HUNGARY: 5 NĂM THẤT BẠI TRONG LIÊN HIỆP CHÂU ÂU
- Chủ nhật - 31/05/2009 07:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiếc đồng hồ cát lớn nhất thế giới, biểu tượng mốc thời gian Hungary gia nhập Liên hiệp Châu Âu, chỉ hoạt động trong vòng 4 tháng và hiện đang trong tình trạng "chẳng ai cần" từ nhiều năm nay, cho thấy tâm trạng ảm đạm của Hungary 5 năm qua
Điều này được phản ánh qua những cuộc thăm dò ý kiến người dân trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, vào tháng Năm qua, nhân dịp 5 năm mở rộng Liên hiệp Châu Âu về phía Đông, một thống kê của Eurobarometer đã cho thấy trong số 27 nước thành viên EU, Hungary là nước có tỉ lệ ủng hộ EU thấp thứ nhì (31%), chỉ hơn Latvia (27%), trong khi, tỉ lệ trung bình của EU là 53%! Đấy là còn chưa nói đến chuyện, trong phần còn lại, thì 45% cư dân Hung cho rằng vào Liên hiệp Châu Âu cũng chả có tác dụng gì đáng kể!
* Kinh tế lụn bại
Lý giải điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cố nhiên, lỗi không thuộc về EU, và gia nhập EU thì vẫn tốt hơn ở ngoài, nhưng một thực tế là trong vòng nửa thập niên qua, kinh tế Hung sụt giảm ở mức độ ghê gớm. Như diễn đạt của một nhà kinh tế nổi tiếng, ông Csaba László, hầu như nước Hung không đưa ra được bất cứ kết quả kinh tế khả quan nào kể từ thời điểm 1-5-2004.
Mặc dù thuộc nhóm đầu trong số các quốc gia vùng Đông – Trung Âu vào thời điểm gia nhập Liên hiệp Châu Âu, nhưng xét về sự tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua, Hung xếp đội bảng với chỉ số 9,9%, so với mức trung bình 22,5%, thua xa các nước láng giềng như Slovakia (35,8%), Cộng hòa Czech (25,6%) và Ba Lan (23%).
Vấn đề của Hungary, theo ông Csaba László, là nước này đã diễn đạt những nhu cầu của mình một cách sai trái và tệ hại, trước khi gia nhập EU. Giới chính khách Hung đã quen với việc “vòi vĩnh” nước ngoài và cần một thế hệ để có thể từ bỏ thói quen này. Là một chuyên gia thông thạo trong các vấn đề của EU, ông Csaba László nhận thấy giới lãnh đạo Hung luôn đưa ra hình ảnh một Châu Âu hào nhoáng và rộng rãi cho cư dân Hung, và đây là điều hết sức nguy hiểm vì một khi người dân thất vọng về mức sống và nền kinh tế đất nước, thì sự thất vọng ấy sẽ lên đến cực điểm.
Nước Hung đã đặt chân vào EU mà không hiểu rõ ý nghĩa của sự hội nhập: không phải mục đích là làm sao càng xin được nhiều tiền từ EU càng tốt, mà điểm căn bản là tận dụng được những nguồn từ Châu Âu để phát triển và khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng cạnh tranh trong hoàn cảnh mới, khi họ mở rộng hoạt động trên một thị trường rộng lớn gần ba chục nước. Đây là yếu tố mà Hungary đã thất bại hoàn toàn!
* Những sai lầm thảm khốc
Một số sai lầm nữa của Hungary cũng được mổ xẻ, như Hung không dốc toàn lực để gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung Euro, hoặc, thay vì giảm thuế, giới lãnh đạo hay vin vào cớ kinh tế khó khăn để bắt dân “thắt lưng buộc bụng” với những đợt tăng thuế khốc liệt. Trong khi đó, việc tiết kiệm những khoản chi quốc gia lại được thực hiện ở những chỗ không thật cần thiết, với lý do đơn giản là ở đó, chúng ít gặp phải sự kháng cự đáng kể.
