền tự do thông tin trên mạng Internet, và về tổng thể, nó ngăn trở các tác giả trong việc sử dụng các đường link.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu còn đưa ra một trắc nghiệm để căn cứ vào đó, xác quyết được rằng có thể quy trách nhiệm tác giả khi họ đưa link trong bài viết hay không. Qua đó, Tòa nhấn mạnh không thể đánh giá trách nhiệm trên cơ sở liên đới, mà phải xem xét riêng rẽ từng vụ việc một.

Tòa Strasbourg kết luận, tòa các cấp của Hungary đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi xử phạt mạng tin 444.hu vì một bài viết có hàm chứa đường link có nội dung không đúng sự thật. “Phán quyết này sẽ buộc tòa Hung, kể cả Tòa Bảo hiến, phải cẩn trọng hơn khi xử án liên quan tới việc dẫn link.

Từ nay trở đi, các nhà báo, “dân báo” (blogger) và người sử dụng mạng Internet khi đưa link một cách có trách nhiệm vào nội dung cá nhân, sẽ không còn sợ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho hành động đó
”, TASZ tổng kết vụ kiện mang tính tiền lệ trong thông cáo mới đây của tổ chức này.

(*) Bài viết đã đăng trên “Luật Khoa tạp chí”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh