Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY: AN TOÀN CHO HUNG KIỀU LÀ QUAN TÂM HÀNG ĐẦU!

(NCTG) “Quan trọng nhất đối với Hungary là phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng Hung kiều tại vùng Kárpátalja” là phát biểu của Thủ tướng Orbán Viktor trong cuộc trao đổi với ông Brenzovics László, một đại diện Hung kiều tại vùng Kárpátalja (Ukraine).

Ngoại trưởng Hungary trong chuyến công du vùng Kárpátalja, từng là lãnh thổ Vương quốc Hung

Giữ cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Hung tại Kárpátalja, ông Brenzovics László đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Kárpátalja. Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Hungary, ông đã thông báo tình hình của chừng 150 ngàn người gốc Hung trong vùng, và cám ơn Chính phủ Hungary đã có sự quan tâm đến cộng đồng Hung kiều tại đây.

Đôi bên nhất trí rằng trong cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine, quan trọng nhất đối với đôi bên là sự an toàn của cộng đồng Hung kiều. Bên cạnh đó, đôi bên cũng bày tỏ người gốc Hung trong vùng quan tâm tới sự hội nhập EU của Ukraine, vào sự gây dưựng một quốc gia Ukraine hùng mạnh và dân chủ, nơi mà các dân tộc thiểu số - trong đó có cộng đồng Hung kiều - sẽ có được những quyền lợi rộng rãi nhất.

Bộ Ngoại giao Hungary nhấn mạnh về những nỗ lực của ngoại giao nước này trong khủng hoảng ở Ukraine: trong số các ngoại trưởng EU, duy nhất chỉ có Ngoại trưởng Hungary Martonyi János đã tới thăm Hung kiều tại vùng Kárpátalja - ngoài ra, một chính khách cao cấp khác là Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Németh Zsolt cũng đã có chuyến công du sang vùng đất này.

Nhìn lại lịch sử, mùa hạ năm 1920, vì đứng ở phe bại trận nên theo Hiệp định Hòa bình Trianon (chấm dứt Đệ nhất Thế chiến), Vương quốc Hungary đã mất hai phần ba diện tích và hai phần ba dân số dân số cho các nước láng giềng. Vùng đất lịch sử Kárpátalja (tức Zakarpattia) bị sáp nhập và trở thành một phần lãnh thổ Ukraine.

Giữa hai cuộc Thế chiến, chính quyền Hung đã có những nỗ lực để giành lại những phần lãnh thổ đã mất, nhưng họ lại tiếp tục mắc sai lầm là nhận nước Đức phát-xít làm Đồng minh. Vì thế, sau thất bại của Phe Trục năm 1945, Hungary không những không lấy lại được chút đất đai vào mà nước này còn mất thêm đất cho nước ngoài.
 

Đài kỷ niệm 1.100 năm lập quốc của Hungary (tác phẩm của điêu khắc gia gốc Hung Matl Péter) được dựng tại đèo Verecke (Veretskyy pereval, thuộc Ukraine): bảy tảng đá tượng trưng cho bảy bộ lạc Hungary đã vượt đèo Verecke để tới vùng lòng chảo Kárpát (Carpathian) vào năm 895, rồi lập quốc sau đó một năm tại vùng đất hiện là Hungary

Từ bấy tới nay, nhất là sau chuyển đổi thể chế 1989-1990, tại Hung vẫn lẻ tẻ có một số nhóm cực đoan muốn tái lập biên giới Hungary đầu thế kỷ 20. Đây là những nỗ lực không được chính giới ủng hộ, không thuộc dòng “chủ lưu”, tuy thời gian gần đây, “noi gương” sự can thiệp của Nga vào Ukraine, có một vài động thái (phát biểu, biểu tình) trở lại ý đó.

Trong vụ “trưng cầu dân ý” ở Crimea, một vài chính khách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của Hungary cũng đã được chính quyền Moscow mời mọc sang bán đảo này để “giám sát” và có ý kiến tốt về vụ “tự nguyện sáp nhập”, trong khi những nhà báo, nhân sĩ khác thì gặp khó khăn, o ép khi muốn sang quan sát một cách độc lập.

Khi về nước, các chính khách này đã rất khen Nga, và cho rằng Budapest có thể “noi gương” đó từng bước bằng cách, trước tiên là tìm cách để vùng Kárpátalja được quy chế tự trị rồi “hạ hồi phân giải”. Tuy nhiên, ý kiến ấy cũng không được hưởng ứng, và chính quyền Hungary đã lên tiếng đề nghị tránh những phát biểu theo hướng xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Gần đây nhất, lá thư “điên rồ” đề xuất chia cắt Ukraine của Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Vladimir Zhirinovsky - với nội dung “gạ” Hungary “xúi” cư dân vùng Kárpátalja trưng cầu dân ý để tách khỏi Ukraine - cũng bị Bộ Ngoại giao Hung coi là “kỳ quặc” và cho hay: họ ko muốn hồi âm vị chính khách cực đoan này!

Tuy nhiên, trong khi tỏ ra quan tâm tới Hung kiều tại Ukraine, Hungary vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông - Trung Âu có thái độ rất “mềm” trước sự can thiệp của Nga tại Ukraine và bán đảo Crimea. Thái độ ứng xử này của liên minh cầm quyên đã gặp phải sự phản đối gay gắt của phe đối lập và một bộ phận cư dân, ít tuần trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội 6-4 tới...

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn tổng hợp