Thêm vào đó, không chỉ trong đời sống kinh tế, mà trong chính sách văn hóa và đường lối ngoại giao, Hungary cũng không gặt hái được gì đáng kể. Cho dù, như giới chuyên môn đánh giá, những vấn đề của Hungary không liên quan đến sự gia nhập EU, mà do chính nước Hung tạo ra. Thậm chí, việc Hungary được gia nhập Khối phi thị thực Schengen phải coi là một điểm son của nước này trong 5 năm thuộc Liên hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, không nhận ra điều đó, chính giới Hung luôn có khuynh hướng coi những yếu tố bên ngoài là lý do khiến nước này lụn bại. Đó là lý do khiến các cử tri với tầm hiểu biết trung bình cũng tỏ ra chán ngán EU không khác gì khối Hiệp ước Warsaw thời xưa.
* Các tổ chức cực đoan "lấn sân"
Trên cái nền ảm đạm ấy, thời gian qua, nhiều tổ chức chính trị cực đoan tại Hungary đã được không ít cư dân ủng hộ. Có thể kể đến ở đây tổ chức bán vũ trang Vệ binh đoàn Hungary, ít nhiều mang màu sắc dân tộc cực đoan, tân phát-xít, đã bị phản đối ở một số nước láng giềng. Nhưng đáng lo ngại hơn cả vẫn là sự “lấn sân” của đảng cực đoan JOBBIK và những hoạt động tranh cử rất tích cực cùa họ trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu cuối tuần sau.
Poster tranh cử Nghị viện Châu Âu của đảng JOBBIK với khẩu hiệu: "Nước Hungary của người Hung"
Khởi đầu là một phong trào của những thanh niên (đa số là sinh viên đại học) với tinh thần dân tộc mang tên Phong trào vì một nước Hungary tốt đẹp hơn, đến nay, JOBBIK đã trở thành một chính đảng hoạt động khá mạnh và rộng lớn, với mục đích “tạo dựng một xã hội công bằng hơn” và “chấm dứt sự thay đổi thể chế” từ năm 1989, mà họ cho rằng đã chưa được thực hiện hoàn hảo. JOBBIK tự nhận là một đảng bảo thủ, theo chủ nghĩa Thiên Chúa giáo dân tộc, chủ trương những phương pháp cấp tiến và đại diện cho toàn thể dân tộc Hungary.
Với phương châm ấy, JOBBIK chủ trương trở về với những giá trị mà họ coi là truyền thống của nước Đại Hung thuở xưa, và đặt mục đích đòi lại những diện tích mà Hungary phải cắt cho các nước láng giềng sau Đệ nhất Thế chiến.
Phản đối việc Hungary gia nhập Liên hiệp Châu Âu, coi nước ngoài là lý do khiến Hungary suy yếu, chủ trương kỳ thị sắc tộc Tzigane và người ngoại quốc, coi tất cả các đảng phái khác ở Hung là địch thủ… là những điểm khiến JOBBIK thường bị phê phán rất gay gắt trên báo chí, truyền thông, nhưng lại được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều phần tử cực đoan. Một cuộc điều tra mới đây đem lại kết quả bất ngờ: số người ủng hộ JOBBIK đã lên tới hơn 10%, vượt cả hai đảng hiện đang nắm quyền tại Hungary là Đảng Xã hội MSZP (9,7%) và Liên đoàn Dân chủ Tự do (6,4%).
Với khẩu hiệu “Nước Hungary của người Hung”, JOBBIK tuyên bố họ là một lực lượng chính trị mới có thể đưa nước Hung ra khỏi cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, hoạt động tranh cử Nghị viện Châu Âu của JOBBIK với những mục tiêu cực đoan – cũng như những chủ trương nhuốm màu bạo lực của họ - đã khiến chính giới Hungary phải lo ngại và một bộ phận đáng kể cư dân Hung thì ngao ngán trước những nguy cơ cực hữu, bên cạnh nguy cơ tụt hậu và kinh tế tệ hại của đất nước.